Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCó nên để cho TQ “viết lại” luật pháp quốc tế?

Có nên để cho TQ “viết lại” luật pháp quốc tế?

Đó là câu hỏi mà các chuyên gia, học giả và dư luận quốc tế đang đặt ra trước việc ngày 18/04/2020, Trung Quốc ngang nhiên công bố lập hai quận trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với hành động này, Trung Quốc tiếp tục xem thường luật pháp quốc tế, bất chấp Việt Nam đã liên tục khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Thái độ ngang ngược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không dừng lại ở đó, khi một ngày sau đó (19/04/2020), Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của nước này còn công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông. Hầu hết những thực thể này tập trung ở phần phía tây Biển Đông, trong đó một số nằm dọc theo“đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố và rất gần đất liền Việt Nam.

Ngay sau những hành động trên của Trung Quốc, trong những ngày qua, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế đã bày tỏ bức xúc trước việc làm vừa “bất tri đạo” lại vừa “bất tri lý” củaBắc Kinh.

Chia sẻ trên tài khoản twitter cá nhân, ông Greg Poling – Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS), chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông đã chỉ ra rằng, phần lớn các thực thể mà Trung Quốc đặt lại “danh xưng tiêu chuẩn” đều là thực thể chìm, nên Trung Quốc “không thể tuyên bố chủ quyền trên đáy biển”. Còn chuyên gia Carlyle A. Thayer của Đại học New South Wales thì đánh giá, các động thái trên của Bắc Kinh là “hành động khiêu khích, trái với luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố chung về hành xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC), làm phương hại nghiêm trọng đến quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý”.Trong khi đó, ông Jonathan G. Odom – cựu cố vấn chính sách biển của Văn phòng Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, lưu ý rằng, mọi hành động đơn phương của một bên trong vấn đề tranh chấp đều “vô nghĩa” về mặt pháp lý trước Tòa án Công lý Quốc tế nếu những hành động này được tiến hành sau “ngày mang tính then chốt”, nghĩa là khi tranh chấp đã tồn tại.

Bill Hayton – chuyên gia bình luận về các vấn đề Đông Nam Á thì đánh giá, động thái tuyên bố thành lập quận Tây Sa quản lý các đảo Tây Sa và Trung Sa đã phơi bày sự vô lý trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vì “thật ra các đảo Trung Sakhông tồn tại” mà là bãi ngầm theo tên quốc tế là Macclesfield.Theo diễn giải của ông Hayton, việc Trung Quốc khăng khăng gọi Trung Sa là “các đảo” xuất phát từ nỗ lực định hình bản đồ Trung Hoa hiện đại của Bạch Mi Sơ (Bai Meichu), nhà địa lý học Trung Quốc vào thập niên 1930.Vì hiểu sai tư liệu nước ngoài nên ông Bạch vẽ các bãi cạn thành đảo. Chính quyền tại Trung Quốc khi đó gọi quần đảo Trường Sa trên bản đồ là “Nam Sa”, đến sau Thế Chiến II, chính quyền nước này đưa ra tuyên bố chủ quyền với quần đảo thì họ lại thay đổi cách gọi và đưa bãi cạn Macclesfield vào “Trung Sa”, rõ ra là “bất tri đạo”. Vì thế ông Bill Haytonnhấn mạnh, Trung Sa là khái niệm được tưởng tượng và Trung Quốc đang “bị nhốt vào bên trong lập trường ngớ ngẩn, khẳng định chủ quyền một nhóm đảo không tồn tại”.Trong khi Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Công ước này quy định rất rõ khu vực nào các quốc gia có thể và không thể tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Thế màBắc Kinhlại đi ngược lại UNCLOS 1982 bằng cách khẳng định chủ quyền ở một nơi rất xa lãnh thổ đất liền và “chìm nghỉm dưới nước”. Vị chuyên gia này cảnh báo, Trung Quốc có thể tìm cách “đảo ngược thiết kế” luật pháp quốc tế, đảo ngược những thỏa thuận hàng thế kỷ nay thay vì thừa nhận sai lầm của mình. Từ đó ông khuyến cáo: “Vấn đề là chúng ta nên phản ứng bằng cách cười nhạo Trung Quốc duy trì tuyên bố chủ quyền ngớ ngẩn này hay lo ngại Trung Quốc đang tìm cách viết lại luật pháp quốc tế để giành lấy từng mẩu đất dưới đáy biển cách đất liền của họ hàng trăm dặm”.

Bàn về mặt pháp lý, chiến lược và bước đi sắp tới của Trung Quốc từ tuyên bố trên, nhiều chuyên gia cho rằng, về pháp lý, đây chỉ là hành động đơn phương từ phía Trung Quốc, nó hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Theo luật pháp quốc tế, nếu muốn tuyên bố có giá trị pháp lý quốc tế thì phải dựa trên luật pháp quốc tế, phải có được sự công nhận của các quốc gia liên quan.Tuy nhiên, những gì Trung Quốc đã và đang làm hoàn toàn đi ngược luật pháp quốc tế, vì: Một là: Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bắc Kinh đang chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng việc họ sử dụng vũ lực để chiếm đóng chúng là vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, không mang lại cho Trung Quốc chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này. Hai là: Việt Nam rất nhiều lần khẳng định chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi với hai quần đảo, được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Mới đây nhất, trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc ngày 30/03/2020, Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định điều này.Ba là: Việc Trung Quốc tuyên bố “chính quyền nhân dânmới không những quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn quản lý vùng biển xung quanh”là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, bởi vì, theo UNCLOS 1982, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Những thực thể ở Trường Sa, cũng như bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Trung Sa” đều thuộc dạng này.Vậy thì, Trung Quốc dựa trên cái gì để tự cho mình quyền quản lý những khu vực đó? Chủ quyền không có, Công ước Luật biển không cho phép. Chẳng phải Bắc Kinh “bất tri lý” đó sao.

Xung quanh câu chuyện 80 thực thể mà Trung Quốc đặt tên, trong đó có nhiều thực thể nằm dọc theo “đường chín khúc” phi pháp và một số thực thể nằm rất gần đất liền Việt Nam, nhiều chuyên gia, học giả cho rằng, Trung Quốc đang tìm mọi cách để “chiếm đoạt”, không chỉ ở Trường Sa, Hoàng Sa mà còn lấn vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, vốn đã được thừa nhận theo UNCLOS 1982. Nếu họ đặt tên như vậy, thì sau này họ sẽ rêu rao rằng, đảo này, đá này là của Trung Quốc từ lâu đời rồi, Trung Quốc đã đặt tên rồi, vùng biển này là của Trung Quốc và nếu như Việt Nam có hoạt động khai thác thì họ sẽ cho là “xâm phạm”. Tức là họ tìm mọi cách để biến “không” thành “có”. Ở đây, cần phải hiểu thêm một điều nữa là, Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài nham hiểm là biến mọi thứ thành “sự đã rồi” và sau này,Bắc Kinh sẽ có cớ để “lu loa” rằng, những thực thể mang tên như thế kia là thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc. Việc này tương tự như cách Bắc Kinh vin vào tên gọi quốc tế của Biển Đông là “South China Sea” để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông -đến nước này thì không thể gọi là “bất tri…” được nữa mà phải chỉ thẳng ra là “ngu xuẩn” và bậy bạ.

Về chiến lược, việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thành lập quận Tây Sa và Nam Sa, cũng như công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đôngcho thấy, trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh với dã tâm đã có từ lâu, vẫn tìm mọi cách để “độc chiếm” Biển Đông. Bởi có “độc chiếm” Biển Đông thì họ mới có thể hoàn thành “giấc mơ Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc số một” thế giới.Mặc dù bị thiên hạ phản đối rất nhiều, Bắc Kinh vẫn chọn những lúc như thế này, những lúc toàn thế giới bị “hút” vào việc khác, không dành nhiều sự chú ý cho Biển Đông, để ra tay.Thế mới biết, để phấn đấu trở thành “nước lớn nhất” trong các nước lớn thì người Trung Quốc cũng không quên mang cả những hành động “nhỏ nhen nhất” ra để thi thố.

Về kế hoạch lâu dài, từ việc đặt ra thứ bậc hành chính từ “huyện cấp thị” (thành phố cấp huyện) năm 2007, trở thành “địa cấp thị” (thành phố cấp địa khu) năm 2012, rồi giờ đây thiết lập các “thị hạt khu”, việc nâng cấp cái mà Trung Quốc gọi là “thành phố Tam Sa” ở Biển Đông cho thấy, đây là kế hoạch lâu dài của Bắc Kinhvà nó đã được “trù liệu” từ rất lâu. Từ năm 1982, khi Trung Quốc vạch ra cái gọi là “kế hoạch biển” thì tướng Lưu Hoa Thanh,Tư lệnh đời thứ ba của Hải quân Trung Quốc đã tuyên bố, Trung Quốc cần phải làm chủ biển khơi.Kế hoạch này được thể hiện thông qua chiến lược phát triển Hải quân 3 giai đoạn, xoay quanh học thuyết “hai chuỗi đảo” ở Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu của chiến lược là Trung Quốc sẽ có lực lượng “hải quân biển xanh” vươn tầm toàn cầu vào năm 2040.Những diễn biến mới vừa qua hoàn toàn trùng khớp với những gì Trung Quốc đang theo đuổi và mang đến một số thông điệp: 1/ Trung Quốc không bao giờ từ bỏ “dã tâm” của mình. 2/ Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng của thế giới ra sao. Nếu thế giới phản ứng không đủ mạnh và Trung Quốc thấy vẫn có thể tiếp tục hành động thì nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiến hành những bước tiếp theo.

Giáo sư Jay Batongbacal – Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines nhận định, việc Trung Quốc thành lập các quận mới là một nỗ lực để chứng minh họ có “quyền” kiểm soát tuyệt đối các vùng biển tranh chấp.Những năm gần đây, Trung Quốc đã biến các đảo nhân tạo thành “tiền đồn” chiến lược về quân sự với trang bị vũ khí hiện đại, bến cảng, đường băng, các cơ sở thông tin liên lạc… để chủ động ứng phó tình hình và mở rộng khả năng theo dõi, giám sát hoạt động của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Các hành động phi pháp, sặc mùi khiêu khích diễn ra với tần suất dày đặc của Trung Quốc đặt các quốc gia trong khu vực vào tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”.Trung Quốc đang ra sức khuấy động an ninh Biển Đông, đe dọa lợi ích hợp pháp của các quốc gia, làm xói mòn luật pháp quốc tế và thử thách tinh thần đoàn kết của các quốc gia ASEAN.Bất chấp đại dịch Covid-19, Bắc Kinh vẫn hành động nhằm định hình nhận thức phổ quát về cái gọi là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông thông qua “đường chín khúc”.Bắc Kinh đang muốn chứng tỏ họ hoàn toàn có khả năng quản lý hành chính, tiến hành các hoạt động kinh tế và triển khai quân sự tại vùng biển này. Nếu các quốc gia trong khu vực không phản bác thì việc này sẽ được họ viện dẫn là sự công nhận tính hợp pháp về “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, dù trên thực tế là bất hợp pháp.

Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 21/04/2020 cho rằng, hành động của Trung Quốc đã phớt lờ yêu sách của các bên liên quan trong khu vực, vi phạm các quy tắc của UNCLOS 1982 cũng như các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Song tờ báo này nhấn mạnh, mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đôngchứ không phải muốn làm gì thì làm.

Ông Grigory Loksin – chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982, làm cho tình hình khu vực càng trở nên phức tạp và căng thẳng.Về phần ứng xử của Việt Nam, ông Loksin cho rằng, Việt Nam đã xây dựng một chính sách có trách nhiệm và hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại. Theo ông, Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, đồng thời nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp để đoàn kết ASEAN và đưa ra quan điểm chung về các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đang nỗ lực để làm rõ lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông và giành được sự ủng hộ của nhiều quốc gia.Ông Grigory Loksin nhấn mạnh: “Việt Nam đã và đang kiên trì theo đuổi chính sách hội nhập cởi mở và đường lối ngoại giao đa phương. Điều này đã mang lại cho Việt Nam thành công lớn và uy tín cao trên trường quốc tế”.

Có thể thấy, những hành vi “lợi mình, hại người” gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đang nhắc nhở các quốc gia trong khu vực về tâm thế phải luôn luôn cảnh giác trong bảo vệ chủ quyền. Các quốc gia ASEAN, các nước có lợi ích ở Biển Đông trong đó có cả Mỹ, Nga, Nhật Bản… đang bị đe dọa bởi cuộc chiến “không có tiếng súng” của Trung Quốc ở Biển Đông. Một nỗ lực phối hợp và thống nhất để ngăn chặn các hành động “bá quyền” khu vực của Trung Quốc đang trở nên cấp thiết. Hành động can dự rõ nét, có tính phối hợp giữa các nước lớn tôn trọng lẽ phải song hành cùng quyết tâm lớn hơn của ASEAN và nhiều nước khác có thể trong phạm vi hẹp thì giúp kiềm chế chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, trên mức độ phạm vi rộng lớn hơn là cách không cho phép Bắc Kinh “viết lại” luật pháp quốc tế. Đó là đề xuất của nhiều chuyên gia, học giả trước hành động trên của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới