Hoàn Cầu Thời Báo không xác nhận cũng chẳng phủ nhận thông tin máy bay săn ngầm triển khai trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng cho biết việc này là để đối phó lại các mối đe dọa từ Mỹ.
Các hình ảnh vệ tinh của công ty ImageSat International công bố ngày 13-5 cho thấy các máy bay quân sự Trung Quốc đang đậu trên đường băng ở Đá Chữ Thập của Việt Nam – Ảnh: TWITTER
Trong bản tin ngày 14-5, tờ báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biện hộ rằng các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực là nguyên nhân khiến Bắc Kinh phải triển khai máy bay quân sự đối phó.
Truyền thông Đài Loan trước đó cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đã đưa máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW & C) KJ-200 cùng máy bay tuần tra hàng hải KQ-200 ra Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
KJ-200 nổi bật với “cây nấm” là rađa trên lưng trong khi KQ-200 còn được biết đến với tên gọi Y-8 và có khả năng săn ngầm.
Bắc Kinh đã chiếm đóng bất hợp pháp Đá Chữ Thập và ngang nhiên cải tạo thành tiền đồn quân sự trong khu vực bất chấp phản đối quốc tế.
Các bức ảnh vệ tinh trước đây cho thấy nhà chứa máy bay gần đường băng trên Đá Chữ Thập đã được lắp đặt máy điều hòa không khí, một dấu hiệu cho thấy việc sẵn sàng tiếp nhận máy bay quân sự ra đồn trú.
Truyền thông Đài Loan cảnh báo việc Trung Quốc đưa máy bay ra Trường Sa có thể là dấu hiệu Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự hành động đơn phương năm 2013 trên biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có quan điểm cứng rắn của Trung Quốc đã lập tức hạ thấp các suy đoán và khẳng định việc đưa máy bay ra Chữ Thập (nếu có) là để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ quân đội Mỹ.
Tờ báo của chính quyền Bắc Kinh còn dẫn lời một chuyên gia quân sự trong nước khẳng định việc triển khai máy bay như vậy là “phù hợp với luật pháp quốc tế” bởi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều sự đe dọa từ nước khác.
Đây đều là những quan điểm đã được Trung Quốc ra rả phát đi trong suốt thời gian qua và là một phần trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Bắc Kinh đã nhiều lần mô tả Mỹ là một nước bên ngoài khu vực đồng thời kêu gọi “chuyện Biển Đông hãy để các nước quanh Biển Đông giải quyết”. Trung Quốc cũng tuyên truyền việc nước này đưa vũ khí ra các thực thể trong khu vực là hậu quả từ sự can thiệp của Mỹ hòng tạo tiếng nói phản đối Washington hiện diện trên Biển Đông.
Đáp lại, hải quân Mỹ tuyên bố họ có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuyến đường giao thương quan trọng của thế giới. Nhiều quốc gia khác cũng đã thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông.