Giới chức Đài Loan cho biết, Đài Bắc luôn sẵn sàng và đã chuẩn bị kỹ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công vào mùa dịch COVID-19.
Theo thông tin trên, ông Chang Guan-chung, quan chức phòng vệ cấp cao của Đài Loan, cho biết ở đỉnh điểm của sự bùng phát đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, nếu Trung Quốc có ý định tiến hành bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào dẫn tới xung đột khu vực, họ sẽ bị thế giới lên án. Nhưng bất luận xảy ra chuyện gì, Đài Loan luôn sẵn sàng và đã chuẩn bị kỹ cho điều này; khẳng định Đài Loan luôn theo dõi sát sao các hoạt động của quân đội Trung Quốc cũng như tình hình trong khu vực thông qua hệ thống trinh sát của hòn đảo cũng như sự hợp tác với các nước khác. Cùng quan điểm trên, ông Wang Ting-yu, nhà lập pháp của đảng Dân chủ tiến bộ ở Đài Loan, cho hay các hoạt động gần đây của quân đội Trung Quốc ở eo biển Đài Loan rõ ràng “đang đe dọa hòa bình và sự ổn định trong khu vực”.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc Qiao Liang Thiếu tướng Không quân đã về hưu, Giáo sư tại Đại học Quốc phòng thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), cho rằng việc tấn công Đài Loan sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc cả về mặt chiến lược, địa chính trị và kinh tế; nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung vào giấc mộng “hồi sinh dân tộc” và không nên lợi dụng dịch bệnh để tấn công Đài Loan. Theo ông Qiao Liang, “mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không phải là tái thống nhất Đài Loan mà là thực hiện được giấc mộng hồi sinh dân tộc để toàn thể 1,4 tỉ dân Trung Quốc có thể có cuộc sống tốt đẹp. Liệu có thể đạt được (giấc mộng hồi sinh dân tộc – PV) bằng cách tấn công lấy lại Đài Loan? Tất nhiên là không. Vì vậy, chúng ta không nên coi việc tấn công Đài Loan là ưu tiên hàng đầu. Nếu Bắc Kinh muốn lấy lại Đài Loan bằng vũ lực, họ cần triển khai tất cả nguồn lực và lực lượng để làm điều đó”. Ông cho rằng việc dồn toàn lực tấn công Đài Loan có thể là một lựa chọn quá mạo hiểm giống như việc “đặt tất cả trứng vào cùng một rổ”. Tuy nhiên, ông cảnh báo dù ảnh hưởng của COVID-19 tới Mỹ có thể tạo ra lợi thế chiến thuật cho Trung Quốc, lợi thế đó “không đủ lớn để phá được thế lưỡng nan chiến lược mà Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai trừ phi Bắc Kinh chắc chắn rằng COVID-19 sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nước Mỹ”. Mỹ vẫn còn các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ trong cuộc chiến, nếu có, ở Đài Loan hoặc lực lượng Mỹ có thể tăng cường uy hiếp Trung Quốc từ các vùng biển khác hay thông qua trừng phạt kinh tế. Do đó, ông Qiao nhận định các bên chỉ có thể giải quyết vấn đề Đài Loan khi mối quan hệ đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington được giải quyết.
Giới phân tích nhận định kế hoạch thống nhất Đài Loan là sự tính toán về địa chính trị của chính quyền Trung Quốc. Suốt hơn 50 năm qua, mặc dù không thể cản trở Đài Loan phát triển như một vùng lãnh thổ độc lập, song Bắc Kinh vẫn tìm cách ngăn Đài Bắc đưa ra tuyên bố độc lập chính thức. Xét trên phạm vi nào đó, các động thái của Bắc Kinh, như sự cứng rắn ngày càng tăng về quân sự thông qua việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần Đài Loan, là nhằm nhắc nhở những người cầm quyền tại Đài Bắc rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào giành độc lập trên hòn đảo này cũng sẽ dẫn tới chiến tranh. Hơn nữa, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu. Do vậy Bắc Kinh muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đủ mạnh để thống nhất Đài Loan bất kể khi nào họ muốn.
Giới chuyên gia cũng nhận định nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chuẩn bị chiến tranh và không loại trừ biện pháp sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan chỉ là hù dọa tinh thần đối với Đài Bắc. Theo chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS nhận định Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ. Mỹ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công. Bên cạnh đó, Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội Trung Quốc.
Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư Michael Beckley, Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan. Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc. Theo đó, thay vì tìm cách chiếm ưu thế trên không và trên biển theo chiến thuật truyền thống, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất. Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực. Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển.
Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương. Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc.