Tuesday, November 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTiến sỹ C.J.Jenner: Biển Đông trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy...

Tiến sỹ C.J.Jenner: Biển Đông trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột trực tiếp hoặc chiến tranh ủy nhiệm.

Thời gian gần đây, Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên thực địa, đã đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong khi đó, sức mạnh hàng hải của Mỹ có phần suy yếu trong tương quan với Trung Quốc, và cuộc chạy đua mới trong việc lập lại trật tự địa chính trị toàn cầu. Trong sự thay đổi này, Biển Đông trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột trực tiếp hoặc chiến tranh ủy nhiệm.

Theo Tiến sĩ C.J.Jenner, chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị – đặc biệt về quan hệ quyền lực biển Mỹ – Trung tại Đại học Oxford (Anh), sau Chiến tranh Lạnh, sức mạnh hàng hải của Mỹ có phần suy yếu trong tương quan với Trung Quốc, và cuộc chạy đua mới trong việc lập lại trật tự địa chính trị toàn cầu. Trong sự thay đổi này, Biển Đông trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột trực tiếp hoặc chiến tranh ủy nhiệm. Theo đó, năm 1975, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia khi đó là ông Adam Malik đã dự báo về tình hình địa chính trị ở Biển Đông thông qua tình hình chung cho khu vực Đông Nam Á. Đó là Đông Nam Á trở thành khu vực mà trong đó hội tụ sự hiện diện và lợi ích của hầu hết các cường quốc cả về chính trị lẫn vật chất. Tần suất, cường độ tương tác chính sách giữa các cường quốc cũng như ảnh hưởng chi phối đối với các quốc gia trong khu vực đều tạo ra ảnh hưởng trực tiếp. Đối mặt với thực tế trên, các nước nhỏ hơn khó có thể tự tạo ra bất kỳ tác động nào đến chính sách, chiến lược thống trị của các cường quốc. Ảnh hưởng chỉ có thể tạo ra khi các quốc gia trong khu vực ASEAN cùng hành động tập thể, các thành viên cùng nhau tạo nên sự gắn kết nội bộ, ổn định vì mục đích chung.

Bên cạnh đó, các nước gần Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đang phải báo động mạnh mẽ vì những hành động thúc ép hàng hải được đẩy mạnh. Một khảo sát vào năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) chỉ ra rằng 79% người được hỏi đều trả lời rằng sự trỗi dậy của sức mạnh hải quân Trung Quốc gây ảnh hưởng không tốt cho các quốc gia khác. Tiến sĩ C.J.Jenner cho rằng, dù bỏ ra 1.300 tỉ USD cho các nước để thực hiện Sáng kiến Vành đai – Con đường, nhưng khảo sát ở chính các quốc gia tham gia sáng kiến này của Bắc Kinh cũng cho kết quả trung bình về sự tín nhiệm quan hệ kinh tế với Mỹ vẫn cao hơn khi đạt 64%, còn Trung Quốc chỉ 24%. Bắc Kinh đang tạo ra cơ hội chín muồi để ASEAN củng cố sự gắn kết trong khu vực, phối hợp an ninh vì mục đích chiến lược chung

Về giải pháp ứng phó, đến giờ có một quá trình được nhận thấy rõ trên Biển Đông cũng như nhiều khu vực tranh chấp trên toàn cầu. Chính trị không ảnh hưởng lớn đến chiến thuật xung đột, nhưng là yếu tố chi phối ảnh hưởng ở cấp chiến lược cho việc hoạch định và định vị chiến tranh. Cụ thể, trong thời bình thì các quốc gia có xu hướng cho rằng thực hiện răn đe hiệu quả là bằng cách lập kế hoạch cho những hoạt động quân sự và định vị trước địa chiến lược nhằm đảm bảo tối đa hóa cơ hội chiến thắng nếu xảy ra xung đột. Từ thực tế trên, răn đe hiệu quả sẽ khiến một quốc gia có ý định xâm lược phải đánh giá lại liệu rằng cái giá phải trả lớn hơn rất nhiều so với lợi ích đạt được nếu dùng quân sự để xâm lược. Hiệu quả răn đe như thế đòi hỏi phải duy trì khả năng và chiến lược quân sự phù hợp, kết hợp cùng ý chí chính trị rõ ràng để hành động. Cho dù kẻ thù là đại dịch COVID-19 hay một lực lượng hải quân hiếu chiến thì để giữ gìn hòa bình và đảm bảo an ninh đều đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thích hợp cho chiến tranh. 

Được biết, Trung Quốc lập luận rằng yêu sách của nước này ở Biển Đông là hợp pháp dựa trên việc thực thi chủ quyền đầy đủ và liên tục đối với các quần đảo sau khi phát hiện từ thời nhà Hán. Việc Trung Quốc khám phá ra các quần đảo đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa “chủ quyền ban đầu”. Danh nghĩa “chủ quyền” này về sau được Trung Quốc hoàn thiện thông qua việc thể hiện chủ quyền liên tục trên các quần đảo trong suốt tiến trình lịch sử. Những hành động củng cố “chủ quyền” của Trung Quốc, bao gồm việc khai thác các đảo với sự tài trợ từ phía chính phủ, tuần tra liên tục trên biển cũng như hàng loạt khảo sát khoa học, đã chứng tỏ “chủ quyền và sự quản lý hữu hiệu” của Trung Quốc trên các quần đảo này. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh luật quốc tế và dẫn chứng lịch sử cho thấy những gì Trung Quốc công bố và quảng bá chỉ là hình thức ngụy tạo và viện dẫn sai các quy định luật quốc tế.

Nếu quy chiếu theo luật quốc tế, các bằng chứng lịch sử cũng như các tiếp xúc (với đảo) mang tính rời rạc và nhỏ lẻ của ngư dân Trung Quốc là không đủ để thiết lập chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo tại Biển Đông. Vì vậy, tính hợp lý của yêu sách từ phía Trung Quốc vẫn “nằm trong diện nghi vấn”. Liệu các nhà hàng hải Trung Quốc có thực sự xây dựng hải đồ Biển Đông như mình khẳng định hay không vẫn chưa được xác định bởi các thủy thủ Trung Quốc thời xưa thường đi lại trong các tuyến đường biển phía trong, dọc theo bờ biển của đảo Hải Nam và vùng đất liền Việt Nam. Mặc dù vậy, kể cả khi Trung Quốc có thực sự vẽ hải đồ Biển Đông, điều này cũng không chứng tỏ được quyền quản lý hữu hiệu các quần đảo của Bắc Kinh. Về mặt pháp lý, nếu chỉ dựa vào việc các thủy thủ Trung Quốc nhận thức được sự tồn tại và vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa thì không đủ để  minh chứng rằng Trung Quốc thực sự đã “khám phá” ra các quần đảo. Luật quốc tế đã chỉ ra rõ điểm khác nhau giữa “ý niệm nhận thức và phát hiện về địa lý” khi phân định chủ quyền đối với lãnh thổ bởi hiệu lực pháp lý của hai hành động này về bản chất là khác nhau. Theo đó, phần lớn các bằng chứng Trung Quốc đưa ra để giải thích cho lập luận của mình đều nằm trong nhóm tài liệu “chỉ đơn thuần cung cấp thông tin cơ bản về khu vực này chứ không có hữu hiệu để lập luận pháp lý”

