Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaViện dẫn sai các quy định của UNCLOS: Trò hèn của TQ...

Viện dẫn sai các quy định của UNCLOS: Trò hèn của TQ trong cuộc chiến xâm chiếm biển đảo

Trung Quốc với sự thèm khát tài nguyên cũng như với sức mạnh của một cường quốc đang trỗi dậy, đã và đang tiến hành những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền và lãnh thổ của mình. Ngoài các kiểu “sức mạnh cứng” thường thấy từ quân sự, bán quân sự cho đến ngoại giao và kinh tế, Bắc Kinh còn sử dụng các định chế pháp luật như một thứ “quyền lực mềm” nhằm nâng cao tiếng nói cũng như tính “hợp pháp” của mình tại các khu vực tranh chấp.

Một trong những cơ sở chính để Trung Quốc có thể xác định chủ quyền của mình tại các vùng tranh chấp đó chính là khái niệm về “vùng nước lịch sử”. Khái niệm này không được đề cập trong UNCLOS, tuy nhiên nó được xác định thông qua thông lệ cũng như tập quán quốc tế. Theo đó, “vùng nước lịch sử” có các đặc điểm như sau: “1. Là vùng biển có cấu tạo địa lý đặc biệt, ăn sâu vào đất liền hoặc là một bộ phận gắn liền với lục địa; 2. Ở cách xa đường hàng hải quốc tế; 3. Có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về chiến lược, quốc phòng, an ninh, kinh tế,… đối với quốc gia ven biển; 4. Về mặt lịch sử, quốc gia ven biển đã chiếm hữu, khai thác, sử dụng từ lâu đời mà không có nước nào phản đối. Chế độ pháp lý của vùng nước lịch sử là tương đương với chế độ pháp lý của nội thủy”.

Bắc Kinh đã dựa vào Điều 4 ở trên. Theo Phó phòng Chính sách Đối ngoại thuộc Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zhenhua thì “những hòn đảo trong khu vực đã có người Trung Quốc sinh sống từ thời Đông Hán (năm 23 tới năm 220 sau Công nguyên)” và rằng “người Trung Quốc đã thiết lập một kiểu chính phủ “giống với hiện tại” từ thời Tống (năm 420 tới năm 478 sau Công nguyên) “như là một bằng chứng cho chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc” đối với những khu vực mà nước này yêu sách tại biển Đông. “Các quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi Nam Sa) đã nằm dưới quyền tài phán của khu vực hành chính mà nay thành tỉnh Quảng Đông”. Về chi tiết “không có nước nào phản đối”, Bắc Kinh cho rằng từ năm 1947 và qua suốt những năm của thập niên 1960, không có quốc gia nào, bao gồm cả Hoa Kỳ, “từng nêu câu hỏi hoặc nghi ngờ về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Với những luận điệu trên đây, về thực chất Trung Quốc vẫn không có bất cứ một dẫn chứng cụ thể nào để chứng minh cho lập luận của mình, đặc biệt là về dẫn chứng lịch sử. Họ dựa vào những câu nói trong các tác phẩm lịch sử cổ để lại. Tuy nhiên, ngôn từ trong những tác phẩm đó rất mơ hồ và nhiều khi cũng bị làm cho sai lệch về ý nghĩa hay thêm thắt câu chữ, khiến cho người không am hiểu dễ bị lầm tưởng. Về viện dẫn không có nước nào phản đối, trên thực tế, ngày từ Hội nghị San Francisco tháng 9/1951, không một quốc gia tham gia hội nghị nào đồng ý trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc cả và kể từ khi “đường lưỡi bò” được Bắc Kinh đưa ra thì ngay sau đó Việt Nam và một số nước ASEAN như Philippines và Indonesia đều đã gửi công hàm phản đối lên Liên Hiệp Quốc. Điều này trái ngược hoàn toàn với viện dẫn trước đó của Trung Quốc. Ngoài ra, khái niệm “vùng nước lịch sử” cũng hoàn toàn không nằm trong các khái niệm của UNCLOS mà Trung Quốc đã tham gia.

Không chỉ đưa ra các tuyên bố đầy mâu thuẫn và không có cơ sở vững chắc, Trung Quốc còn tận dụng những kẽ hở và sự không rõ ràng trong UNCLOS để tuyên bố chủ quyền của mình. Theo những nội dung quy định trong UNCLOS về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Việt Nam cũng như các nước khác đã thông qua, nếu các quốc gia khác muốn thực hiện “quyền đi lại không gây hại” trên lãnh hải của quốc gia ven biển thì cần xin phép, còn đối với EEZ thì các quốc gia khác được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, cùng một số quyền hợp pháp khác theo đúng quy định của UNCLOS mà không cần phải xin phép, trừ các hành động không được cho phép theo luật định như khai thác tài nguyên hay nghiên cứu khoa học…

Tuy nhiên, trong tham vọng bành trướng của mình, Trung Quốc đã cố tình yêu sách về chủ quyền với EEZ như đối với lãnh hải. Cụ thể, Trung Quốc đã tước đi quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác trên vùng đặc quyền kinh tế rộng 880.000 km2 của nước này khi tuyên bố các quốc gia khác cần phải xin phép Trung Quốc để được thực hiện “quyền tự do hàng hải” qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Đây là hành động vi phạm các điều luật của UNCLOS một cách nghiêm trọng và là nguyên nhân của vụ va chạm giữa tàu Impeccable của Mỹ và tàu Trung Quốc vào năm 2009.

Trong khi yêu sách về chủ quyền với EEZ đã xâm phạm tới quyền tự do hàng hải của các nước khác thì việc Trung Quốc cố tình diễn giải sai lệch về chế độ các đảo lại đe dọa cướp đi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia khác tại biển Đông. Cùng với việc tuyên bố chủ quyền với các đảo và quần đảo trong “vùng nước lịch sử”, Trung Quốc còn yêu sách cho tất cả đảo, đá và quần đảo của mình có đầy đủ chế độ của lãnh thổ đất liền.

Theo đó, tất cả đảo, đá và quần đảo của Trung Quốc đều có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế EEZ mà không phân biệt đảo, đá đó phù hợp quy định chế độ đảo của UNCLOS hay không. Theo UNCLOS, chỉ những đảo phù hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng mới được hưởng chế độ pháp lý của đảo như lãnh thổ đất liền. Còn về quần đảo thì UNCLOS không diễn giải. Nhưng điểm đáng lo ngại ở đây là nếu trong vùng đặc quyền kinh tế của các đảo đó có một đảo khác thì đảo này sẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc và lại tiếp tục được hưởng chế độ pháp lý đảo như lãnh thổ đất liền. Việc “nối chủ quyền” này đã dẫn tới kết quả là không chỉ những đảo của các nước khác nằm trong khu vực 200 hải lý xung quanh các đảo của Trung Quốc sẽ bị Trung Quốc coi là đảo của mình một cách trắng trợn, hơn thế nữa ranh giới “đường lưỡi bò” cũng sẽ được mở rộng hơn 80% Biển Đông và thậm chí chỉ cách một số bờ biển của các nước Philippines, Việt Nam… vài chục km.

Cùng với yêu sách chủ quyền trên EEZ như ở trên thì sau này, nếu Trung Quốc chiếm được Biển Đông thì các yêu sách này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các nước khác. Lúc đó, bất cứ một quốc gia nào đi qua biển Đông sẽ phải xin phép Trung Quốc và biết đâu, với tham vọng vô bờ bến của mình, Trung Quốc sẽ còn thu phí hàng hải trên biển Đông. Không chỉ dừng lại ở đó, nếu Trung Quốc và các nước trong khu vực xung đột thì thậm chí Trung Quốc có thể cấm các nước này lưu thông qua EEZ của mình và biển Đông sẽ bị khóa chặt. Các tuyến giao thông hàng hải của Việt Nam và các nước khác qua biển Đông sẽ phải đóng cửa và thậm chí là cả đường hàng không.

Trung Quốc có thể diễn giải sai lệch về chế độ các đảo là do Điều 121 của UNCLOS chỉ quy định về đảo chứ không có quy định về quần đảo. Thứ hai là do sự thiếu thống nhất của các nước về việc xác định thế nào là bãi đá và thế nào là đảo. Có thể thấy rằng có nhiều điểm mâu thuẫn giữa chính luật nội địa của Trung Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như giữa những tuyên bố và hành động của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc cản trở các hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi đá nửa nổi nửa chìm hoặc chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển khi thủy triều lên mà họ bồi lấp thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa đang vi phạm các quy chế dành cho các thực thể, cấu tạo trên biển theo Phần III của UNCLOS bởi các cấu trúc này không được hưởng bất cứ quy chế nào về các vùng biển. Theo đó, Trung Quốc đã vi phạm các Khoản 3, Khoản 5, Khoản 7, Khoản 8 thuộc Điều 60 của UNCLOS quy định đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong việc tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các công trình trên biển.

Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ. Ba là, Trung Quốc vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Trung Quốc còn vi phạm Điều 208 UNCLOS về ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển.

Từ những vấn đề trên cho thấy, để thực hiện âm mưu độc chiếm và bá quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã cố tình viện dẫn sai các quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời tìm cách ngụy biện cho những hành vi sai trái của mình. Hành động này của Trung Quốc không qua mắt được cộng đồng quốc tế. Do đó, Trung Quốc cần có liêm sỉ và chấm dứt ngay những hành vi trên, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới