Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaXu thế trong cạnh tranh công nghệ 5G giữa Mỹ và TQ...

Xu thế trong cạnh tranh công nghệ 5G giữa Mỹ và TQ hiện nay và các tác động của nó đến thế giới

Công nghệ 5G đang được xem là nhân tố thay đổi “cuộc chơi”, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế – xã hội, an ninh – quân sự của các quốc gia trên thế giới. Với Mỹ, lần đầu tiên, năng lực công nghệ của nước này trong lĩnh vực 5G chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ một quốc gia đối thủ là Trung Quốc.

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) hiện nay, thế hệ thứ 5 của công nghệ kết nối viễn thông (công nghệ 5G) đang trở thành tâm điểm sau khi Mỹ triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) phát triển và triển khai công nghệ này trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của công nghệ 5G là năng lực truyền tải dữ liệu mạnh hơn rất nhiều so với các công nghệ 4G và 3G trước đây. Do đó, công nghệ 5G có vai trò nền tảng, mở ra khả năng ứng dụng ở quy mô lớn chưa từng có cho các công nghệ mới, như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT). Nếu các công nghệ từ 1G tới 4G chủ yếu kết nối con người với nhau thông qua các thiết bị, thì công nghệ 5G kết nối trực tiếp một mạng lưới với số lượng lớn các thiết bị với nhau.

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ 5G được đánh giá không những là nhân tố thay đổi “luật chơi” mà còn mang lại những cơ hội lớn trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến quân sự đối với các quốc gia trên thế giới. Về kinh tế, các công nghệ, như xe tự hành, nhà máy sản xuất tự động, phẫu thuật từ xa, dịch vụ giải trí thực tế ảo,… dựa trên nền tảng 5G sẽ tạo ra những ngành kinh tế mới, mang lại lợi nhuận lớn. Theo Tập đoàn Tư vấn CCS, đến năm 2023 sẽ có khoảng 1,3 tỷ người sử dụng công nghệ 5G trên toàn cầu. Trong khi đó, Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSM) dự báo, công nghệ 5G sẽ tạo ra giá trị 2.200 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu trong 15 năm tới. Về xã hội, khả năng truyền tải dữ liệu rất lớn của công nghệ 5G cho phép hiện thực hóa ý tưởng về mô hình xã hội thông minh, thành phố thông minh với khả năng kết nối với nhau của các thiết bị điện tử dưới sự quản lý, điều hành tự động của một trung tâm điều phối. Về quân sự, công nghệ 5G giúp nâng cao khả năng ra quyết định chiến lược và tác chiến hiệu quả trên thực địa với việc liên thông các kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian thực.

Trên cơ sở đó, các cường quốc trên thế giới đang tích cực xây dựng những kế hoạch phát triển và ứng dụng rộng rãi mạng 5G. Theo Báo cáo tình báo của GSM, năm 2019 có 147 nhà mạng ở 72 quốc gia, vùng lãnh thổ thử nghiệm mạng 5G và có 81 nhà mạng tại 52 quốc gia, vùng lãnh thổ công bố kế hoạch triển khai mạng 5G. Mỹ sẽ đầu tư 275 tỷ USD để triển khai mạng 5G, tạo ra 3 triệu việc làm mới và tạo thêm 500 tỷ USD cho nền kinh tế. Nhật Bản dự định đầu tư 14,4 tỷ USD nhằm phát triển 5G trong 5 năm tới. Hàn Quốc sẽ đầu tư 26 tỷ USD xây dựng và khai thác 5G vào năm 2022, tạo ra 73 tỷ USD giá trị xuất khẩu vào năm 2026. Nga dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020 và kết nối 5G sẽ chiếm 20% tổng lượng kết nối viễn thông vào năm 2025. Anh đề ra chiến lược hướng tới một hệ sinh thái 5G thống nhất toàn quốc. Ấn Độ chú trọng bảo đảm sự ứng dụng của 5G trong triển khai các thành phố thông minh và làng thông minh. Xin-ga-po ứng dụng 5G phục vụ những ngành công nghiệp trụ cột, như chế tạo công nghệ cao, bảo dưỡng máy bay và dịch vụ tài chính.

Đáng chú ý, Trung Quốc hiện rất mạnh trong ứng dụng và phát triển mở rộng 5G không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu. Dự kiến, quy mô đầu tư 5G của Trung Quốc có thể lên tới 441 tỷ USD. Nếu Liên minh châu Âu (EU) đi đầu trong công nghệ 2G, Nhật Bản đi đầu trong công nghệ 3G, Mỹ đi đầu trong công nghệ 4G, thì hiện nay, Trung Quốc đã vượt lên trong công nghệ 5G. Báo cáo “Hệ sinh thái 5G: Rủi ro và cơ hội” của Ủy ban Đổi mới quốc phòng, Bộ Quốc phòng Mỹ (4/2019) nhận định, Mỹ có thể tụt hậu trong cuộc đua triển khai công nghệ 5G với Trung Quốc. Đây được coi là “hồi chuông cảnh báo” đối với Mỹ không chỉ trong lĩnh vực 5G mà còn trong đánh giá chiến lược của Mỹ đối với năng lực khoa học – công nghệ của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các thách thức đối với Mỹ trong phát triển công nghệ 5G cũng rất lớn. Lần đầu tiên sau Chiến tranh lạnh, vai trò đi đầu về khoa học – công nghệ của Mỹ trong một lĩnh vực cụ thể là 5G bị “đe dọa” bởi một quốc gia “không phải đồng minh, không cùng ý thức hệ” là Trung Quốc.

Một là, việc phát triển và phổ biến 5G của Trung Quốc đang tạo ra nguy cơ an ninh lớn đối với Mỹ. Nguy cơ này xuất phát từ hai yếu tố cơ bản: i) Tại Mỹ, hiện ngày càng có nhiều thiết bị được kết nối và vận hành trực tuyến trên nền tảng 5G, do vậy nếu có hoạt động phá hoại thì hệ lụy sẽ rất lớn đối với kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của Mỹ. ii) Việc số lượng hãng cung cấp mạng 5G còn hạn chế đã làm tăng nguy cơ phụ thuộc về dịch vụ và thiết bị. Ngoài ra, giới chức Mỹ quan ngại Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ phục vụ các mục đích chính trị. Sự phổ biến của các công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu làm dấy lên cuộc tranh luận ở Mỹ về việc đây có thể là một trong những biện pháp để Trung Quốc xuất khẩu “mô hình quản trị” nhà nước Trung Quốc, vốn đi ngược lại với các giá trị Mỹ sang các nước khác. Theo Cơ quan an ninh mạng và an ninh kết cấu hạ tầng của Mỹ (7/2019), việc sử dụng các thiết bị 5G được sản xuất bởi các công ty “không đáng tin cậy” sẽ tạo rủi ro đối với các “thực thể” của Mỹ và hiện chưa thể đánh giá hết các “rủi ro mới” từ hệ thống 5G.

Hai là, việc thuyết phục các quốc gia khác “giảm” sử dụng công nghệ của Trung Quốc trong khi chưa có sự lựa chọn đủ sức “hấp dẫn” để thay thế. Mặc dù các nước đều quan tâm tới vấn đề an ninh nhưng lại có mức độ “nhạy cảm” khác nhau đối với công nghệ của Trung Quốc, cũng như có những cân nhắc về chi phí kinh tế. Trong khi đó, công nghệ 5G của Trung Quốc được đánh giá là có giá thành cạnh tranh hơn hẳn các công ty của Mỹ và phương Tây, như Cisco, Ericssion, Nokia… Hiện nay, chỉ có một số ít đồng minh của Mỹ, như Nhật Bản hay Australia hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc, còn đa số các nước đều tránh công khai nhà cung cấp 5G cụ thể mà chủ yếu tập trung củng cố các khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát để phòng ngừa rủi ro.

Ba là, các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc như cấm vận thương mại gặp khó khăn do ảnh hưởng tới lợi ích của chính doanh nghiệp Mỹ. Tháng 3/2018, Mỹ ra lệnh cấm các công ty của Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho Tập đoàn Trung Hưng (ZTE) của Trung Quốc và chỉ dỡ bỏ lệnh cấm sau khi tập đoàn này chấp nhận số tiền phạt cũng như sự giám sát của Mỹ đối với các linh kiện mua từ nước này. Ngày 15/5/2019, Tổng thống Mỹ D.Trump ký sắc lệnh nhằm ngăn chặn Tập đoàn Huawei bán các thiết bị cho công ty viễn thông của Mỹ. Tiếp đó, ngày 16/5/2019, chính quyền của Tổng thống D. Trump tuyên bố đưa Tập đoàn Huawei vào danh sách cấm nhập khẩu các linh kiện từ Mỹ nếu không có giấy phép. Tuy nhiên, việc áp dụng các lệnh cấm này trên thực tế gặp nhiều khó khăn do sự “phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế” giữa hai bên. Các tập đoàn công nghệ của Mỹ cần thị trường “khổng lồ” của Trung Quốc và sẽ gặp khó khăn để bù đắp những tổn thất đến từ các chính sách hạn chế thương mại. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu FactSet (Mỹ), tổng doanh thu hằng năm của các công ty Mỹ, như Apple Intel, Micron, Cisco… tại Trung Quốc lên tới hơn 100 tỷ USD.

Chiến lược mới của Mỹ về phát triển công nghệ vẫn đang trong quá trình định hình. Tuy nhiên, xu hướng này đang và sẽ tạo ra một số tác động đối với thế giới. Trước hết, đối với Trung Quốc, sự điều chỉnh chiến lược công nghệ của Mỹ sẽ làm gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Mỹ không thể để Trung Quốc chiếm vị trí số 1 của Mỹ về khoa học – công nghệ – nhân tố quan trọng hàng đầu đối với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ. Từ góc độ này, có thể thấy cán cân thương mại hay xếp hạng công nghệ chỉ là các vấn đề mang tính “bề nổi” trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc. Mục tiêu sâu xa của Mỹ có thể là áp đặt “luật chơi” trong cạnh tranh sức mạnh kinh tế – thương mại – tài chính và công nghệ giữa hai nước, buộc Trung Quốc phải từ bỏ việc trợ cấp cho doanh nghiệp, bảo hộ thị trường, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Với “luật chơi” này, Mỹ sẽ phát huy được “sở trường” là ưu thế năng động của khu vực tư nhân của Mỹ. Từ phía Trung Quốc, quốc gia này sẽ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu phát triển công nghệ do đây là nhân tố quan trọng trong việc hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”, cũng như không dễ dàng chấp nhận bất kỳ “điều kiện” nào của Mỹ làm tổn hại tới vị thế và uy tín nội bộ của Trung Quốc. Do đó, cạnh tranh công nghệ là vấn đề chiến lược có ý nghĩa “sống còn” đối với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là cuộc cạnh tranh lâu dài.

Các phân tích cho rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc sẽ khiến thế giới bị “phân mảng” thành các khối công nghệ khác nhau. Việc tập hợp lực lượng được cho là sẽ diễn ra ở hai “trục” chính, gồm Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh đó là các hệ công nghệ của châu Âu hoặc Nga. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong các phát biểu năm 2019 và đầu năm 2020 đều nhấn mạnh việc đối đầu thương mại và công nghệ Mỹ – Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ về “một sự đứt gãy” của thế giới hay nói cách khác là nguy cơ “phân tách” trong kinh tế, tài chính và thậm chí là quân sự – một sự tàn phá hơn cả Chiến tranh lạnh.

Ngoài ra, tính phụ thuộc về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc còn khá lớn, việc điều chỉnh và phân tách các chuỗi cung ứng về công nghệ cũng như hệ sinh thái công nghệ toàn cầu là không dễ dàng. Do đó, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc về công nghệ sẽ làm gia tăng tính đa dạng và sự lựa chọn về công nghệ chứ không nhất thiết tạo ra các hệ sinh thái biệt lập về công nghệ. Theo các chuyên gia, cho dù kịch bản nào diễn ra, tác động đối với các quốc gia trên thế giới sẽ là sự khó khăn hơn trong cân bằng quan hệ cũng như nhu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực quốc gia về công nghệ. Một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng không phải là công nghệ của quốc gia nào “đáng tin” hơn, mà là năng lực giám sát, làm chủ công nghệ của quốc gia tiếp nhận công nghệ. Bất kỳ công nghệ nào cũng có thể bị “thâm nhập” bởi các lực lượng bên ngoài nếu năng lực kiểm soát công nghệ của quốc gia đó không tốt. Bên cạnh đó, sự gia tăng cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc một lần nữa khẳng định vai trò then chốt và quan trọng của công nghệ đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia. Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ cũng cho thấy, kể cả đối với cường quốc công nghệ hàng đầu như Mỹ thì năng lực nội tại và tinh thần “tự cường” về công nghệ vẫn là nền tảng quan trọng nếu các quốc gia muốn bảo đảm được an ninh và phát triển trong môi trường hợp tác quốc tế sâu rộng, đan xen lẫn nhau về công nghệ như hiện nay. Đáng chú ý, đối với các nước đang phát triển, sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đang tạo ra những nguồn lực mới, tạo thuận lợi cho hợp tác khoa học – công nghệ giữa các tập đoàn của Mỹ, EU,… với các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển có nhiều lựa chọn đa dạng hơn trong hợp tác công nghệ, có điều kiện hơn để lựa chọn những công nghệ phù hợp với nhu cầu an ninh và phát triển quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới