Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Hổ lớn” sa lưới: Cuộc chiến chống tham nhũng của TQ được...

“Hổ lớn” sa lưới: Cuộc chiến chống tham nhũng của TQ được hâm nóng sau COVID-19

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (12/5) đã phát đi một thông báo rằng ông Hồ Vấn Minh, cựu Bí thư đang ủy và cựu Chủ tịch của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC), bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Theo thông tin trên, ông Hồ Vấn Minh từng giữ chức Bí thư đang ủy và Chủ tịch của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC), nơi đã đóng tàu sân bay Liêu Ninh. Hiện ông Hồ Vấn Minh đang trải qua quá trình điều tra và giám sát kỷ luật bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nước này.

Sơ yếu lý lịch công khai cho thấy, ông Hồ Vấn Minh sinh tháng 5/1957, ở Dương Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, chuyên ngành khoa học quản lý và kỹ thuật, có bằng tiến sĩ và là nhà nghiên cứu kiêm kỹ sư cao cấp. Ông Hồ từng công tác tại Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp vũ khí quân sự Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Hồ đã giám sát sự phát triển của tàu Liêu Ninh – khí tài được cải tạo từ một tàu cũ mua của Ukraine và tàu Sơn Đông – tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc gia nhập biên chế vào tháng 12/2019. Tàu Sơn Đông được phát triển dựa trên tàu Liêu Ninh. Được biết, CSIC bị sáp nhập vào Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc từ năm ngoái. Tập đoàn này là một doanh nghiệp siêu lớn đặt dưới sự quản lý của Quốc Vụ viện Trung Quốc. Nó đảm nhận một loạt các nhiệm vụ từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất, thử nghiệm các loại vũ khí và thiết bị hải quân như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm thông thường, tàu mặt nước và vũ khí dưới nước. Hiện đơn vị này cũng đang chế tạo các tàu khác cho Hải quân Trung Quốc như tàu khu trục Type 055 và tàu tấn công đổ bộ Type 075. 

Sự việc xảy ra sau hơn 1 năm kể từ khi đơn vị mà ông Hồ từng lãnh đạo vướng vào nghi vấn làm lộ thông tin mật về tàu sân bay Liêu Ninh. Ông Hồ Vấn Minh là cán bộ cấp trung thứ 4 của Trung Quốc bị điều tra và là cán bộ cấp tỉnh đầu tiên bị điều tra trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước trong năm nay. Ba người trước đó đã bị điều tra đều bị “ngã ngựa” vào tháng trước gồm Ủy ban Thường vụ tỉnh ủy Phúc Kiến, Phó tỉnh trưởng Trương Chí Nam; Ủy viên Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân; Nguyên Ủy ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Bắc, Phó tỉnh trưởng Trương Hòa.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trọng Bình, vụ việc liên quan đến ông Hồ sẽ không có ảnh hưởng lớn đến các chương trình vũ khí của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, mỗi dự án quân sự đều liên quan đến nhiều đơn vị và CSIC chỉ chịu trách nhiệm về chiến lược toàn diện chung.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 13/5 nhận định, thông tin Hồ Vấn Minh bị ngã ngựa ngoài việc cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục chống tham nhũng mạnh mẽ trong năm 2020, cũng bộc lộ một cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Trong vài năm trở lại đây, đã có nhiều quan chức của CSIC bị bắt và xử lý do tham nhũng và vi phạm pháp luật. Tháng 9/2018, Kim Đào, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu 712 của CSIC và cựu Phó giám đốc của Viện nghiên cứu 704, đã bị điều tra. Ngày 24/12 cùng năm, Bốc Kiến Kiệt, Đảng ủy viên và Viện trưởng Viện nghiên cứu 718 của CSIC, đã bị điều tra xem xét vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Trước đó, Tôn Ba, cựu Phó Bí thư, Tổng giám đốc của CSIC, đã bị điều tra vào tháng 6/2018, bị khai trừ Đảng và bãi chức vào tháng 12 cùng năm và bị bắt vào tháng 1/2019. Theo thông báo, Tôn Ba “đã gian dối và làm tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước; che giấu sự thật và lừa dối tổ chức khi bị thanh tra; lý tưởng và niềm tin đã bị lung lay và thực hiện các hoạt động mê tín phong kiến trong một thời gian dài”. Ngày 4/7/2019, Tôn Ba đã bị kết án 12 năm tù vì lạm dụng chức quyền và nhận hối lộ. Theo thông tin chính thức được đưa ra bởi Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Thượng Hải, vụ án Tôn Ba liên quan đến bí mật nhà nước nên được xử kín.

Sau khi Tôn Ba bị ngã ngựa, hãng Sputnik Nga đã đưa tin sau khi hoàn thành việc hoán cải tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc, Tôn Ba, Tổng giám đốc của CSIC, người phụ trách việc đóng tàu, đã đem các thông tin bí mật như thiết kế và thông số kỹ thuật của Liêu Ninh bán cho CIA trong vài năm qua. Sau đó, tờ South China Morning Post cũng dẫn lời các nguồn tin cho biết Tôn Ba bị nghi ngờ rò rỉ tài liệu mật của tàu sân bay Liêu Ninh cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Bài báo nói rằng vụ án Tôn Ba liên quan đến rất nhiều bí mật, vì vậy Trung Quốc không thể tiết lộ chi tiết. Theo phân tích của truyền thông, sự ngã ngựa của Tôn Ba có thể liên quan đến chất lượng của chiếc hàng không mẫu hạm. Việc cải tạo tàu sân bay Liêu Ninh và thiết kế và chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên đều được thực hiện bởi Tôn Ba, nhưng cả hai tàu sân bay đều bị phát hiện có vấn đề về chất lượng. Một tháng trước khi Tôn Ba bị quật ngã, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh vừa hoàn thành thử nghiệm trên biển đầu tiên. Trong hai tháng sau khi Tôn Ba bị đổ, CSIC ngày 22/8/2018 đã đưa ra cáo phó: “Hoàng Quần, Viện phó Viện nghiên cứu 760 Đại Liên, Tống Nguyệt Tài, người phụ trách cơ sở thử nghiệm và Khương Khai Bân, Giám đốc cơ khí và điện cơ sở thử nghiệm, đã bị chết đuối ngày 20/8/2018”.

Mặc dù cơn bão “đả Hổ” từ sau Đại hội toàn quốc 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến thế giới bên ngoài nhận thức được mức độ và quy mô cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, nhưng tham nhũng trong lĩnh vức công nghiệp quân sự đặc biệt đáng cảnh giác. Chống tham nhũng ban đầu vốn là một cách để chỉnh đốn chính trị, nhưng ngành công nghiệp quân sự liên quan đến an ninh quốc gia. Sự cám dỗ sẽ kích thích tham nhũng và không nên xem nhẹ các vụ án riêng rẽ.

Giai đoạn trước đây, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung thúc đẩy điều tra rộng khắp, cử các điều tra viên đến khắp nơi, thành lập các cơ quan giám sát cán bộ trong nội bộ chi ủy. Tuy nhiên, các mục tiêu quan chức cấp cao không còn nhiều nên thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung vào các quan chức cấp địa phương hoặc cơ sở. Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ chậm lại và trở thành một hình thức giám sát thường lệ. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dựa nhiều vào những phương tiện như Nhóm kiểm tra Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và những cơ quan chống tham nhũng trực thuộc Viện Kiểm sát và Chính phủ để giám sát không chỉ đảng viên mà còn tất cả cán bộ, công chức; tăng cường lãnh đạo thống nhất tập trung của Đảng đối với công tác chống tham nhũng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung xét xử những cán bộ lãnh đạo “không dừng lại, không thu tay, tập trung đầu mối vấn đề, bị quần chúng phản ứng gay gắt, hiện giữ cương vị lãnh đạo quan trọng, có thể còn muốn được đề bạt sử dụng”; xét xử nghiêm túc những hành vi dùng lợi ích để kết bè kéo cánh, xây dựng ảnh hưởng cá nhân trong đảng, kết thành nhóm lợi ích, xét xử  nghiêm túc những “kẻ hai mặt” không trung thành, không thành thật, bằng mặt mà không bằng lòng với đảng, vấn đề làm trái với đường lối chính trị của đảng, phá hoại môi trường chính trị trong đảng. 

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng sẽ tập trung xử lý, bắt giữ và điều tra, trừng trị tham nhũng vặt đối với các quan chức địa phương nhằm bảo vệ thiết thực cho lợi ích của quần chúng và làm thay đổi tác phong của cán bộ ở cơ sở và cải thiện môi trường chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân, giữa cán bộ với dân, tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Trung ương Đảng. Trong năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc sẽ liên tục triển khai xử lý tập trung vấn đề tham nhũng và xây dựng tác phong trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tiến hành bảo đảm vững chắc cho người dân nông thôn Trung Quốc thoát nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành vào năm 2020. Theo đó, trọng điểm triển khai lần này vừa có vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, vừa có vấn đề thực hiện thiếu hiệu quả trách nhiệm liên quan. Điều đáng chú ý là các vấn đề như chống chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, quyết sách mù quáng, cách làm dối trá, thoát nghèo bằng con số… cũng sẽ trở thành trọng điểm công tác.

RELATED ARTICLES

Tin mới