Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngChuyên gia Damen Cook: Căn cứ Du Lâm trong chiến lược hải...

Chuyên gia Damen Cook: Căn cứ Du Lâm trong chiến lược hải quân của TQ

Căn cứ tàu ngầm đảo Hải Nam là một căn cứ quân sự được người ta cho là phục vụ cho tàu ngầm của Hải quân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Căn cứ này nằm ở bờ đông của đảo Hải Nam, thuộc hạm đội Nam Hải, có các cửa vào cho tàu ngầm với chiều rộng hơn 23 m. Đây là một trong những căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất của Trung Quốc nhằm phục vụ âm mưu thôn tính Biển Đông.

Trong chiến lược của Hải quân Trung Quốc nói chung, Hạm đội Nam Hải nói riêng, Biển Đông giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để triển khai chiến lược thâu tóm Biển Đông, Trung Quốc đã tập trung phát triển căn cứ Du Lâm. Các trang bị khí tài, các vị trí phòng thủ đã được triển khai và sẵn sàng hoạt động – bao gồm các văn phòng hành chính, hệ thống kho đạn dược, các công sự, lô cốt … Hầu hết lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc đã ẩn mình sâu trong các dãy núi. Nhờ sự kết hợp của các hạm tàu mặt nước, các tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không, cũng như các tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân, giá trị chiến lược của căn cứ Du Lâm ngày càng tăng lên. Trên cơ sở đó, Trung Quốc cũng ngày càng phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và các tuyến đường biển xung quanh.

Về mặt chiến lược, căn cứ Du Lâm là sự bổ sung hoàn hảo cho các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Các hòn đảo nhân tạo đều được trang bị vũ khí, khí tài để thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) để ngăn cản hoặc kìm chân Mỹ nếu nước này tiến vào phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa lớp Tấn ở căn cứ Du Lâm có thể ngăn cản Mỹ tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân, cũng như ngăn cản bất cứ cuộc xung đột nào. Cuối cùng, Du Lâm không chỉ có các tàu ngầm hạt nhân, mà còn có các hạm tàu mặt nước, tàu ngầm tấn công thông thường, thậm chí là cả tàu sân, buộc lực lượng hải quân các nước khác trong khu vực phải dè chừng các hành động hung hăng của Trung Quốc và chịu đựng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Nhiệm vụ kép của Du Lâm – ngăn chặn phương Tây và cưỡng chế các nước còn lại – càng làm tăng giá trị chiến lược của căn cứ này.

Phía Đông căn cứ Du Lâm là một bến cảng nhân tạo được bảo vệ cẩn mật, với cơ sở hạ tầng quân sự rộng hơn 25 km2. Căn cứ này có thể trú đóng các tàu ngầm và tàu mặt nước (cùng hầu hết các trang thiết bị cần thiết), các hệ thống vũ khí phòng thủ, các phương tiện vận chuyển và kho bãi đạn dược, cùng các trụ sở hành chính phục vụ cho công tác chỉ huy quân sự. Việc xây dựng căn cứ này đã được bắt đầu vào năm 2000 và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Khu phức hợp quân sự kéo dài này cho thấy gần 20 năm nỗ lực của Trung Quốc. Địa thế tự nhiên của vịnh Tam Á đã bảo vệ cho căn cứ này bằng một ngọn núi hùng vĩ. Trung Quốc đã không bỏ qua lợi thế này khi tận dụng ngọn núi thành nơi ẩn giấu các vũ khí răn đe hạt nhân.

Ngoài những thành lũy tự nhiên và các công sự nhân tạo, căn cứ Đông Du Lâm có một loạt các vũ khí phòng thủ diện và điểm. Có ít nhất 05 trận địa tên lửa đất đối không được bảo vệ kiên cố trong công sự. Hai trận địa có kích thước khoảng 55m, trong khi ba trận địa còn lại có kích thước lên đến 78m, cho thấy hai loại tên lửa khác nhau đã được triển khai để tạo thành lưới hỏa lực nhiều tầng bảo vệ căn cứ Du Lâm. Để chống lại các mối đe dọa từ hướng biển, các tên lửa hành trình chống hạm được bố trí nằm dọc lối ra vào đường hầm dành cho tàu ngầm. Các ống phóng tên lửa dài khoảng 7m, là quá ngắn so với các tên lửa chống hạm C-802/YJ-83 (Ưng Kích 83). Do vậy, các chuyên gia dự đoán các bệ phóng này là để triển khai tên lửa chống hạm C-801/YJ-8 (Ưng Kích 8). Loại tên lửa này có tầm bắn ngắn hơn, nên sẽ phù hợp hơn để triển khai ở vai trò này. Có lẽ, Trung Quốc cũng không quá ưu tiên nâng cấp các bệ phóng này, mà chỉ bổ sung cho chúng bằng các đơn vị tên lửa phòng thủ bờ biển cơ động trên xe vận tải hạng nặng. Phòng thủ các căn cứ và kiểm soát tuyến đường biển xung quanh bằng tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm là một chiến lược được Trung Quốc thường xuyên sử dụng, không chỉ với căn cứ Du Lâm, mà còn với các đảo nhân tạo nhỏ hơn trên Biển Đông.

Tài sản có giá trị cao nhất của căn cứ Du Lâm là tàu ngầm (và các hạ tầng liên quan). Căn cứ hải quân này có 4 cầu tàu có khả năng kết nối với bất cứ tàu ngầm nào của Hải quân Trung Quốc – bao gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy trên các cầu tàu đã xuất hiện hoạt động vận chuyển vũ khí, nhưng vẫn còn nhiều suy đoán rằng liệu việc triển khai vũ khí có diễn ra bên trong các cơ sở ngầm dưới lòng đất hay không. Dĩ nhiên, hầm ngầm không phải là một địa điểm lý tưởng để đưa vũ khí lên tàu ngầm, vì một vụ nổ bất ngờ trong không gian kín như vậy sẽ cực kì nguy hiểm. Tuy nhiên, trong tình huống chiến tranh, hoặc trong nỗ lực bảo vệ bí mật quan trọng, Trung Quốc có thể chấp nhận nguy cơ này và triển khai vũ khí bên trong cơ sở ngầm dưới mặt đất.

Lối vào duy nhất của cảng ngầm trong lòng núi dành cho tàu ngầm là một đường hầm ngập nước rộng 16m, rộng hơn 3m so với đường hầm tại căn cứ hải quân Khương Các Trang (Thanh Đảo), của Hạm đội Biển Bắc Trung Quốc. Cần lưu ý rằng căn cứ Khương Các Trang là nơi đóng quân của các tàu ngầm lớn nhất của hải quân Trung Quốc, bao gồm cả các tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (kiểu 094). Các tàu ngầm lớp Tấn hiện là những tàu ngầm duy nhất của Trung Quốc có thể mang tên lửa đạn đạo liên lục đại (ICBM) – với 12 đạn tên lửa trên mỗi tàu, là sức mạnh răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc chỉ có kế hoạch chế tạo sáu tàu ngầm lớp Tấn, nhưng so với mức tối thiểu cần thiết để duy trì khả năng tấn công đáp trả của hải quân, thì Trung Quốc sẽ cần có một lớp tàu ngầm hạt nhân mới trong thập kỉ tới (dự kiến là lớp Đường). Dĩ nhiên, với đường hầm rộng hơn, căn cứ Du Lâm đã được quy hoạch không chỉ để là tổng hành dinh lực lượng tàu ngầm Hạm đổi Nam Hải, mà rộng ra còn là để thay thế căn cứ Khương Các Trang để trở thành căn cứ chính của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.

Mặc dù chức năng chính của căn cứ Đông Du Lâm là dành cho các tàu ngầm hạt nhân, nhưng căn cứ này cũng là một cơ sở cho các hạm tàu mặt nước của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa. Dọc theo phía bắc vịnh Tam Á là hai cầu tàu, cho phép tiếp nhận tất cả các tàu mặt nước của Hải quân Trung Quốc. Với chiều dài ước tính gần 1km, các cầu tàu này có thể tiếp nhận đồng thời 16 tàu khu trục – và một số lớn hơn nhiều các tàu hộ tống, tàu frigate cỡ nhỏ hơn. Cách đó vài km về phía Tây, Trung Quốc cũng đã xây dựng các cầu tàu có thể tiếp nhận hai tàu sân bay. Căn cứ cho tàu ngầm được gọi là Đông Du Lâm, còn cầu cảng cho tàu nổi và sân bay là Tây Du Lâm.

Về phòng thủ diện rộng, có lẽ Trung Quốc sẽ triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 mua từ Liên bang Nga. Với một căn cứ chiến lược cùng nhiều cơ sở có giá trị lớn như Du Lâm, thì việc triển khai tên lửa S-400 ở đây là rất xứng đáng. S-400 có tầm bắn xa hơn nhiều so với tên lửa phòng không HQ-9 (Hồng Kỳ 9), đồng thời có khả năng ngăn chặn các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm định tấn công vào căn cứ. Tầm bắn của S-400 cũng cho phép Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) trên biển Đông một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc triển khai một tổ hợp tên lửa phòng không với tầm bắn hàng trăm km ở Du Lâm sẽ mang ý nghĩa kiểm soát vùng trời xung quanh căn cứ, nhiều hơn là để bảo vệ căn cứ đó. Như đã lưu ý ở trên, Trung Quốc cũng đã bố trí tên lửa hành trình chống tàu gần lối vào đường hầm tàu ​​ngầm. Đây có thể là các bệ phóng tên lửa tầm ngắn (bởi kích thước của chúng), và như vậy sẽ có phần không hiệu quả trong việc răn đe các hạm tàu mặt nước hiện đại, có thể tấn công Du Lâm từ ngoài tầm bắn.

Mặc dù các vũ khí phòng thủ điểm của căn cứ Du Lâm không gây nhiều bất ngờ cho phía Hoa Kỳ, nhưng bản thân đảo Hải Nam đã được bảo vệ rất tốt. Một căn cứ quân sự liên hợp rộng lớn như Du Lâm có rất nhiều các khí tài tác chiến điện tử. Bản thân căn cứ có các máy bay chiến đấu J-11 (một bản sao chép của máy bay Sukhoi Su-27 Flanker của Nga), cũng như có thể được chi viện từ các sân bay khác của Không quân Trung Quốc.

Tàu ngầm tấn công và các nhóm tàu sân bay tấn công được tập hợp tại Du Lâm sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện bành trướng sức mạnh, đặc biệt phù hợp với các đối tượng là các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu ngầm cho nhiệm vụ chống tàu nổi, đây là chiến thuật lý tưởng cho kế hoạch kiểm soát trên biển. (Trên thực tế, gần 2/3 lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc được trang bị đặc biệt để đánh chìm tàu của đối phương thay vì tấn công các mục tiêu trên mặt đất hoặc săn đuổi các tàu ngầm khác).

Trong tương lai, khi triển khai các nhóm tàu sân bay tấn công từ Du Lâm, Trung Quốc muốn nhắc nhở các đối thủ rằng Bắc Kinh có thể tấn công các thành phố và bắn hạ các máy bay của họ. Bắc Kinh sẽ gây áp lực cưỡng chế lên các lực lượng hải quân ở Đông Nam Á trên Biển Đông. Các tàu ngầm tấn công và tàu chiến gây áp lực lên các lực lượng hải quân khu vực, còn tàu ngầm lớp Tấn ở Du Lâm sẽ đảm bảo khả năng tấn công hạt nhân của Trung Quốc. Do đó, căn cứ Du Lâm – khu liên hợp hải quân đang phát triển mạnh mẽ trên Biển Đông, trở thành một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Căn cứ này đặc biệt quan trọng cho nhiệm vụ: bành trướng sức mạnh trong khu vực và chiến lược răn đe hạt nhân toàn cầu. Các tàu trên mặt nước và các tàu ngầm tấn công của Du Lâm sẽ tăng cường vị thế của Trung Quốc trên các tuyến thương mại quan trọng trong khu vực và ép buộc các nước láng giềng phải chấp nhận yêu sách “Đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới