Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐiểm tinNhân sự cho Đại hội 13: Cảnh giác với chạy chức, chạy...

Nhân sự cho Đại hội 13: Cảnh giác với chạy chức, chạy phiếu

Cần phải hết sức cảnh giác với việc chạy chức, chạy phiếu, những người có biểu hiện ấy là không đàng hoàng, nên gạch tên họ đi.

Hình minh họa

Ông Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên

Uy tín trước dân là tiêu chuẩn quan trọng nhất

PV: Thưa ông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, trong đó có đặt ra những tiêu chuẩn rất rõ ràng đối với cán bộ cấp cao. Những vấn đề mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã đặt ra gợi lên vấn đề gì trong việc lựa chọn nhân sự, nhất là mục tiêu tìm ra những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và cách làm công tác nhân sự để chọn cho được những người có đức, có tài vào danh sách lãnh đạo. Trong đó, đức là gốc, đồng thời phải có đủ năng lực để gánh vác nhiệm vụ và có uy tín trước nhân dân. Về tiêu chuẩn đức, tài thì lâu nay đã nói, nhiệm kỳ nào cũng nói, giống “kinh điển” rồi.

Tuy nhiên, trong tình hình cụ thể hiện nay của đất nước, tôi hiểu và nghĩ rằng, cần phải hết sức quan tâm 4 yêu cầu sau đây về tiêu chuẩn cán bộ. Đó là, tinh thần yêu nước và bản lĩnh, năng lực để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo của tổ quốc; có tinh thần vì dân, kính trọng dân, không ức hiếp dân; không tham ô, “lợi ích nhóm”; có tinh thần đổi mới để dân tộc và đất nước chớp được cơ hội để phát triển lên, không giáo điều bảo thủ.

Lần này tôi thấy (và cảm giác) hình như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn lưu ý vấn đề uy tín của cán bộ trước nhân dân. Đó là chuyện lớn, rất lớn. Thực ra đó mới chính là tiêu chuẩn quan trọng nhất, thậm chí chỉ cần một tiêu chuẩn đó là xong (nhiều nước họ đã làm vậy lâu rồi) – được nhân dân tín nhiệm cụ thể bằng lá phiếu của một cuộc bầu cử thật sự dân chủ và minh bạch thông tin.

Ở nước ta cũng không ít lần nói đến sự tín nhiệm của nhân dân, nhưng thực hiện thì chưa nhiều, nói nhưng không có cơ chế cho rõ ràng. Biết thế nào là có hay không có uy tín, nếu không có cách đo đếm. Những năm gần đây, khi bầu cử thì phải có số dư, đó cũng là một bước tiến bộ, nhưng vẫn còn rất ít, không có số dư khi bầu chủ chốt vẫn nhiều và người đứng đầu cơ quan Nhà nước các cấp cũng chưa được dân bầu trực tiếp, mà còn qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nước ta cũng chưa có tranh cử, các ứng cử viên chưa tranh luận với nhau, chưa có chương trình hành động được công khai. Cho nên, câu chuyện về tín nhiệm của nhân dân là chuyện rất lớn mà nước ta phải tích cực chủ động tiến tới để văn minh tiến bộ hơn.

PV: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý trong việc lựa chọn nhân sự “đừng thấy đỏ tưởng là chín”. Như thế nào là “đỏ”, là “chín”, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chỉ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mới giải thích đúng nhất ý kiến của Ông. Tôi không chắc mình đã hiểu đúng hết và đầy đủ. Nhưng theo suy nghĩ của tôi thì ý đó là phải biết phân biệt một cách “tinh đời” về sự khác nhau giữa hình thức bề ngoài, biểu hiện ra bên ngoài với bản chất thật ở bên trong.

 “Đỏ” là biểu hiện bề ngoài, còn “chín” là bản chất thật bên trong. Nói cách khác là đề phòng những kẻ cơ hội tinh vi và người làm công tác cán bộ thì bị lừa, bị lầm, đánh giá sai bản chất, dẫn đến quyết định sai.

PV: Thưa ông, biểu hiện của “đỏ”, “chín” trên thực tế như thế nào? Làm sao để nhận diện được những cán bộ như vậy trong hàng vạn cán bộ khác?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Trước nhất, người làm công tác nhân sự phải trong sáng khách quan, liêm chính, không để bị mua chuộc, lợi dụng, hối lộ. Công việc “nhìn người” là cả một khoa học. Những người làm công tác cán bộ còn phải “tinh đời” như Tổng Bí thư nói.

Đánh giá con người trên công việc cụ thể chứ không phải tự hình dung ra, mặc dù linh cảm nhiều khi cũng đúng. Tốt nhất là có biện pháp cụ thể và hữu hiệu để dựa vào dân mà chọn người. Được dân tín nhiệm thật sự là tiêu chuẩn cao nhất, quyết định nhất, chứ không phải nêu ra nhiều tiêu chuẩn nhưng chung chung trừu tượng, khó đo đếm. Bầu cử dân chủ, có tranh cử thực chất, lấy lá phiếu của dân mà quyết định. Đảng lãnh đạo bằng cơ chế dân chủ, bảo đảm dân chủ và minh bạch, tuyên truyền về tiêu chuẩn, chống gian lận và giới thiệu người ra tham gia tranh cử bình đẳng, chứ không phải sắp đặt theo chủ quan của một tổ chức nào, càng không được áp đặt.

 Hết sức cảnh giác với chạy chức, chạy phiếu

PV: Muốn biết cán bộ có xứng đáng được chọn lựa hay không thì phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Theo ông, với cơ chế công khai, minh bạch như hiện nay đã đủ chưa? Dư luận cho rằng cần công khai quy hoạch 200 nhân sự Ủy viên Trung ương để nhân dân giám sát và đóng góp ý kiến. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Việc công khai, minh bạch hết sức quan trọng, để cho những người tham gia bỏ phiếu lựa chọn cán bộ có đủ thông tin về các ứng cử viên. Ở nước ta việc công khai, minh bạch cũng đã nhiều lần nói đến, nhưng vẫn chưa làm tốt, nên mới có chuyện nhiều người không xứng đáng vẫn lọt vào cơ quan này, cơ quan khác.

Nếu cứ để tình trạng tồn đọng nhiều vụ việc không được giải quyết đến nơi, đến chốn thì thông tin vẫn mập mờ, có khi người xấu thì được chọn, còn người tốt lại bị oan, bị ngăn cản. Công việc phản biện xã hội cũng có vai trò rất quan trọng trong việc minh bạch thông tin đúng sai, tốt xấu. Cần tạo môi trường cho báo chí phản ánh ý kiến của nhân dân, không có vùng cấm, chỉ trừ bí mật quốc gia, mà ngay cả bí mật quốc gia thì cũng phải quy định rất chặt chẽ, đừng đóng dấu “mật” tràn lan, kể cả những việc cần minh bạch cũng che giấu đi. Tất nhiên đồng thời với đó là phải xử lý nghiêm các sai phạm về thông tin bịa đặt, vu khống, vi phạm quyền tự do và danh dự của mọi người.

Tôi rất nhất trí việc cho công khai sớm danh sách quy hoạch để nhân dân tham gia giám sát. Có ý kiến sợ làm thế người ta có thể phá hỏng quy hoạch. Tôi nghĩ khác, danh sách quy hoạch không chuyện gì lại phải “bí mật bất ngờ” với mọi người như là chuyện “đánh trận”. Đúng bản chất vấn đề thì danh sách quy hoạch là phát hiện những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua thực tế và giới thiệu cho công chúng, chứ đâu phải giữ chỗ, xí phần và không cho người khác lọt vào.

Có lẽ cũng không nên đưa ra một tiêu chuẩn rằng phải có trong quy hoạch thì mới được vào. Tiêu chuẩn quan trọng nhất là uy tín thật trước nhân dân, ai được nhân dân tín nhiệm hơn thì được vào danh sách lãnh đạo. Còn quy hoạch như ta làm hiện nay thì trong nhiều trường hợp mới chỉ là ý chí của lãnh đạo, dù có tham khảo ý kiến từ các phía, tất nhiên cũng là cần thiết, nhưng chỉ nên là một kênh thông tin quan trọng, chứ không nên là một nguyên tắc bất di bất dịch.

PV: Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Chắc hẳn con số này gợi cho ông nhiều suy nghĩ?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Nhiều nhiệm kỳ trước đây đã nói về việc phải chống tham nhũng, nhưng thực hiện trên thực tế chẳng được bao nhiêu. Giống như nói thì cứ nói, còn né tránh thì vẫn né tránh, vì dính líu, vì ngại va chạm và nội bộ không thống nhất, người muốn đấu tranh cũng nhiều và người bao che cản trở cũng lắm.

Nhiệm kỳ XII này thực hiện khá nhất, kiên quyết nhất, giải quyết được số vụ việc rất đáng kể, xử lý một số cán bộ cao cấp có quyền thế, được nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, niềm tin của dân chúng về công việc chống tham nhũng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước có khá lên nhiều. Mặc dù vẫn còn nhiều vụ việc chưa giải quyết xong, chưa giải quyết được, cán bộ đảng viên và nhân dân đang chờ đợi.

PV: Từ thực tế công tác cán bộ khóa XII, theo ông đâu là những điểm cần lưu ý trong việc chuẩn bị nhân sự khóa mới?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Khóa XII cũng có nêu các tiêu chuẩn, thậm chí tôi nhớ có ghi nhiều tiêu chuẩn lắm, cũng nêu yêu cầu rõ ràng và quy trình chặt chẽ, nhưng khi vào thực tế thì cũng nhiều chuyện lung tung ngoài mong muốn. Chạy chức, chạy phiếu, vận động sai nguyên tắc, kể cả dùng tiền…rồi thỏa hiệp, không minh bạch thông tin đầy đủ, có không? Tôi nghĩ có cả. Vậy nên giữa chuyện vạch ra quy định này, quy định kia và việc thực hiện luôn có một khoảng cách lớn, nhất là khi tình trạng thoái hóa trong bộ máy đã đến mức báo động. Cần phải hết sức cảnh giác với việc chạy chức, chạy phiếu, những người có biểu hiện ấy là không đàng hoàng, nên gạch tên họ đi. Các thành viên dự Đại hội phải không được quên điều đó.

Mặt khác, nên nghiên cứu để có quy định mở đối với việc vận động hành lang một cách công khai và văn minh, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho mọi người. Tôi nghĩ việc đó cũng phù hợp trong điều kiện có tranh cử, tất nhiên cần phải chặt chẽ vì mọi thứ đều có giới hạn nhất định giữa tốt và xấu liên quan đến mức độ.

Đại hội XII có quy định về việc các cấp ủy viên không tự ứng cử và nhận đề cử nếu như không được tập thể Ban Chấp hành giới thiệu. Đó là việc của Đại hội XII, do hoàn cảnh cụ thể lúc đó và do tập thể Đại hội biểu quyết thông qua mà Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, đối với Đại hội XIII (và có thể kể cả các đại hội sau này) không nên tiếp tục như thế nữa để phù hợp hơn với xu thế tiến bộ là ngày càng mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông.

RELATED ARTICLES

Tin mới