Monday, November 4, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới học giả: TQ suy diễn và xuyên tạc nội dung Công...

Giới học giả: TQ suy diễn và xuyên tạc nội dung Công hàm Phạm Văn Đồng không theo tinh thần luật pháp quốc tế

Để đánh lừa cộng đồng quốc tế và cố ngụy tạo chứng cử khẳng định yêu sách “chủ quyền” phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc đã cố suy diễn và xuyên tạc nội dung Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958.

Đại tá Raul Pedrozo, cựu Cố vấn pháp lý thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, cũng nhận định Trung Quốc không đủ cơ sở để nói Việt Nam thừa nhận “chủ quyền” của Bắc Kinh đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đại tá Raul Pedrozo cũng cho rằng Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ đơn giản là bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam với chủ trương mở rộng vùng lãnh hải (từ ba hải lý) ra 12 hải lý trong tuyên bố của Trung Quốc năm 1958. Công hàm Phạm Văn Đồng không hề công nhận chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Theo Đại tá Raul Pedrozo, Việt Nam Cộng hòa mới chính là quốc gia kiểm soát hợp pháp hai quần đảo nói trên giai đoạn 1958. Hiệp định Genève năm 1954 đã chia lãnh thổ Việt Nam thành hai phần với ranh giới là vĩ tuyến số 17 và dự kiến thống nhất thông qua bầu cử vào 20/7/1956. Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì thế đều chịu quyền quản lý của chính quyền miền Nam, chính là Việt Nam Cộng hòa. Dựa trên các bằng chứng lịch sử và pháp lý, Đại tá Raul Pedrozo kết luận, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực tế không có chủ quyền và cũng không thể thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên. Thế nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể có tư cách pháp lý để tuyên bố từ bỏ chủ quyền lãnh thổ hay công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo vào thời điểm Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm năm 1958. Nói cách khác, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có quyền gì để từ bỏ hay chuyển nhượng sang cho Trung Quốc cả.

Giáo Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Maine (Mỹ), nhận định bằng việc viện dẫn Công hàm Phạm Văn Đồng, Trung Quốc có ý đồ bào chữa cho việc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực, cũng như việc đã và đang tiếp tục đe dọa và bành trướng trong Biển Đông. Thêm vào đó, có thể Trung Quốc muốn dùng thuyết “estoppel by acquiescence,” tức là nếu Việt Nam im lặng hay không phản đối thì có nghĩa Việt Nam đồng ý với những đòi hỏi của Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đã liên tục phản đối những đòi hỏi của Trung Quốc và phản kháng các hành động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Một trong những văn bản bác bỏ một cách chi tiết những luận điệu của Trung Quốc là Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30-3-2020 được Việt Nam gửi đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Lý giải về nội dung Công hàm Phạm Văn Đồng, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng công hàm này không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa, cũng không nói gì đến việc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này. Cụ thể, Công hàm Phạm Văn Đồng viết rất rõ Việt Nam “ghi nhận và tán thành” quyết định về hải phận 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố trước đó (tháng 9/1958). Từ “hải phận” trong bối cảnh này phải được hiểu là “lãnh hải”, chứ không phải các vùng biển bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa như một số người nghĩ. Bên cạnh đó, Công hàm Phạm Văn Đồng cũng không phải là một hiệp ước quốc tế mà đơn thuần chỉ là tuyên bố đơn phương. Tuyên bố này không có giá trị pháp lý khi xét trên phương diện quốc tế. Dựa vào các án lệ quốc tế và theo Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam (vẫn còn hiệu lực vào năm 1958) thì một hiệp ước phải được sự chấp thuận của nhiều lãnh đạo gồm chủ tịch nước, phó chủ tịch và nội các (Điều 44). Ngoài ra, những hiệp ước liên quan đến các vấn đề quan trọng chủ quyền lãnh thổ thì phải được Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, phê chuẩn thì mới có hiệu lực (Điều 22 và 23). Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không cho phép thủ tướng đơn phương tuyên bố việc quyết định chủ quyền. Xét bối cảnh lịch sử cùng với quy định pháp luật Việt Nam giai đoạn 1958, chúng ta có thể thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có ý định và cũng không thể phát ngôn thừa nhận Trường Sa, Hoàng sa là của Trung Quốc như luận điệu mà phía Bắc Kinh nói lâu nay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca cho biết Việt Nam không chỉ thực hiện chủ quyền liên tục ở Trường Sa và Hoàng Sa giai đoạn chiến tranh với Pháp (1946-1954), mà còn từ sau đó cho đến hiện nay. Theo Hiệp định Geneva, lãnh thổ Việt Nam tạm chia thành hai vùng: Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát, miền Nam do Liên hiệp Pháp và các lực lượng thân Pháp, trong đó có Quốc gia Việt Nam kiểm soát. Ranh giới tạm thời là vĩ tuyến 17. Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam. Sau đó, Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Năm 1956, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã trú đóng ở phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Như vậy, vào năm 1958, chính Việt Nam Cộng hòa là thực thể chính trị duy nhất thực sự thực thi chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vậy nên, dù công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể hiện sự phản đối trực tiếp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo, vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là thực thể chính trị thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng sự không phản đối đó không tạo ra bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng Việt Nam đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, theo Công ước Montevideo 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, “một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về: có dân cư ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế” và “sự tồn tại về chính trị của các quốc gia độc lập với sự công nhận của các quốc gia khác”. Giai đoạn 1954-1975, chiếu theo Công ước Montevideo 1933, trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại hai thực thể chính trị với tư cách quốc gia: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ: Dù các nước có tuyên bố công nhận hay không công nhận tư cách quốc gia của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Việt Nam Cộng hòa thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng tư cách quốc gia của họ. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn có tư cách quốc gia để thực thi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì trong thời gian đó không có thẩm quyền với hai quần đảo này. Như vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nhất thiết phải tuyên bố phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc năm 1958 và sự im lặng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian này không làm yếu đi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.

Ngoài ra, cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam từ sau khi ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960 và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30/4-1975 và thành lập Cộng hòa miền Nam Việt Nam thực chất là việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam trong việc lựa chọn chế độ chính trị theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Sau 30/4/1975, Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thay thế Việt Nam Cộng hòa và trở thành thể chế chính trị duy nhất đại diện cho nhân dân miền Nam. Vì vậy, Cộng hòa miền Nam Việt Nam có quyền và trong thực tế đã kế thừa một cách hợp pháp chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Chính Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Cộng hòa miền Nam Việt Nam là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Do vậy, Trung Quốc cũng đã gián tiếp công nhận rằng theo luật pháp quốc tế, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của Việt Nam Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chính thức kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên. Năm 1976 đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước Việt Nam. Toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một quốc gia với chính quyền duy nhất là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó cũng là dấu mốc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (chứ không phải từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì thực thể chính trị này không có thẩm quyền và không được giao quản lý hai quần đảo). Như vậy, việc kế thừa chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng Công hàm Phạm Văn Đông 1958 không có giá trị pháp lý và không ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, hiện là Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật & Phát triển, từ Hà Nội nhận định, trước hết, đây là một bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ đã thể hiện rất rõ. Ngay tuyên bố của Trung Quốc cho rằng Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là thuộc về của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam rút khỏi và họ tuyên bố rằng Việt Nam đã chiếm những đảo và thực thể mà Việt Nam hiện nay Việt Nam đang chấn giữ một cách hợp pháp, thì họ bảo rằng đó là những vị trí mà Việt Nam đã xâm lược, cũng như đã chiếm giữ bất hợp pháp. Thì đây theo tôi gần như một tuyên bố có thể nói là tuyên chiến rồi, đồng thời họ nói là họ sẽ bảo vệ lợi ích ở những vùng biển này, cũng như ở các đảo này, bằng mọi phương tiện và một cách kiên quyết, thì giới chuyên gia đã bình luận đây là một lời đe dọa về dùng vũ lực rồi, không phải là bình thường nữa. Liên quan đến việc Trung Quốc công bố, viện dẫn công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, Công hàm này không có giá trị pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa và có thể được vô hiệu hóa.

RELATED ARTICLES

Tin mới