Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đứng thứ hai thế giới về chi tiêu quốc phòng trong...

TQ đứng thứ hai thế giới về chi tiêu quốc phòng trong năm 2019

Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc cho biết chi phí quốc phòng năm 2019 của Bắc Kinh là 1,18 nghìn tỷ NDT (176 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã ước tính rằng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc năm 2019 là 261 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới.

Viện nghiên cứu quốc tế Hòa bình Stockholm (SIPRI, 26/4) công bố báo cáo về chi tiêu quân sự trên thế giới cho quân sự đạt 1,9 ngàn tỉ USD trong năm 2019.Năm nước chi tiêu quân sự hàng đầu chiếm hơn 60% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. SIPRI nhận định, ngân sách dành cho quân sự của Bắc Kinh chiếm 14% chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019 và tăng hơn 5% so với năm 2018, lên đến 261 tỷ USD. Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự đều đặn kể từ năm 1994 và ngân sách của nước này dành cho quân sự đã tăng 85% kể từ năm 2010. Song xét về tỷ lệ phần trăm theo GDP, khoản chi này vẫn không có sự thay đổi đáng kể và hầu như luôn ở mức 1,9%.

Ngân sách quân sự của chính phủ Trung Quốc năm 2020 dự kiến sẽ được tiết lộ tại phiên họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào ngày 22/5 tới. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng mới đây dẫn bình luận của nhiều nhà phân tích cho biết, ngân sách quốc phòng sắp tới của Trung Quốc sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi suy thoái kinh tế sau khi dịch virus corona bùng phát và dự kiến sẽ vẫn gia tăng, dù ở mức khiêm tốn, khi nước này tiếp tục phát triển năng lực quân sự.

Giáo sư John Lee, Đại học Sydney và là thành viên cao cấp tại Học viện Hudson ở Washington nhận định, ước tính rằng năm nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ vẫn giữ nguyên hoặc tăng ở mức khiêm tốn, phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của những năm gần đây. Trong môi trường hiện tại, Bắc Kinh rất muốn nhấn mạnh rằng họ đã phục hồi đáng kể sau dịch Covid-19 và quỹ đạo sức mạnh của họ không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện gần đây

Nhà nghiên cứu Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng việc giảm ngân sách này có thể gửi tín hiệu sai cho những đối thủ của họ, cả trong nước và bên ngoài rằng “Bắc Kinh đã mất đi ý chí trong việc tiếp tục hiện đại hóa quân sự nhằm khẳng định lợi ích quốc gia cốt lõi”. Trên thực tế, quân đội Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu một cuộc cải cách lớn và tốn kém từ năm 2015, với việc cải tổ nhân sự, thay đổi cấu trúc, nâng cấp thiết bị và tăng cường huấn luyện để bắt kịp với các kịch bản chiến đấu. Điều đó đã được hoàn thành trong năm nay.

Trong khi đó, chuyên gia Tống Trung Bình của Hồng Công cho rằng, trong bối cảnh mối quan hệ đang xấu đi với Hoa Kỳ và căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, PLA phải đối mặt với những thách thức đòi hỏi phải tăng cường đầu tư đều đặn. Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau thì dự đoán vẫn sẽ có khả năng tăng trưởng khoảng 6-7% trong ngân sách quốc phòng dù có chuyện gì đi nữa; nhận định PLA đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự lây lan virus corona, do đó, việc giảm chi tiêu sẽ không được chấp nhận. Ngoài ra, đây sẽ là một năm rất quan trọng đối với PLA trong việc hoàn tất sự chuẩn bị cho kịch bản quân sự tiềm tàng đối phó với Đài Loan, điều này sẽ rất quan trọng về mặt chiến lược mà chính Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không bao giờ cho phép nó bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt kinh phí. Cùng quan điểm trên, chuyên gia quân sự Lý Kiệt nhấn mạnh việc ngân sách tăng nhẹ sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng và duy trì sự răn đe trước các mối đe dọa tiềm tàng, bao gồm gửi tín hiệu cứng rắn tới Đài Loan. Tuy nhiên, nếu chính phủ Trung Quốc mở rộng chi tiêu quân sự quá nhiều thì sẽ kéo theo lối suy nghĩ về mối đe dọa Trung Quốc và những lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Được biết, từ khoảng năm 1997, gần như năm nào tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng ở mức hai con số (đó là có tính tới cả lạm phát). Thậm chí theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc (vốn bị nhiều chuyên gia cho rằng đã giảm đi rất nhiều so với mức chi tiêu thực tế), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc từ năm 1999 đến năm 2008 đã tăng trung bình 16,2%/năm. Xu hướng này về cơ bản vẫn không đổi trong suốt nửa đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Ví dụ, từ năm 2009 đến năm 2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng từ 481 tỷ nhân dân tệ (70,3 tỷ USD) lên khoảng 886,9 tỷ nhân dân tệ. Nhìn chung, giai đoạn 1997-2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng ít nhất 600%, sau lạm phát.

Năm 1997, chi tiêu quân sự của Trung Quốc chỉ chiếm 10 tỷ USD, ở mức tương đương với Đài Loan và thấp hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Ngày nay, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã vượt qua tất cả quân đội của các quốc gia châu Âu và châu Á khác, bao gồm cả Nga, hiện trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Tuy nhiên, sự hào phóng của Bắc Kinh đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là điều hoàn toàn dễ hiểu: mặc dù ngân sách này liên tục tăng trong suốt hơn 20 năm qua, song thực tế Trung Quốc vẫn chỉ tiêu khoảng 2% GDP vào quân sự.

Đánh giá một cách khách quan, kể từ năm 2016, tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Năm 2016, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ tăng 7,6% so với năm 2015, sau đó mức tăng này lần lượt là 7% năm 2017 và 8,1% năm 2018. Nói cách khác, tính tới nay, tỉ lệ tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ ở mức 1 con số trong suốt 4 năm liên tiếp. Điều này có vẻ báo hiệu xu thế mới là chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ còn khiêm tốn hơn nữa trong những năm tới. Trên thực tế, nếu tính bằng đồng đôla Mỹ với tỷ giá hiện nay thì mức tăng năm 2019 thực sự chỉ là 1,7% (177,6 tỷ USD năm 2019 so với 173 tỷ USD năm 2018). Cần lưu ý rằng đây chỉ là giảm mức tăng ngân sách chứ không phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc không còn khả năng để tăng chi tiêu quốc phòng với tỷ lệ 2 con số trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. Giai đoạn 1998-2007, GDP của Trung Quốc tăng trung bình 12,5%/năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức 7%.

Trong một khoảng thời gian dài, chi tiêu quân sự của Trung Quốc luôn cao hơn mức tăng trưởng GDP. Nền kinh tế Trung Quốc tăng 12,5%/năm trong giai đoạn 1998-2007, nhưng ngân sách cho quốc phòng tăng gần 16%/năm. Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như khoản chi tiêu khổng lồ cho quân sự đang dần trở thành gánh nặng quá mức đối với nền kinh tế Trung Quốc. Sự bất cân xứng giữa tăng trưởng kinh tế và chi tiêu quốc phòng ngày càng trở nên rõ rệt, và kết quả là Trung Quốc không thể tăng chi tiêu quốc phòng quá lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới