Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHoạt động của TQ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Hoạt động của TQ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị

Hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel công bố ảnh chụp đề ngày 9/5 cho thấy các máy bay do thám KJ-500 và KQ-200, cùng một trực thăng Z-8 của Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Theo thông tin trên, ngày 13/5, ISI của Israel công bố ảnh chụp đề cho thấy máy bay do thám KJ-500, KQ-200 và trực thăng Z-8 của Trung Quốc xuất hiện trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. ISI cho biết các máy bay này, thuộc loại thu thập tình báo, giám sát và do thám (ISR), được đưa ra khỏi kho chứa và đậu ở bên ngoài “trong kế hoạch tăng sự sẵn sàng của Trung Quốc, có thể do hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực”. ISI cũng nhận định “sự xuất hiện liên tiếp của những máy bay này, được ISI phát hiện và công bố ngày 20/4, ở Đá Chữ thập cho thấy nơi này đang được Trung Quốc dùng làm căn cứ cho hoạt động do thám máy bay trong khu vực”. Các bức ảnh vệ tinh trước đây cho thấy nhà chứa máy bay gần đường băng trên Đá Chữ Thập đã được lắp đặt máy điều hòa không khí, một dấu hiệu cho thấy việc sẵn sàng tiếp nhận máy bay quân sự ra đồn trú.

Trong khi đó, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc không xác nhận cũng chẳng phủ nhận thông tin máy bay săn ngầm triển khai trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng cho biết việc này là để đối phó lại các mối đe dọa từ Mỹ. Tờ báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biện hộ rằng các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực là nguyên nhân khiến Bắc Kinh phải triển khai máy bay quân sự đối phó. Tờ báo của chính quyền Bắc Kinh còn dẫn lời một chuyên gia quân sự trong nước khẳng định việc triển khai máy bay như vậy là “phù hợp với luật pháp quốc tế” bởi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều sự đe dọa từ nước khác.

Truyền thông Đài Loan trước đó cũng cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đã đưa máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW & C) KJ-200 cùng máy bay tuần tra hàng hải KQ-200 ra Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. KJ-200 nổi bật với “cây nấm” là rađa trên lưng trong khi KQ-200 còn được biết đến với tên gọi Y-8 và có khả năng săn ngầm; đồng thời cảnh báo việc Trung Quốc đưa máy bay ra Trường Sa có thể là dấu hiệu Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự hành động đơn phương năm 2013 trên biển Hoa Đông.

Hãng tin Mỹ Benar News chuyên theo dõi thông tin liên quan đến vùng Đông Nam Á đã trích lời ông Sean O’Connor, chuyên gia phân tích chính của chuyên san quốc phòng Anh, cho rằng việc phi cơ tuần thám Trung Quốc được phát hiện trên Đã Chữ Thập hai lần trong vòng một tháng có thể là dấu hiệu là Trung Quốc bắt đầu cho đặt căn cứ không quân trên Đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, theo chuyên san Jane’s, một ảnh vệ tinh khác chụp hôm 03/05 vừa qua đã từng cho thấy một chiếc máy bay có hình dáng giống phi cơ vận tải quân sự Y-8 hay phi cơ tuần tra biển KJ-200, hai loại máy bay rất khó phân biệt khi nhìn từ vệ tinh xuống. Theo giới phân tích, các diễn biến trên đây là dấu hiệu mới nhất về nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng các căn cứ trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp tại Trường Sa để kiểm soát toàn bộ Biển Đông, hỗ trợ cho các hoạt động trên biển nhắm vào các nước láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc đưa máy bay quân sự đến Đá Chữ Thập còn nhằm củng cố cho một biện pháp hành chánh mới được Bắc Kinh đưa ra, thành lập hai quận đảo trực tiếp quản lý Biển Đông, trong đó có quận “Nam Sa”, cai quản vùng Trường Sa, mà thủ phủ được đặt tại Đá Chữ Thập.

Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải, Đại học Hải chiến Mỹ) nhận xét. “việc triển khai máy bay trinh sát, cảnh báo sớm ở quần đảo Trường Sa là cách Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát “mọi động tĩnh” ở Biển Đông, đồng thời hậu thuẫn cho số tàu dân binh của nước này đang hoạt động tại đây”. Hành động này là bước chuyển mới bởi máy bay được triển khai là của hải quân chứ không phải không quân. Bởi máy bay của hải quân có thể cộng hưởng sức mạnh tốt hơn khi hoạt động cùng các lực lượng khác của hải quân. Từ những thực tế vừa qua, có thể Trung Quốc sẽ sớm triển khai máy bay hải quân hoạt động cùng lúc với các tàu chiến ở Biển Đông. Mà cụ thể là Bắc Kinh có thể dùng máy bay trinh sát của hải quân để “mở đường” cho tàu sân bay hoạt động tại vùng biển này.

Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng KJ-500 là dòng máy bay quân sự cho phép Bắc Kinh dễ dàng nhận diện máy bay hoặc tàu chiến nổi từ xa. Thậm chí, loại máy bay này còn có thể phát hiện tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp. Khi được triển khai ở bãi đá Chữ Thập thì KJ-500 có thể hoạt động rộng khắp, ngay cả vùng ngoài rìa của Biển Đông, để Trung Quốc dễ dàng kiểm soát cả một khu vực rộng lớn. Bên cạnh đó, máy bay KJ-500 có thể giúp hải quân Trung Quốc “che giấu” các tàu ngầm hoạt động trong vùng biển. Ông Nagao phân tích và cảnh báo “không chỉ sử dụng cho công tác phòng thủ, loại máy bay này còn có thể được triển khai hỗ trợ tấn công, nên sẽ trở thành mối đe dọa cho các quốc gia xung quanh Biển Đông”. Ngoài ra, việc Bắc Kinh triển khai máy bay săn ngầm KQ-200 đến bãi đá Chữ Thập, là một động thái nhằm kiểm soát khu vực bên dưới mặt nước, cụ thể là hậu thuẫn để tàu ngầm Trung Quốc có thể nắm thông tin tàu ngầm của các nước khác trong khu vực. Điều này nhằm điều động tàu ngầm đến khu vực phục vụ cho mưu đồ độc chiếm vùng biển, hình thành một vành đai tàu ngầm, thậm chí có thể mang theo cả tên lửa hạt nhân. Để có thể bảo vệ tàu ngầm của Trung Quốc, Bắc Kinh muốn giám sát được tàu ngầm các nước khác, vì một trong các khắc tinh của tàu ngầm cũng chính là tàu ngầm. Thực tế thời gian qua, nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang âm mưu điều động tàu ngầm hoạt động mạnh mẽ ở Biển Đông. Bên cạnh đó, như đã nói, theo hình ảnh của ISI thì còn có cả trực thăng tác chiến đa nhiệm Z-8. Đây là loại trực thăng được nhiều loại tàu chiến cũng như tàu hải cảnh Trung Quốc mang theo. Trực thăng Z-8 được trang bị nhiều loại tên lửa tấn công tàu chiến hoặc ngư lôi dùng để tấn công tàu ngầm. Loại trực thăng này có thể được triển khai tác chiến khẩn cấp đến các vùng biển xung quanh căn cứ của Trung Quốc. Do đó, khi triển khai Z-8 cùng với các loại máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay săn tàu ngầm KQ-200, thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang muốn thiết lập một vành đai kiểm soát toàn diện từ tầm xa đến tầm gần, cả trên mặt nước lẫn trong lòng biển.

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (14/5) khẳng định: “Về thông tin hình ảnh máy bay do thám của Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tôi xin khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Bên cạnh đó, về thông tin tàu dân binh và tàu cá của Trung Quốc đang tập trung tại Đá Ba Đầu, Én Đất với số lượng lớn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng, hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình an ninh và ổn định tại Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới