Cùng với việc đổ lỗi, Trung Quốc chuyển sang chiến lược bắt nạt nhằm né tránh trách nhiệm trong đại dịch COVID-19.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm lảng tránh trách nhiệm về đại dịch virus corona mới thông qua chiến dịch tuyên truyền toàn cầu đã trở nên “lợi bất cập hại” đối với Bắc Kinh. Mưu toan của các quan chức chính phủ và truyền thông ĐCSTQ đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác về nguồn gốc và sự lây truyền của virus đã gây ra phản ứng dữ dội. Thêm vào đó, các vật tư y tế chất lượng kém “Made in China” cũng được nhiều nước trên thế giới báo cáo.
Thay vì rút lui, chế độ độc tài của ông Tập Cận Bình đã quay sang một chiến thuật quen thuộc: bắt nạt. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh đang yêu cầu chính phủ các nước đưa ra lời khen ngợi về cách thức xử lý đại dịch của Trung Quốc hoặc kiểm soát các bài báo nói về sự thất bại của họ, đe dọa những hậu quả nếu những yêu cầu của họ không được đáp ứng. Đáng lo ngại là chiến thuật này dường như tác động phần nào tới Liên minh châu Âu.
Tuần trước, một đơn vị thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu chuyên theo dõi các thông tin sai lệch đã hoàn tất một bản báo cáo về COVID-19, trong đó bao gồm miêu tả về việc tuyên truyền của Nga và Trung Quốc. Bản báo cáo nhận định rằng “Trung Quốc tiếp tục thực hiện một chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu để tránh bị đổ lỗi và cải thiện hình ảnh quốc tế của họ.”
Khi bản báo cáo rò rỉ xuất hiện trên ấn phẩm châu Âu của tờ Politico, giới ngoại giao của Trung Quốc đã rất bận rộn. Theo Financial Times, hai quan chức bộ ngoại giao đã gọi điện cho đại diện EU tại Bắc Kinh, trong khi người thứ ba đã liên hệ trụ sở ngoại giao EU tại Bỉ, phản đối việc kết luận rằng chính phủ Trung Quốc lan truyền thông tin sai lệch. Financial Times cho biết một quan chức cấp cao đã nói với đại sứ EU tại Bắc Kinh rằng “nếu EU đi theo Mỹ trong việc tấn công công khai Trung Quốc, thì họ sẽ bị tấn công lại như Mỹ đã bị.”
Phát ngôn viên của Cơ quan Hành động Đối ngoại tuyên bố hôm thứ Hai rằng đã có sự “hiểu sai” về hành động của họ, và rằng có hai bản báo cáo, trong đó một bản cứng rắn hơn được dùng cho “sử dụng nội bộ”. Trong khi đó, một email nội bộ mà New York Times có được cho thấy một nhà phân tích EU đã cáo buộc các cấp trên của bà “tự kiểm duyệt để làm vừa lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Và tại sao phải chuẩn bị hai phiên bản, nếu không phải để tránh sự thịnh nộ của Bắc Kinh?
Chiến dịch của chế độ Tập nhằm đàn áp các tiếng nói của phương Tây về hồ sơ virus corona ở Trung Quốc đang leo thang. Gần đây họ đã trục xuất các nhà báo của Washington Post, New York Times và Wall Street Journal. Các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã đề nghị chính phủ Đức khen ngợi việc xử lý virus corona của họ. Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã đe dọa tẩy chay kinh tế nếu chính phủ Úc không dừng lại việc yêu cầu một cuộc điều tra về nguồn gốc và cách thức xử lý COVID-19 tại Trung Quốc. Phản ứng đối với thái độ hiếu chiến như vậy, thế giới không thể nhân nhượng.