Nhằm hỗ trợ và tăng cường năng lực quốc phòng cho đồng minh, Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch bán một trong hai dòng trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache hoặc Bell AH-1Z Viper cho Không quân Philippines.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) cho biết, mỗi hợp đồng sẽ bao gồm 6 máy bay, động cơ, tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, đạn rocket, huấn luyện, phụ tùng, thiết bị điện tử hàng không liên quan… trị giá lần lượt là 1,5 tỷ USD và 450 triệu USD. DSCA khẳng định, việc bán hàng được đề xuất sẽ hỗ trợ chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Mỹ qua việc hỗ trợ Philippines – một đồng minh của Washington – phát triển và duy trì khả năng tự vệ, chống khủng bố và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Kế hoạch trên sẽ được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Trong vòng 1 tháng tới, nếu các nhà lập pháp Mỹ không có ý kiến phản đối, hai hợp đồng sẽ tự động được phê duyệt và đi đến giai đoạn đàm phán để Manila chốt phương án cuối cùng.
Theo nhận định của giới truyền thông, nhiều khả năng phía Philippines sẽ mua trực thăng AH-1Z Viper bởi dòng máy bay này có giá thành rẻ hơn và chi phí vận hành thấp hơn so với AH-64E Apache. Thương vụ sẽ được thực hiện theo khuôn khổ chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài (FMS) của chính phủ Mỹ.
Được biết, trực thăng AH-1Z Viper được coi là mẫu trực thăng mạnh nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ với hệ thống vũ khí gồm pháo 20mm cùng tên lửa chống tăng Hellfire, tên lửa diệt hạm AGM-114F Interim Hellfire, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder. Các giá treo trên máy bay có thể gắn rocket và các loại bom thông thường. Trong khi đó, trực thăng AH-64E Apache là phiên bản mới nhất và hiện đại nhất của dòng trực thăng AH-64 Apache. Máy bay được trang bị một pháo 30mm điều khiển tích hợp qua mũ phi công và rocket Hydra 70. Tùy vào nhiệm vụ, nó có thể trang bị thêm tên lửa chống tăng Hellfire, tên lửa không đối không FIM-92H Stinger hay tên lửa AIM-9 Sidewinder.
Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa phi đội trực thăng tấn công của quân đội Philippines. Hiện tại, Không quân Philippines có 8 trực thăng AgustaWestland A109E Power, 12 máy bay McDonnell Douglas MD 500MG Defender và 2 trực thăng Bell AH-1 Cobra.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang sở hữu lực lượng trực thăng chiến đấu hùng hậu. Theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện duy trì hoạt động của 9 trực thăng Ka-31 (Nga chế tạo) làm nhiệm vụ cảnh báo sớm đường không; 26 chiếc trực thăng vận tải Z-8 kiêm nhiệm vụ tuần tra biển do Trung Quốc chế tạo dựa trên loại SA 321 Super Frelon của Pháp; 17 chiếc trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28 nhập khẩu từ Nga; 8 chiếc trực thăng vận tải hạng trung Mi-8 nhập khẩu từ Nga; 25 chiếc trực thăng săn ngầm Z-9C do Trung Quốc tự sản xuất dựa theo công nghệ loại Eurocopter AS.565 Panther.
Đáng chú ý, mặc dù Hải quân Trung Quốc đang vận hành số lượng nhỏ máy bay trực thăng Ka-27/28 được mua từ Nga để phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và vận tải, và mẫu trực thăng Ka -31 phục vụ cho nhiệm vụ cảnh báo sớm trên không, nhưng dường như Trung Quốc đang thiên về sử dụng các thiết kế trong nước, thay thế cho các mẫu máy bay trực thăng mua của Nga, và do vậy năng lực chế tạo trong nước cũng đang tăng lên. Hai kiểu máy bay cánh quay quan trọng nhất hoạt động trên tàu sân bay là Z-8/Z-18 Changhe và Z-9 Harbin được phát triển dựa trên các mẫu trực thăng Super Frelon và AS365. Các mẫu trực thăng khác cũng đã được phát hiện trên tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm trực thăng vận tải/đa dụng Z-18 và các phiên bản trực thăng tìm kiếm, cứu nạn/tải thương Z-8J/JH.
Ngoài các máy bay tiêm kích không được xác định cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm, tàu sân bay Liêu Ninh có thể tiếp nhận 6 máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm Z-18F, 4 trực thăng cảnh báo sớm trên không Z-18J và 2 trực thăng đa dụng Z-9. Trực thăng Z-18F là một phiên bản trực thăng tác chiến chống ngầm chuyên dụng của mẫu trực thăng Z-8, nặng 13,8 tấn với đặc trưng radar sục sạo lắp ở mũi trực thăng, tháp khí tài quan sát phía trước, sonar thả chìm, và các giá treo vũ khí để treo các ngư lôi hạng nhẹ Yu-7.
Mẫu trực thăng tìm kiếm cứu nạn Z-9 đã được phát hiện trên tàu sân bay Liêu Ninh, cùng với các mẫu trực thăng chiến đấu Z-9C và D. Trong trang bị của Quân đội Trung Quốc, trực thăng Z-9C có số lượng lớn nhất, được trang bị ra-đa KLC-1 do Trung Quốc chế tạo hoặc ra-đa ORB-32 do Pháp chế tạo. Mẫu ra-đa KLC-1 có góc quét 180o và có khả năng phát hiện các mục tiêu nhỏ ở tầm 90 km và các tàu lớn hơn ở tầm lên tới 140 km. Các xen-xơ khác gồm có: xô-na thả chìm, và tháp khí tài quang điện tử được lắp trên thân của một số trực thăng. Z-9C có thể mang 2 ngư lôi A244S hoặc Yu-8K, rốc-két không điều khiển 57 mm và súng máy 12,7mm.
Mẫu trực thăng Z-9D cải tiến có khả năng mang theo tới 4 tên lửa đối hạm trên 2 cánh ngắn có thể thu vào bên trong thân. Những tên lửa này dường như là mẫu tên lửa đối hạm YJ-9 được phát triển từ mẫu tên lửa đối hạm được dẫn bằng ra-đa TL-10B với tầm tác chiến 15 km. Những thay đổi khác trên trực thăng Z-9C gồm có ra-đa sục sạo cải tiến nâng cấp (KLC-3B) và trên nhiều máy bay trực thăng được chuyển đổi sang vai trò tìm – cứu, được trang bị tháp khí tài hồng ngoại quan sát phía trước, đèn pha tìm kiếm và tời.