Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (06/5) cho biết, Chính phủ Indonesia bày tỏ lo ngại về tình hình hiện tại ở Biển Biển Đông, nơi có khả năng gia tăng căng thẳng trong khi những nỗ lực tập thể toàn cầu đang tập trung chống dịch COVIDd-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bao gồm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bà Retno Marsudi cho biết, Indonesia kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và không thực hiện các hành động có thể gây tổn hại cho lòng tin lẫn nhau và ghi nhớ tại các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang bị hoãn do đại dịch COVID-19; nhấn mạnh Indonesia tin rằng, tình hình có lợi ở Biển Đông có thể hỗ trợ quá trình đàm phán COC. Do đó, Indonesia vẫn cam kết đảm bảo một giải pháp COC hiệu quả, thực chất và có thể thực hiện ngay cả khi xảy ra đại dịch COVID -19 hiện nay.
Trước Indonesia, Bộ Ngoại giao Philippines (30/4) tuyên bố, Chính phủ Philippines kịch liệt phản đối việc thành lập quận “Nam Sa” và “Tây Sa” dưới quyền hạn của “thành phố Tam Sa” tự xưng vào ngày 18/4 của Trung Quốc. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh Chính phủ Philippines kịch liệt phản đối việc thành lập quận “Nam Sa” và “Tây Sa” dưới quyền hạn của “thành phố Tam Sa” tự xưng vào ngày 18/4 của Trung Quốc; khẳng định Philippines “không thừa nhận Tam Sa và các đơn vị trực thuộc, cũng như mọi động thái phát sinh từ đó”; cho biết Chính phủ Manila khẳng định phán quyết đã “giải quyết một cách toàn diện những tuyên bố chủ quyền quá quắt và hành động phi pháp của Trung Quốc” trên vùng biển. Philippines kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, cũng như Tuyên bố chung về Hành xử giữa Các bên trên Biển Đông (DOC). Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Philippines nhắc lại cam kết giữa các bên không tiến hành những động thái gây leo thang hoặc phức tạp hóa tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực. Trước đó, Chính phủ Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối động thái lập quận, đặt tên thực thể trên Biển Đông, cùng với vụ việc tàu Trung Quốc chĩa radar ngắm bắn vào một tàu hải quân Philippines trên vùng biển nước này. Danh sách 80 thực thể bao gồm 25 đảo, đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, đi kèm tọa độ cụ thể. Hầu hết thực thể này tập trung ở phần phía Tây Biển Đông. Một số nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố và rất gần đất liền của Việt Nam. Cùng quan điểm trên, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario ủng hộ việc Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng phản đối Trung Quốc. Ông Rosario cũng cáo buộc phía Trung Quốc đang “lợi dụng” tình hình dịch bệnh để theo đuổi các tuyên bố chủng quyền “phi pháp và bành trướng” trên Biển Đông.
Chính quyền Malaysia (23/4) mới đưa ra phản ứng chính thức. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã viết thư cho Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin kêu gọi đáp trả hành vi của tàu Hải Dương địa chất 08. Ông Datuk Seri Anifah Aman khẳng định đây không phải lần đầu tàu Trung Quốc “xâm nhập” EEZ của Malaysia và nhấn mạnh việc bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược quốc gia phải là nguyên tắc chủ đạo và Malaysia phải quyết đoán trong việc bảo vệ lợi ích, quyền lợi quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Malaysia cần có một lập trường kiên định dựa trên các quy tắc là giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Yassin cân nhắc thành lập một tổ chức đặc biệt để giải quyết các vấn đề hàng hải Malaysia, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Các nước ngoài khu vực cũng đưa ra nhiều tuyên bố lên án, chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Australia Marise Payne (22/3) đã bày tỏ quan ngại về “một số những vụ việc và hành động gần đây” trên Biển Đông, chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc bao gồm “những nỗ lực nhằm gây rối hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác, tuyên bố thành lập “quận hành chính” mới trên các cấu trúc tranh chấp, đánh chìm một tàu cá Việt Nam”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne tái khẳng định Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp, song nước này “có lợi ích mạnh mẽ trong sự ổn định của tuyến hàng hải quan trọng này cũng như những quy tắc và pháp luật liên quan”. Vì vậy, Australia thúc giục tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, bảo đảm tự hàng hải và hàng không. Bà Marise Payne cũng nhận định: “Điều quan trọng là tại thời điểm này, tất cả các bên cần kiềm chế các hoạt động gây mất ổn định và giảm bớt căng thẳng để cộng đồng quốc tế tập trung mọi nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (23/4) bày tỏ quan ngại trước “cách hành xử khiêu khích” và “đơn phương” của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Mike Pompeo cho biết, “ngay trong lúc chúng ta đang đối phó dịch bùng phát, chúng ta phải nhớ rằng những mối đe dọa dài hạn đối với an ninh chung vẫn chưa biến mất. Trên thực tế, những điều đó hiển hiện ngày một rõ rệt”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Pompeo lần lượt nhắc lại những động thái của Trung Quốc “lợi dụng sự mất tập trung” từ cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông: “từ đơn phương tuyên bố lập các quận hành chính quản lý các đảo và khu vực hàng hải tranh chấp trên Biển Đông, hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam đầu tháng này, và ‘các trạm nghiên cứu’ trên Đá Chữ Thập và Đá Subi”. Ông Pompeo đề cập thêm tình trạng Trung Quốc tiếp tục triển khai dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa và điều động đội tàu có sự tham gia của tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 đến khu vực ngoài khơi Malaysia; nhận định những hành động này “nhằm một mục đích duy nhất là đe dọa các bên ngăn xúc tiến khai thác hydrocarbon xa bờ”; đồng thời lên án Trung Quốc “gia tăng áp lực quân sự và cưỡng ép những láng giềng trong khu vực Biển Đông, thậm chí táo bạo đến mức đâm chìm cả tàu cá Việt Nam”; nhấn mạnh Mỹ kịch liệt phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các nước khác cũng yêu cầu họ thừa nhận trách nhiệm. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ (18/4) ra tuyên bố bày tỏ lo ngại trước các thông tin về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của các bên tuyên bố chủ quyền; nhấn mạnh “Trung Quốc nên chấm dứt thói bắt nạt của mình và kiềm chế các hành động khiêu khích, gây bất ổn như vậy”. Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) cũng lên án việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, đồng thời cho rằng Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh nhằm đòi hỏi các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông; miêu tả việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là “hành động mới nhất trong một chuỗi dài các hành động Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
Cùng quan điểm trên, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/4) cũng ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc trong vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam; đồng thời khẳng định hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế; cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; kêu gọi tất cả các bên kiềm chế những hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực toàn cầu tập trung đối phó với đại dịch, hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản.