Friday, September 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm nóng bãi Tư Chính: Góc nhìn mới của người Đức

Điểm nóng bãi Tư Chính: Góc nhìn mới của người Đức

Như đã biết, từ tháng 7 đến tháng 10/2019, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tiếp đó, những ngày cuối tháng 12/2019, một sự kiện tương tự cũng xảy ra tại vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia, hàng chục tàu đánh cá của Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Hai sự kiện khá giống nhau trên khiến các chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc tế và an ninh Đức, mặc dù ở tận trời Âu xa xôi cũng phải quan tâm, xem xét và lên tiếng nhằm làm sáng tỏ thêm về chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông, động cơ và sự tương thích của chiến lược này đối với sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” mà Bắc Kinh cổ vũ rầm rộ.

Các chuyên gia ở Viện trên cho rằng: Trong cả hai trường hợp trên, các tàu của Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào vùng biển nằm trong EEZ của Việt Nam và Indonesia. Các tàu dân sự này đều được sự hộ tống của các tàu thuộc lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, còn được gọi là Hải cảnh, mà theo tuyên bố của nước này là có nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động thăm dò và đánh bắt cá tại các khu vực Trung Quốc có “quyền lịch sử”.

Câu hỏi đặt ra là vậy động cơ nào thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các hành động trên? Các chuyên gia Đức cho rằng, Trung Quốc đang lấy bãi Tư Chính và vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ra để “thử nghiệm” cho nhiều khả năng khác nhau. Bao gồm:

Một là, thông qua các hành động trên, Trung Quốc muốn kiểm tra năng lực và khả năng của họ trong việc phối hợp hoạt động giữa tàu dân sự và tàu quân sự/bán vũ trang nhằm gây áp lực cho đối phương mà không cần sử dụng đến hỏa lực và như vậy sẽ không gây thương vong nghiêm trọng. Đây có thể coi là những cuộc “diễn tập” rất cần thiết để Bắc Kinh thực hiện các bước đi tiếp theo ở Biển Đông, nên nó rất phức tạp và cần phải có kế hoạch cẩn thận cả về chiến lược lẫn chiến thuật.

Hai là, qua đây Trung Quốc có thể kiểm tra năng lực và khả năng ứng phó của Việt Nam và Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền của mình, xua đuổi các tàu xâm nhập EEZ mà không đẩy các cuộc xung đột leo thang thành các cuộc đụng độ vũ trang bằng cách đưa ra các phản ứng khác linh hoạt và kiên quyết hơn. Đồng thời, có thể kiểm tra về khả năng phản ứng của hai chính phủ, nhất là Chính phủ Việt Nam trong việc thông tin về những sự kiện này tới người dân nước mình để giữ gìn tình cảm dân tộc, tránh để xảy các cuộc biểu tình, bạo loạn chống Trung Quốc như đã xảy ra vào năm 2014.

Ba là, Trung Quốc có thể kiểm tra thái độ và phản ứng của các quốc gia có yêu sách khác về chủ quyền đối với Biển Đông; thái độ và phản ứng của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như thái độ và phản ứng của quốc tế, nhất là từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU). Qua đó, kiểm tra mức độ sẵn sàng và khả năng của Việt Nam và Indonesia trong việc tìm kiếm các đối tác khác trong và ngoài ASEAN để đối phó với chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo dõi tất cả những gì diễn ra xung quanh hai sự kiện trên, tiếp cận từ góc độ phía Trung Quốc, có thể nhận thấy họ đã thu được một vài kết quả và Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng như:

Một giải pháp “tối ưu” để họ vừa khẳng định “chủ quyền”, vừa “áp chế” được hoạt động bình thường trên biển của các nước mà không tạo lý do quá “nguy hiểm” để các nước lớn hay cộng đồng quốc tế can thiệp. Vì vậy, cách thức này sẽ trở thành chiến thuật mà Trung Quốc có thể sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần nữa trong tương lai để đẩy các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và sự đoàn kết của ASEAN, sự ủng hộ của quốc tế vào những bài kiểm tra căng thẳng.

Nhưng điều cần phải nói là những kết quả mà Trung Quốc đạt được kể trên không có nghĩa lý gì, không thấm vào đâu và làm mất đi hình ảnh mà Trung Quốc đang xây dựng để thuyết phục, kêu gọi cả thế giới ủng hộ thông qua các sáng kiến “Vành đai và con đường”, “Cộng đồng chung vận mệnh…

Đối với sáng kiến “Vành đai và con đường”, Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng khi xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Về địa chính trị, Biển Đông là điểm khởi đầu của “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Tất cả các hãng tàu từ Trung Quốc đến châu Phi, Trung Đông và châu Âu đều phải vận chuyển hàng hóa đi qua vùng biển này. Do đó, quyền tự do hàng hải và an ninh của tàu thuyền di chuyển trên Biển Đông là một điều kiện bắt buộc đặt ra đối với con đường này. Nói cách khác, sự gia tăng căng thẳng hoặc đụng độ vũ trang xảy ra tại đây sẽ gây nguy hiểm, thậm chí là chặn đứng một trong những dự án quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và do đó làm giảm đi vị thế của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế.

Về kinh tế, Trung Quốc có thể chứng tỏ với các nước láng giềng ở ven Biển Đông rằng, họ sẵn sàng và có khả năng hợp tác một cách bình đẳng trong việc đánh bắt cá và thăm dò, khai thác tài nguyên. Một số dự án như vậy đã được công bố nhưng cho đến nay chưa thể thực hiện được. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế hoặc đe dọa vũ lực để buộc các nước láng giềng đi theo các sáng kiến của mình.

Về quân sự, việc tăng cường khả năng quân sự tại Biển Đông và sự “quyết đoán” của Trung Quốc trong việc bảo vệ cái gọi là “quyền lịch sử” bằng sức mạnh quân sự hầu như không phù hợp với quan niệm của Trung Quốc về “thế giới hài hòa” và “cộng đồng chung vận mệnh”. Trong các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sự khác biệt giữa chính sách thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông và sáng kiến “Vành đai và con đường” cũng trở nên nổi bật. Trung Quốc muốn nêu rõ trong bộ quy tắc ứng xử rằng, sự hợp tác khai thác dầu mỏ ở Biển Đông sẽ diễn ra giữa Trung Quốc với các quốc gia duyên hải chứ không phải giữa các công ty từ các quốc gia ngoài khu vực.

Từ những nhìn nhận và đánh giá như trên, các chuyên gia Đức cho rằng, Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Nói trắng ra, Biển Đông không có hòa bình, ổn định và phát triển thì “con đường tơ lụa” mà Trung Quốc kỳ vọng sẽ khó mà thành hiện thực. Thế nhưng, chính sách thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông dường như lại có điều gì đó không tương thích và phù hợp với sáng kiến này. Bằng các biện pháp gây sức ép về kinh tế, cũng như đe dọa về quân sự với các nước có tranh chấp chủ quyền với mình ở Biển Đông, Bắc Kinh có thể đạt được các mục tiêu ngắn hạn, nhưng lại gây tổn hại đến các mục tiêu dài hạn mà nước này tuyên bố là muốn đóng vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, xây dựng một mô hình quan hệ quốc tế mới, trong đó đề cao nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi, cùng thắng. Rõ ràng những gì mà Trung Quốc đã và đang thực hiện ở Biển Đông lại đang đi ngược lại mục tiêu đó.

Do đó, theo các chuyên gia an ninh Đức, để có được thành công lâu dài và uy tín bền vững trên trường quốc tế, mọi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông phải tuân thủ theo đúng luật pháp quốc tế, phải thể hiện rõ trách nhiệm của một nước lớn; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực. Chỉ có như vậy thì “giấc mơ” mà Trung Quốc mong mỏi mới sớm đến với họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới