Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ điều khiển dòng chảy sông Mêkông

TQ điều khiển dòng chảy sông Mêkông

Trung Quốc điều khiển dòng chảy sông Mêkông thông qua các con đập thủy điện của chính mình hoặc qua việc cấp nguồn tài chính và xây đập ở các quốc gia khác, theo bài viết của Philip Citowicki đăng trên báo The Diplomat ngày 8/5.

Gần đây, Công ty Eyes on Earth, Inc đã công bố một nghiên cứu cho biết, các con đập của Trung Quốc giữ lại lượng nước lớn, góp phần đáng kể vào đợt hạn hán năm ngoái đã ảnh hưởng tới lưu vực sông Mêkông ở Đông Nam Á, tác động tới hàng triệu người và cản trở những nỗ lực hỗ trợ phát triển trong khu vực.

Những phát hiện trong nghiên cứu của Eyes on Earth, bị Trung Quốc phản bác, đã nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng đối với việc Bắc Kinh kiểm soát tuyến đường thủy cốt yếu hỗ trợ sinh kế cho 60 triệu người. Dòng chảy của sông bắt đầu ở Trung Quốc với tên gọi Lan Thương sau đó xuyên qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Mực nước ở hạ lưu sông Mêkông đã được ghi nhận thấp chưa từng thấy trong 50 năm và đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động nông nghiệp và đánh bắt cá, vốn chiếm 20% sản lượng cá nước ngọt trên thế giới. Việt Nam, nơi sông Mêkông đi qua trước khi chảy ra biển Đông, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sông Mêkông góp phần giúp Việt Nam trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba. Việt Nam có khoảng 42% diện tích đất được trang bị thủy lợi từ sông Mêkông.

Nghiên cứu của Eyes on Earth cung cấp bằng chứng cho thấy các con đập của Trung Quốc đã giữ nước từ sông Mêkông nhằm lấp đầy các hồ chứa nước địa phương để lưu trữ lâu dài.

Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập khổng lồ dọc theo vùng thượng du sông Mêkông để duy trì nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước này. Việc quản lý dòng chảy Mêkông từ lâu đã là mối quan tâm của nhiều người sống dọc theo dòng sông.

Tình hình đáng lo ngại hơn bởi trên thực tế là không có hiệp ước hay thỏa thuận nào liên quan đến chia sẻ dữ liệu về sông Mêkông giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hạ lưu sông Mêkông.

Các con đập tiếp tục được xây dựng ở hạ nguồn sông, bao gồm những con đập đang được đề xuất đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe và sức sống của sông Mêkông.

Đập Sambor, được xây dựng ở Campuchia, nhiều khả năng tạo ra năng lượng nhiều hơn thực tế sử dụng ở Campuchia. Tuy nhiên, mục đích của nó nhằm xuất khẩu một lượng lớn nhiệt điện tới Việt Nam và Thái Lan.

Những báo cáo về tác động môi trường cho biết, con đập này sẽ gây ra sự gián đoạn lớn đối với luồng cá di cư và dòng chảy trầm tích giàu dinh dưỡng vào Việt Nam. Tuy nhiên, những cảnh báo về một thảm họa môi trường đó ban đầu dường như không ai để ý đến.

Vào tháng 3/2020, chính phủ Campuchia đã dừng kế hoạch xây đập thủy điện ở sông Mêkông trong 10 năm. Quyết định này khiến việc xây dựng đập Sambor ngừng lại, nhưng chính phủ Campuchia không loại trừ khả năng xây dựng trên các nhánh sông.

Quyết định của Campuchia cũng biến nước láng giềng Lào, quốc gia đã xây hai đập thủy điện mới trên dòng chính của sông Mêkông vào năm 2019 trở thành quốc gia duy nhất trong lưu vực hạ lưu sông có kế hoạch xây dựng đập trên sông Mêkông.

Lào, một quốc gia không giáp biển, đã theo đuổi hai dự án thủy điện kể trên, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của địa phương cũng như xuất khẩu sản phẩm. Hợp tác với chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, chính phủ Lào âm thầm phê duyệt hơn 140 con đập dọc theo sông Mêkông và các nhánh của sông. Dưới sức ép của những khoản nợ Trung Quốc, Lào đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Trung Quốc kiểm soát và quản lý chặt chẽ dữ liệu các đập thủy điện của họ. Tuy nhiên, báo cáo của Eyes on Earth Inc đã nêu bật vấn đề Thượng nguồn Mêkông, cho thấy trong nửa năm 2019, Trung Quốc đã giữ lại lượng lớn nước sông nơi thượng nguồn. Điều này đã tác động đáng kể tới sinh kế của hàng triệu cư dân sống theo dòng Mêkông.

Khi tới thăm Thái Lan vào năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra rằng, việc Trung Quốc hạn chế dòng chảy của nước là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn hán gây khô cạn cho khu vực.

Ông Alan Basit, chủ tịch của Eyes on Earth đã tăng sức nặng cho những nhận xét của ông Pompeo bằng cách tuyên bố “những dữ liệu đã không hỗ trợ” cho lý lẽ của Trung Quốc rằng, các con đập của họ không góp phần vào các tác động gây ra hạn hán.

RELATED ARTICLES

Tin mới