Hơn nữa, bằng chứng lịch sử do Trung Quốc đưa ra để lý giải yêu sách của mình không chỉ không có sức thuyết phục mà còn hàm chứa nhiều mâu thuẫn và sơ hở. Các triều đại phong kiến châu Á cổ không thực hiện chủ quyền trên lãnh thổ mà chỉ đơn thuần được mô tả bởi các đường lãnh thổ không xác định và không cố định. Do vậy, ý niệm về “chiếm hữu hữu hiệu” không tồn tại trong hệ thống pháp lý của Nho giáo được Trung Quốc áp dụng cho tới tận những năm 1990. Giáo sư Mohan Malik, Trung tập Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương nhận xưa đã nhận định: “Yêu sách của Trung Quốc tại Trường Sa dựa trên lịch sử đã bị thiếu cơ sở bởi thực tế là các vị hoàng đế trong quá khứ không tiến hành thực thi chủ quyền tại quần đảo này. Trong thời kì châu Á tiền hiện đại, các vương quốc được xác định bằng các đường biên vô định, không được bảo vệ và thường xuyên thay đổi. Ý niệm về quyền bá chủ mới là ý niệm nổi trội”. Theo giáo sư Malik, không như các quốc gia nhà nước, “biên giới của các triều đại Trung Quốc không được vạch ra cũng như kiểm soát cẩn thận mà giống như vòng tròn các khu vực, đi từ vùng trung tâm văn minh đến các vùng ngoại biên không xác định”. Hơn nữa, trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng như Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam, Bắc Kinh luôn luôn giữ quan điểm rằng biên giới đất liền của mình chưa bao giờ được xác định hay phân định, phân chia rõ ràng.

Ngoài ra, hầu hết các học giả châu Á đều đồng ý rằng các thủy thủ Trung Quốc “đều là những người đến sau tại Biển Đông”. Tổ tiên của người Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam ngày nay ít nhất đã thống trị “việc đi biển” (seafaring) của khu vực này trong vòng thiên niên kỉ đầu tiên sau Công Nguyên”. Các thủy thủ  Malaysia  đã vượt Ấn Độ Dương 1.000 năm trước khi Tướng quân Trịnh Hòa thực hiện 7 chuyến hải trình vào thế kỷ 15. Vương quốc Chăm (mà ngày nay là vùng miền Trung Việt Nam) mới là vương uốc thống trị buôn bán qua Biển Đông cho tới khi bị Việt Nam sáp nhập vào thế kỷ 15. Nếu so sánh, ta có thể thấy tuyến đường truyền thống mà các nhà hàng hải Trung Quốc ban đầu sử dụng chính là tuyến đường phía trong, dọc theo bờ biển của đảo Hải Nam và An Nam (Việt Nam lục địa), chứ không phải các tuyến đường thông qua Bãi Macclesfield và Hoàng Sa. Vì vậy, lập luận Trung Quốc khám phá ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xét về mặt pháp lý, là không hề chắc chắn.

Thời gian gần đây, để củng cố yêu sách “chủ quyền” trên Biển Đông và định hướng dư luận trong nước, Trung Quốc đã gia tăng một loạt các hoạt động phi pháp trên thực địa. Theo đó, Hải quân Trung Quốc đã điều đội tàu gồm tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou thực hiện bài tập cứu tàu bị hải tặc tấn công và phối hợp hoạt động chống hải tặc ở khu vực quần đảo Trường Sa, đi qua eo biển Miyako và kênh Bashi. Không chỉ diễn tập chống cướp biển, các máy bay chống ngầm thuộc Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành sứ mệnh tuần tra và chống ngầm trên khu vực Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã có nhiều hoạt động phi pháp, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Ngày 2/4, Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Trong khi vấp phải sự chỉ trích của Việt Nam và thế giới, Trung Quốc đưa ra một lời giải thích vô lý rằng chính tàu cá của Việt Nam đã húc vào tàu hải cảnh của Trung Quốc rồi chìm. Ngày 14/4, Trung Quốc xua tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra biển Đông, con tàu “tai tiếng” đã cắm cọc ở vùng biển Việt Nam suốt nhiều tháng với mục tiêu được cho là quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam. Ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”, hai quận hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, Trung Quốc còn gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo “Việt Nam chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân lực khỏi các đảo này”. Ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việt Nam nói trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Trước những hành động này của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (5/2019) khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan. Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới