Tướng về hưu Kiều Lương, một nhân vật vốn được coi là diều hâu ở Trung Quốc, đã khiến dư luận bất ngờ khi thay đổi thái độ và được cho là “lý trí, tỉnh táo” vì phản đối chủ trương đánh Đài Loan lúc này.
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động ngoại giao, quân sự và kinh tế để gây sức ép, buộc Đài Loan chấp nhận thống nhất hòa bình với Bắc Kinh. Kiều Lương từng là một Thiếu tướng Không quân PLA và hiện là Giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc và Phó Tổng thư ký Ủy ban nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia đã cảnh báo giới chức Trung Quốc về hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan.
Theo ông Kiều Lương, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không phải là thống nhất Đài Loan, mà là đạt được “giấc mộng phục hưng dân tộc để 1,4 tỷ người có một cuộc sống tốt hơn”. Mặc dù Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, nhưng tài nguyên của chính họ không đủ để đáp ứng nhu cầu ngành sản xuất; thị trường của chính họ cũng không thể tiêu hóa hoàn toàn các sản phẩm sản xuất ra. Khi nền kinh tế toàn cầu vẫn nằm dưới hệ thống đồng đô la, bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc cũng phải xem xét đến ràng buộc bên ngoài chính này mới đảm bảo được lợi ích tối đa của bản thân. Kiều Lương cho rằng Mỹ rõ ràng muốn nhúng tay can thiệp vào các vấn đề hai bên bờ eo biển, và họ cũng có thế mạnh này. Một khi PLA sử dụng vũ lực với Đài Loan, tuy quân đội Mỹ sẽ không trực tiếp tuyên chiến với Trung Quốc, nhưng họ sẽ hợp tác với các nước phương Tây để phong tỏa, trừng phạt Trung Quốc, bao gồm ngăn chặn các nguồn vật tư thiết yếu cho ngành sản xuất và hàng hóa của Trung Quốc sản xuất được không thể nhập và xuất; đồng thời thông qua hai thị trường tài chính lớn New York và London bóp nghẹt dòng vốn của Trung Quốc. Do đó, ông Kiều Lương cho rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề Đài Loan không phải là giải quyết các thế lực chủ trương Đài Loan độc lập; mà trước hết phải giải quyết sự so sánh sức mạnh giữa hai bên Trung Quốc và Mỹ. Một khi giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn bất phân thắng phụ, vấn đề Đài Loan không thể giải quyết triệt để được. Vì vậy, ông Kiều Lương đề xuất, Trung Quốc không nên “nhảy theo nhịp điệu của Mỹ”, không thể để Mỹ gây rắc rối cho Trung Quốc hết lần này đến lần khác (Đạo luật Đài Bắc là một trong số đó) và nhảy xuống hố hết lần này đến lần khác. Một số điều Trung Quốc có thể không quan tâm và một số điều có thể bỏ qua theo những cách mà người Mỹ không thích.
Ông Kiều Lương chỉ ra rằng Trung Quốc quả thực đã chuẩn bị để sẵn sàng giải quyết vấn đề Đài Loan bằng vũ lực bất cứ lúc nào, nhưng Trung Quốc không nên coi là chuyện lớn ưu tiên hàng đầu. Nếu muốn thống nhất Đài Loan, phải huy động mọi tài nguyên và lực lượng, nhưng nền kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Mỹ cũng chắc chắn sẽ liên kết các lực lượng đồng minh của họ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, lợi dụng ưu thế hải trên không và trên biển để chặt đứt tuyến đường tiếp tế của Bắc Kinh ở Biển Đông; các quốc gia phương Tây khác cũng có thể bị Mỹ thuyết phục để áp đặt lệnh trừng phạt, kiềm chế Trung Quốc phát triển kinh tế. Kiều Lương nhấn mạnh, Bắc Kinh cần phải nói rõ, nhiệm vụ hàng đầu bây giờ không phải là đoạt lấy Đài Loan, mà là thực hiện được mục tiêu lâu dài là phục hưng dân tộc, cũng chính là “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2049. Muốn “vũ thống Đài Loan”, “trừ phi giải quyết trước tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington, vấn đề Đài Loan mới có thể được giải quyết hoàn toàn”, nếu không, “sẽ phải trả giá rất lớn và sẽ gây nguy hiểm cho mục tiêu phục hưng dân tộc của Trung Quốc”.
Được biết, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm “thống nhất” với Đài Loan bằng bất cứ giá nào. Quyết tâm đó được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắn nhủ trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan. Đáng chú ý, giới truyền thông cũng cho rằng PLA đang sỡ hữu nhiều loại vũ khí hiện đại, có thể dễ dàng “đè bẹp” Đài Loan, theo đó:
Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo là máy bay chiếm ưu thế trên không hàng đầu trong kho vũ khí của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc mua hơn hai chục máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35 trong hai năm qua, giúp không quân nước này tăng khả năng thực hiện các hoạt động không quân tầm xa chống lại Đài Loan hoặc bất kỳ kẻ thù nào khác. Ngoài cấu hình không đối không đáng gờm, Su-35 còn có khả năng tấn công tinh vi và tầm bắn hiệu quả cho phép nó đe dọa mục tiêu dưới mặt đất. Không quân Trung Quốc cũng có nhiều máy bay khác có thể thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên bầu trời Đài Loan, ví dụ như tiêm kích J-20. Nhưng tính ở thời điểm hiện tại, Su-35 đã đủ gây vấn đề với lực lượng không quân Đài Loan.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không nguy hiểm nhất thế giới, S-400 có tầm bắn tối đa lên tới 400km, nghĩa là vượt qua cả Đài Loan. Như một số nhà phân tích từng nói, hiệu quả của S-400 ở tầm xa bị hạn chế. Tuy nhiên, nó vẫn làm phức tạp thêm việc sử dụng không phận của quân đội Đài Loan và có khả năng ngăn chặn toàn bộ việc sử dụng không phận Đài Loan cho mục đích thương mại. Chưa kết, S-400 cũng có thể ngăn vận chuyển thiết bị và hàng hóa qua đường hàng không và đường biển đến hòn đảo trong điều kiện chiến tranh. Nếu muốn hạ S-400, Đài Loan phải thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào đất liền Trung Quốc. Chuyên gia nói rằng đây sẽ là một thử thách lớn với quân đội Đài Loan.
Tên lửa đạn đạo. Kho vũ khí lớn của Trung Quốc chứa nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể gây ra thiệt hại thảm khốc cho cơ sở hạ tầng quân sự của Đài Loan. Các căn cứ không quân và cảng Đài Loan có khả năng bị tấn công từ tên lửa Trung Quốc. Tên lửa chết chóc nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc, theo quan điểm của Đài Loan, là DF-16. Nó có tầm bắn 1.000 km và có thể mang đầu đạn nặng 1500 kg. DF-16 cũng được đánh giá là tên lửa khó có thể bị đánh chặn. Đài Loan có các hệ thống chống tên lửa đạn đạo nội địa và nước ngoài, nhưng không ai biết chúng có thể chống đỡ tên lửa liên tiếp hay không. Mạng lưới phòng không Đài Loan cũng sẽ phải đối đầu với cả tên lửa hành trình và máy bay có người lái. Đài Loan có thể củng cố thêm các căn cứ không quân và phân tán cơ sở hạ tầng nhưng có lẽ đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn.
Tàu đổ bộ lớp 075 LHD. Trung Quốc đang chế tạo lớp tàu đổ bộ tấn công lớn nhất đất nước. Những con tàu lớp 075 này cho phép quân đội thực hiện các cuộc tấn công đổ bộ tinh vi chống lại mục tiêu được bảo vệ. Với trọng lượng 40.000 tấn, Type 075 có kích thước tương tự các tàu đổ bộ lớn nhất của Mỹ nhưng không có nhiệm vụ phòng không và tấn công như các tàu Mỹ. Mặc dù tàu lớp 075 vẫn chưa chính thức hoạt động, các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang chế tạo ba chiếc lớp 075. Cấu hình chính xác của loại tàu này vẫn chưa được biết chắc, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó có khả năng chở hơn hai chục máy bay trực thăng tấn công và vận tải. Như vậy là đủ để dùng trong một cuộc tấn công chống lại hệ thống phòng thủ Đài Loan.
Tàu đổ bộ lớp 071 LPD.Vào giữa những năm 2000, Trung Quốc quyết định tăng cường mạnh khả năng tấn công đổ bộ bằng việc mua một lớp tàu vận tải đổ bộ. Có kích thước tương đương tàu San Antonio lớp LPDs của Hải quân Hoa Kỳ, tàu lớp 071 có thể chở 800 binh sĩ, 4 máy bay trực thăng và nhiều phương tiện tấn công đổ bộ nhỏ. Mặc dù tàu lớp 071 chỉ có khả năng phòng thủ tối thiểu, chúng có thể di chuyển với tốc độ 46 km/h. Kết hợp với tàu lớp 075 LHD, tàu lớp 071 là mối đe dọa đáng gờm đối với lực lượng trên biển của Đài Loan. Tính đến tháng 1/2019, Trung Quốc đã sở hữu 6 tàu này và sắp có thêm 2 chiếc.
Trong khi đó, Đài Loan luôn coi mình là một quốc gia có chủ quyền với đồng tiền, hệ thống chính trị, tư pháp riêng, song chưa bao giờ tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Trước sự đe dọa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kiên quyết tuyên bố, Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992”, thực chất cái gọi là “Nhận thức chung năm 1992” chính là “một nước Trung Quốc”, “một quốc gia hai chế độ”. Bên cạnh đó, Đài Loan đã có một số biện pháp đề phòng Trung Quốc:
Hải quân Đài Loan tiến hành tập trận bắn tên lửa chống hạm siêu âm mới Hùng Phong 3 được phóng từ tàu hộ vệ tàng hình Đà Giang. Hùng Phong 3 vốn sử dụng cả động cơ nhiên liệu rắn và lỏng, được biết tới với khả năng hoạt động linh hoạt, có thể tấn công các mục tiêu trong khoảng cách từ 30-400 km. Nó sở hữu tốc độ tối đa 3.700 km/giờ cùng khả năng cơ động bất thường để vượt qua lá chắn phòng không đối phương. Tên lửa được lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 225 kg, cùng ngòi nổ thông minh để hướng luồng nổ xuống phía dưới sau khi xuyên qua vỏ tàu. Tính năng này giúp gây thiệt hại tối đa đối với mục tiêu bị bắn trúng. Loại tên lửa thuộc hàng vũ khí diệt hạm mạnh nhất của Đài Loan này là biến thể mới nhất của dòng tên lửa được Đài Loan phát triển từ những năm 1970.
Thiếu tướng Yeh Kuo Hui – chỉ huy ban kế hoạch của lực lượng quốc phòng Đài Loan cho biết, trong năm 2019, quân đội Đài Loan công bố thực hiện các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn “theo kiểu mới” nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc để sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Bắc. Thiếu tướng Yeh Kuo Hui nêu rõ rằng các lực lượng vũ trang của Đài Loan vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận qui mô lớn như vậy, nhưng các cuộc tập trận trong năm 2019 này “được điều chỉnh dựa trên các chiến thuật mới nhằm chống lại khả năng tấn công từ Trung Quốc”.