Trong bối cảnh diễn biến tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng và Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực, Trung Quốc (11/5) đã hạ thủy tàu khu trục Type 055 thứ 7 nhằm cải thiện năng lực tác chiến của Hải quân.
Theo thông tin trên, tàu khu trục Type 055 thứ 7 được đóng tại nhà máy đóng tàu Trường Hưng – Giang Nam ở Thượng Hải. Đây là chiếc Type 055 thứ hai được hạ thủy trong năm nay, chiếc đầu tiên đã hạ thủy hồi tháng 1 và là tàu chiến đầu tiên Trung Quốc hạ thủy trong năm 2020.
Lớp Type 055 dài 180 mét, rộng 20 mét, là thiết kế phát triển từ lớp tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Type 052D Lữ Dương III, nhưng lớn hơn một phần ba, lượng giãn nước hơn 10.000 tấn . Với kích thước của nó, phương Tây đã xếp Type 055 vào loại tàu tuần dương (CG) chứ không phải khu trục. Vũ khí chính của Type 055 bao gồm 112 hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) có khả năng phóng các loại tên lửa đối không tầm trung và tầm xa, tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Xét về các tên lửa hành trình chống hạm của tàu Type 055, nhiều trong số này được nói là có tốc độ và tầm bắn ngang ngửa với các loại đang được trang bị cho tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ. Ví dụ tên lửa hành trình YJ-18 với tầm bắn 540km, tốc độ Mach 3, tên lửa cận âm YJ-100 chậm hơn nhiều nhưng với tầm bắn tới 1.000km. Các loại vũ khí hiện đại có thể được trang bị trong tương lại là súng điện từ, tên lửa hành trình siêu thanh JY-XX.
Theo đánh giá từ phía Trung Quốc, chiếc Type 055 thứ 8 cũng sẽ được hạ thủy trong năm nay. Dự kiến năm 2023, cả 8 tàu lớp tàu sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ. Các tàu Type 055 này sẽ được đưa vào đội hình chiến đấu phối hợp cùng với tàu sân bay của hải quân Trung Quốc, điều này khiến cho sức mạnh của đội tàu này trở nên rất đáng gờm kể cả đối với Nga hay Mỹ. Trong tương lai, các tàu chiến lớp Type 055 được đóng lô thứ 2 sẽ cố thêm nhiều cải tiến về vũ khí hơn nữa, càng nâng cao thêm nữa sức mạnh của biên đội tàu sân bay Trung Quốc, có thể sẽ tạo ra một bước chuyển mình rất lớn.
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt của Trung Quốc nhận định, Type 055 sẽ đóng vai trò như một “phương tiện hộ tống mạnh mẽ” cho các tàu sân bay; đồng thời cho rằng con tàu này “rất linh hoạt”, có thể dẫn đầu một biệt đội mà không cần tàu sân bay, để thực hiện “nhiều loại hình nhiệm vụ”. Chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết, bên cạnh các tàu sân bay, đây là “tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc hiện nay”. Trước đó, trong bản báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm ngoái, Cơ quan tình báo Quốc phòng Mỹ nhận định “một khi đi vào hoạt động, Type 055 sẽ là một trong những lớp tàu tiên tiến nhất và mạnh nhất trên thế giới, trang bị một loạt các loại vũ khí hiện đại và các cảm biến nội địa”.
Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đã hạ thủy thêm 5 chiếc Type 055 nữa tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Giới phân tích dự đoán Trung Quốc có thể phát triển một phiên bản nâng cấp khác của Type 055, trang bị các công nghệ vũ khí tiên tiến nhất như pháo ray điện từ.
Những năm gần đây, tốc độ và trình độ chế tạo, sản xuất tàu chiến của Trung Quốc đang ngày càng được cải thiện. Từ năm 2013 đến 2018, Trung Quốc đã đóng mới và đưa vào biên chế 77 tàu chiến các loại, từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khinh hạm, tàu hậu cần. Con số đó chưa bao gồm các tàu đang được thử nghiệm trên biển và sẽ sớm gia nhập hải quân Trung Quốc trong 1, 2 năm tới. Trong đó, năm 2016, Trung Quốc đã biên chế đưa vào sử dụng 25 tàu chiến, tàu hộ vệ hoạt động trên mặt nước, trong đó có 1 tàu khu trục, 3 tàu khu trục loại nhỏ, 7 tàu hộ vệ, 2 tàu phá mìn, 5 tàu đổ bộ, 3 tàu tiếp dầu, 2 tàu phá băng và 2 tàu địa lý thủy văn. Năm 2017, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tổng cộng 17 tàu chiến mới, ít hơn năm 2016 (không tính đến tàu ngầm), gồm: 2 tàu khu trục lớp 052D có trọng tải 7.000 tấn gồm tàu Tây Ninh số hiệu 117 và tàu Hạ Môn số hiệu 154; 2 tàu khu trục loại nhỏ (khinh hạm) lớp 054A có trọng tải 4.053 tấn gồm tàu Vu Hồ số hiệu 539 và tàu Hứa Xương số hiệu 536; 8 tàu hộ vệ chống tàu ngầm lớp 056A có trọng tải 1.340 tấn gồm các tàu mang các số hiệu 514, 551, 552, 553, 520, 556, 518, 535; 1 tàu tiếp dầu Hồ Hô Luân lớp 901 số hiệu 965 (trọng tải 50.000 tấn); 1 tàu đặt cọc tiêu quân sự lớp 744A (trọng tải 1.750 tấn); 1 tàu huấn luyện Thích Kế Quang lớp 927 số hiệu 83 (trọng tải 9.000 tấn); 1 tàu kéo ngoài khơi (trọng tải 6.000 tấn); 1 tàu tình báo điện tử lớp 815A số hiệu 856 (trọng tải 6.000 tấn).
Trong khi đó, Hiệp hội ngành đóng tàu quốc gia Trung Quốc mới cho biết nước này vẫn giữ vững vị trí đứng đầu trong lĩnh vực đóng tàu toàn cầu năm 2018. Cụ thể, số tàu mà các công ty của Trung Quốc đóng được trong năm 2018 chiếm 43,2% tổng số tàu được đóng mới trên thế giới, tăng so với tỷ trọng 41,9% được ghi nhận năm 2017, qua đó củng cố vị trí dẫn đầu của nước này trong lĩnh vực đóng tàu toàn cầu. Cũng trong năm 2018, Trung Quốc nhận được 43,9% lượng đơn đặt hàng mới và đang nắm giữ 42,8% số đơn đang thực hiện trên toàn cầu.