Friday, September 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBắc Kinh đang thách thức nghiêm trọng lợi ích của Washington ở...

Bắc Kinh đang thách thức nghiêm trọng lợi ích của Washington ở Biển Đông

Giới chức Bắc Kinh cho rằng hải quân Mỹ đang ở vào thời điểm khó khăn nhất vì có đến 4 tàu sân bay phải ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 (các tàu USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan, USS Carl Vinson và USS Nimitz). Như vậy, hiện tại khu vực tây Thái Bình Dương không có đội tàu sân bay nào của Mỹ hoạt động. Tờ Hoàn Cầu thời báo hả hê cho rằng hải quân Mỹ “không thể che giấu tình trạng yếu kém hiện tại”.

Bắc Kinh cho rằng thời điểm này là cơ hội cần tranh thủ để triển khai một loạt các hoạt động gây hấn ở Biển Đông nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Mỹ ở Biển Đông, thúc đẩy yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông nhằm thực hiện mục tiêu gạt Mỹ ra ngoài để độc chiếm Biển Đông.

Với cách nhìn nhận kể trên, giới cầm quyền Bắc Kinh đã không ngừng gia tăng các hoạt động hung hăng ở Biển Đông thời gian gần đây từ việc đâm chìm tàu cá Việt Nam, điều nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông đến đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu chấp pháp quấy nhiễu, ngăn cản hoạt động dầu khí của Malaysia đến việc công bố thành lập “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa” hay đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông.

Tuy nhiên những tính toán của Bắc Kinh chưa thật chuẩn xác. Trong khi Covid-19 khiến một số tàu sân bay Mỹ phải nằm ở cảng, thì hải quân Mỹ vẫn còn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman tại Bắc Đại Tây Dương, và nhóm tàu sân bay USS Eisenhower ở Biển Ả Rập. Trong trường hợp cần thiết Mỹ có thể điều nhóm tàu sân bay Eisenhower đến Biển Đông trong vòng chưa đầy 1 tuần.

Hơn nữa, hải quân Mỹ còn có tàu tấn công đổ bộ USS America mang theo các tiêm kích tàng hình F-35B đang hoạt động ở biển Hoa Đông. Mối đe dọa mạnh mẽ nhất của hải quân Mỹ với Trung Quốc lại đến từ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và từ 31 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công thuộc Lực lượng tàu ngầm khu vực Thái Bình Dương. Trong đó có 4 tàu ngầm đóng tại Guam và chỉ mất 2 ngày là đến được giữa Biển Đông.

Những hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông trong lúc đại dịch đang hoành hành đã thách thức nghiêm trọng các quyền lợi của Mỹ ở khu vực, buộc Mỹ phải có những hành động đáp trả. Bất chấp việc đang chịu tổn thất nặng nề nhất trong dịch bệnh với số người nhiễm Covid-19 và số người chết cao nhất thế giới, Mỹ luôn theo rõi sát sao những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông và có những phản ứng hết sức mạnh mẽ.

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các Nghị sĩ Mỹ ra thông cáo và mới đây nhất là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo lên tiếng thẳng thừng phản đối việc tàu chấp pháp Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và những hành động đơn phương của Trung Quốc bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông; lên án Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để thúc đẩy những yêu sách phi lý ở Biển Đông.

Mỹ tăng cường hoạt động của máy bay ở Biển Đông để theo dõi nhất cử, nhất động của Trung Quốc. Đáng chú ý là khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 của Trung Quốc (nhóm tàu đã liên tiếp 4 lần tiến hành các hoạt động xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019) tiến hành các hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Mỹ đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry đến hoạt động tại khu vực này.

USS America là tàu đổ bộ thế hệ mới nhất của hải quân Mỹ, được thiết kế với khoang chứa máy bay lớn hơn, tăng cường các cơ sở hạ tầng bảo trì hàng không, tiếp nhiên liệu. Tàu USS America là loại tàu tác chiến đổ bộ có kích thước lớn nhất, có thể được xem là tàu sân bay cỡ nhỏ có khả năng triển khai cả trực thăng tác chiến lẫn máy bay chiến đấu. Việc Mỹ điều tàu USS America đến Biển Đông là nhằm khẳng định sức mạnh vượt trội của hải quân Mỹ so với Trung Quốc, kể cả trong trường hợp các tàu sân bay đang gặp khó khăn.

Bà Nicole Schwegman – Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhấn mạnh thông qua hoạt động của tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry trên Biển Đông để khẳng định rằng “chúng tôi (Mỹ) đang thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc xác định các lợi ích kinh tế của chính họ”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại trước những hành động liên tiếp của Trung Quốc nhắm đến hoạt động dầu khí của các nước ven Biển Đông; lên án hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm phương hại đến thị trường năng lượng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt kiểu hành xử bắt nạt, không thực hiện hành vi khiêu khích và gây bất ổn.

Trước những hành động gây bất ổn liên tiếp ở khu vực của Trung Quốc, hai nước đồng minh của Mỹ là Nhật, Úc đã có những động thái cụ thể phối hợp với Mỹ để ngăn chặn hành vi leo thang mới của Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 21/4/2020, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã phản đối Trung Quốc về chuyện Bắc Kinh đưa tàu qua vùng nước tranh chấp giữa hai nước gần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông (Hãng Kyodo cho biết trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã 7 lần xâm nhập vào vùng biển do Nhật kiểm soát, và gần nhất là sự hiện diện của 4 tàu Trung Quốc giữa tháng 4 vừa qua). Ngoại trưởng Motegi đồng thời nêu quan ngại việc Trung Quốc thành lập hai quận quản lý Hoàng Sa Trường Sa trên Biển Đông.

Ngày 22/4/2020, lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và không quân Mỹ đã tiến hành tập trận chung. Tướng Charles Brown, Tư lệnh không quân khu vực Thái Bình Dương Mỹ cho biết cuộc tập trận cho thấy sự cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện năng lực triển khai của Mỹ tại nhiều khu vực trên thế giới ngay cả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 lây lan khắp toàn cầu. 

Đáng chú ý, Úc – một đồng minh của Mỹ đã điều tàu chiến đến Biển Đông tập trận chung với hải quân Mỹ giữa lúc căng thẳng trong khu vực leo thang vì những hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Ngày 22/4/2020, hải quân Úc xác nhận đã triển khai tàu hộ vệ HMAS Parramatta lớp ANZAC đến Biển Đông “để thể hiện sự ủng hộ đối với an ninh và sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Theo một số nguồn tin, khu vực tàu hộ vệ HMAS Parramatta của Úc tập trận cùng các tàu chiến Mỹ ngay gần khu vực mà tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển của Trung Quốc đang hoạt động. Bên cạnh việc huấn luyện tác chiến, hai bên đã diễn tập bắn đạn thật.Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tàu viễn chinh USS America tuyên bố: “Việc thể hiện khả năng tác chiến chung ở biển Đông gửi đi thông điệp rõ ràng đến các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực rằng chúng tôi cam kết sâu sắc về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”.

Cùng với việc điều tàu chiến đến Biển Đông, hôm 23/4bà Marise Payne – Ngoại trưởng Úcbày tỏ lo ngại về “một loạt sự cố và hành động gần đây” ở Biển Đông, trong đó có “những nỗ lực nhằm ngăn cản hoạt động phát triển tài nguyên của các quốc gia khác, tuyên bố lập các “quận hành chính” mới và vụ tàu đánh cá Việt Nam được cho là bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm”; kêu gọi “tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và bảo vệ tự do hàng hải, hàng không”; nhấn mạnh “điều quan trọng tại thời điểm này là tất cả các bên kiềm chế hoạt động gây mất ổn định và giảm căng thẳng để cộng đồng quốc tế có thể toàn tâm toàn ý ứng phó đại dịch Covid-19“.

Các nhà quan sát cho rằng các hành động gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng giữa lúc đại dịch toàn cầu không chỉ thách thức lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ ở Biển Đông mà còn chạm tới danh dự của siêu cường duy nhất. Washington muốn chứng tỏ với Bắc Kinh rằng hải quân Mỹ vẫn là số một thế giới, bất cứ trong trường hợp nào hải cũng đủ lực lượng triển khai để ứng phó.

Việc Úc cùng Mỹ lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc và triển khai tàu chiến cùng Mỹ tập trận ở Biển Đông vào thời điểm này là nhằm chuyển đến giới lãnh đạo Bắc Kinh thông điệp cứng rắn Mỹ sẽ “không cho phép” Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch bệnh để bắt nạt các nước láng giềng; bên cạnh Mỹ còn nhiều đồng minh với lực lượng hải quân hùng mạnh có thể phối hợp với Mỹ ngăn chặn sự hung hăng, bành trướng của Trung Quốc.

Trước những thách thức mới từ những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, một số nhà dự báo chiến lược cho rằng những cuộc tập trận quy mô lớn của Quân đội Mỹ trong năm 2020 tới đây sẽ có kịch bản liên quan tới Biển Đông.Đây được xem là động thái bất ngờ của Lầu Năm góc trước những hành động lấn lướt ngày càng gia tang của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây; là hành động hiện thực hoá chiến lược xoay trục sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington. Không loại trừ khả năng sẽ có nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực này cũng sẽ tham gia tập trận và biến đây thành một của cuộc tập trận chung đa quốc gia quy mô lớn chưa từng có trênvùng biển Đông.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật, Úc sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong các cuộc tập trận nêu trên; các quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á rất có thể sẽ tham gia vào cuộc tập trận này bao gồm Philippines, Thái Lan và kể cả các quốc gia khác không phải đồng minh của Mỹ như Malaysia, Indonesia và Brunei cũng có thể sẽ được mời tham dự.

RELATED ARTICLES

Tin mới