Friday, September 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiữa lúc đại dịch, Bắc Kinh liên tiếp gây hấn ở Biển...

Giữa lúc đại dịch, Bắc Kinh liên tiếp gây hấn ở Biển Đông

Ngay từ khi dịch viêm đường hô hấp do virus corona (Covid-19) bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019, đầu năm 2020, nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo việc nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ gia tăng các hoạt động hiếu chiến ở Biển Đông thời kỳ hậu Covid-19. Điều đó đã thành sự thật, khi trong vòng một tháng quaThế mà Bắc Kinh đã liên tiếp có các hành động hung hăng ở Biển Đông khi đại dịch Covid đang hoành hành ở khắp nơi trên thế giới.

Mở đầu cho một chuỗi các hoạt động liên tiếp gần đây là việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, kiến dư luận hết sức phẫn nộ. Mặc dù đang phải tập trung mọi nỗ lực chống dịch covid-19, nhưng cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các Nghị sĩ Mỹ đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động gây hấn của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam. Philippines đang cần tranh thủ Trung Quốc nhưng cũng lên án mạnh mẽ hành động vô nhân đạo của tàu hải cảnh Trung Quốc.

Ngay sau vụ việc đâm chìm tàu cá Việt Nam, Trung Quốc đưa nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông diễn tập quân sự để hù dọa các nước láng giềng để rồi lại đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển (nhóm tàu đã xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong năm 2019) vào hoạt động trong vùng biển các nước ven Biển Đông.

Hiện nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 đang tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia. Ngày 18/4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ lên án hành vi bắt nạt của Trung Quốc; bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc lặp lại hành động khiêu khích nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước khác trên Biển Đông; yêu cầu Trung Quốc ngừng hành vi bắt nạt và tránh thực hiện hoạt động khiêu khích và gây bất ổn.

Bên cạnh các hoạt động gây hấn nói trên, Trung Quốc còn núp dưới các hoạt động “khoa học” để tăng cường sự hiện ở Biển Đông. Ngày 15/4/2020, Tàu nghiên cứu Tan Kah Kee thuộc Đại học Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã rời Hạ Môn tiến vào Biển Đông tiến hành các cuộc khảo sát, lấy mẫu, triển khai và trục vớt các thiết bị quan sát lâu dài ở Biển Đông. Tàu có chiều dài 77,7 m và chiều rộng 16,2 m, với vận tốc tối đa gần 26 km/giờ, chở 23 nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Tháng 3/2020, tàu Thám tác số 1 của Trung Quốc chở theo 60 nhà khoa học nước này cùng tàu lặn có người lái mang tên Dũng sĩ biển sâu, có khả năng lặn ở độ sâu 4.500 m, đã tiến hành chuyến thám hiểm 20 ngày ở Biển Đông. Cũng trong tháng 3, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều labo về sinh thái học, địa chất học và môi trường.

Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, tố cáo Bắc Kinh đang dùng nghiên cứu khoa học biển (MSR) để củng cố “các quyền quá đáng” của Trung Quốc ở Biển Đông và “cố đẩy mạnh quyền lực biển”. Ông Batongbacal cảnh báo Bắc Kinh có thể tiến hành hoạt động nghiên cứu nước sâu trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của các nước khác ở Biển Đông. “Tình trạng Trung Quốc đơn phương tiến hành MSR trong vùng biển thuộc quyền tài phán của những nước ven Biển Đông sẽ là một mối đe dọa mới đối với các nước ven Biển Đông.

Cùng với các hoạt động kể trên, hôm 18/4/2020 truyền thông Trung Quốc còn ngang nhiên đưa tin Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” có trụ sở đặt ở đảo Phú Lâm, quản lý quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa) cùng các vùng biển xung quanh; “huyện Nam Sa” có trụ sở đặt ở đá Chữ Thập, quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh.“Huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa” trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đây là “đơn vị hành chính” mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”.

Ngày 19/4/2020, Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông (25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý). Cùng với việc đặt tên cho các thực thể này, Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này nằm ở phần phía tây Biển Đông, dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra và đã bị Tòa Trọng tài La Haye bác bỏ.

Sự ngang ngược của Bắc kinh thể hiện ở chỗ, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Từ trước đến nay Trung Quốc không hề có bằng chứng về hệ thống quản lý hành chính đối với các vùng biển mà nước này đặt ra yêu sách. Việc thành lập 2 huyện trên cũng như việc công bố tên các thực thể ở Biển Đông là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tự tạo ra “bằng chứng” về quyền kiểm soát hành chính đối với Biển Đông. Trước đó, hôm 17/4/2020, Trung Quốc gửi đến Liên hợp quốc một công hàm phản đối việc “sự xâm lược và chiếm đóng” của Việt Nam đối với các đảo và bãi thuộc Trường Sa. Đây là bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm củng cố cho cái gọi là “hồ sơ pháp lý” cho các yêu sách bất hợp pháp của họ ở Biển Đông.

Giới quan sát đang hết sức chú ý đến những động thái liên tiếp ở Biển Đông kể trên của Bắc Kinh và đưa ra những phân tích về mục tiêu và những tính toán của Bắc Kinh khi họ liên tiếp có những hành động hung hăng mới này, thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, Bắc Kinh đang tận dụng thời điểm toàn thế giới lo ứng phó với đại dịch toàn cầu, gia tăng các hoạt động để củng cố sự hiện diện ở Biển Đông, thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Đây là cách làm theo kiểu “đục nước béo cò” lâu nay của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Khi đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 hay đánh chiếm một số đá ở Trường Sa năm 1988 đều là khi mà Việt Nam đang gặp khó khăn.

Hai là, Bắc Kinh tính toán rằng giữa lúc đại dịch, truyền thông thế giới chủ yếu đưa tin về dịch bệnh, dư luận, dành ít sự quan tâm tới tình hình Biển Đông nên các hành vi của Trung Quốc sẽ ít bị chỉ trích hơn. Trung Quốc cho rằng do tình hình dịch bệnh, các hội nghị ASEAN và hội nghị khu vực, quốc tế khác phải tạm hoãn nên không có diễn đàn nào để lên án những hành vi gây hấn của họ.

Ba là, Bắc Kinh đang cùng các nước ASEAN đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Bắc Kinhmuốn tạo lợi thế trên thực địa để tiếp tục gây sức ép với ASEAN trong đàm phán.

Bốn là,những người cầm quyền ở Bắc Kinh đang bị cả thế giới và người dân trong nước lên án vì việc che dấu, không công khai các thông tin về dịch bệnh, thậm chí có ý kiến còn hoài nghi về động cơ không minh bạch về dịch bệnh. Nhà đương cục Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động hung hăng ở Biển Đông để hướng dư luận chú ý ra bên ngoài nhằm giảm áp lực đối với họ.

Năm là, Bắc Kinh cho rằng trong 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo anLiên hợp quốc thì 4 nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga đang bận đối phó với dịch Covid-19 là cơ hội để họ có thể áp đặt luật lệ của họ ở Biển Đông.Với tính toán đó, Trung Quốc – nước còn lại duy nhất trong Thường trực Hội đồng Bảo an đã tranh thủ lúc 4 thành viên kia và các cơ quan của Liên hợp quốc phân tâm, tăng cường hoạt động gây hấn để thúc đẩy yêu sách phi lí của họ ở Biển Đông.

Những hoạt động hung hăng liên tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông trong hơn một tháng qua thể hiện sự ngang ngược của giới cầm quyền Bắc Kinh,càng khiến dư luận thấy rõ dã tâm và bản chất bành trướng của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Chính Trung Quốc là nơi bắt nguồn của đại dịch Covid-19 làm hàng vạn người chết, đáng lẽ họ phải tập trung phối hợp cùng các nước khắc phục tai họa do chính họ gây ra, nhưng giới cầm quyền Bắc kinh lại lợi dụng đó để tiếp tục gây hấn với các nước láng giềng.

Thật là đáng hổ thẹn cho hình ảnh của một nước lớn, ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Lẽ ra Bắc Kinh phải có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định, nhưng chính họ lại là kẻ gây rối, gây nguy hại đến hòa bình ổn định khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.

Các động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây nhắc nhở các nước ven Biển Đông phải không ngừng cảnh giác để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các lợi ích quốc gia trước tham vọng độc chiếm Biển Đông ngay cả khi đang đối mặt với mối đe dọa khủng khiếp từ đại dịch Covid-19.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới