Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHuawei và Apple trong cuộc chiến Mỹ - Trung

Huawei và Apple trong cuộc chiến Mỹ – Trung

Để đáp trả Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei và các công ty Trung Quốc khác, Trung Quốc dự định đưa các công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy” để trả đũa Washington.

Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành quy định mới nhằm hạn chế Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei mua các chất bán dẫn vốn là sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ. Quy định này đòi hỏi việc bán chip sản xuất ở nước ngoài bằng công nghệ Mỹ cho Huawei phải được Washington cho phép. Một động thái như thế sẽ khiến Huawei, hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, không thể làm ăn với hãng chip TSMC của Đài Loan. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (năm 2019) đã đưa Huawei vào “danh sách đen” do nỗi lo an ninh quốc gia, xuất phát từ cáo buộc công ty này có thể do thám khách hàng và từng vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran. Điều này đồng nghĩa Huawei bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của Washington. Dù vậy, giới chức Mỹ cáo buộc Huawei tìm cách tránh né biện pháp trừng phạt này bằng cách mua bộ phận và linh kiện được sản xuất dựa trên công nghệ Mỹ khắp thế giới.

Điều này ảnh hưởng cực lớn đến Huawei khi tương lai của công ty này lại nằm trong tay Tổng thống Donald Trump. Cách duy nhất để Huawei sử dụng những con chip mạnh mẽ cho các thiết bị cao cấp của mình là được chính quyền Trump đồng ý. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cho Huawei nhận những con chip tạo ra từ các tấm wafer đã sản xuất, miễn là chúng được xuất xưởng không quá 120 ngày kể từ 17/5/2020.

Phản ứng trước thông tin trên, Trung Quốc (16/5) đã thúc giục Mỹ chấm dứt hành động “trấn áp vô lý” nhằm vào Tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei và các công ty Trung Quốc khác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Chính phủ nước này sẽ kiên quyết ủng hộ tính hợp pháp, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc; đồng thời cáo buộc các hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ “hủy hoại nền sản xuất, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu”.

Thời báo Hoàn Cầu (15/5) cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đưa các công ty Mỹ vào cái gọi là “danh sách thực thể không đáng tin cậy” như là một phần các biện pháp đáp trả Washington. Các biện pháp khác là tiến hành điều tra và áp đặt hạn chế đối với các công ty Mỹ tên tuổi như Apple Inc, Cisco Systems Inc, Qualcomm Inc… và ngưng mua máy bay của hãng Boeing Co. chuyên gia He Weiwen, Cựu quan thức thương mại cấp cao và là thành viên hội đồng điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới Trung Quốc, Bắc Kinh nên thực hiện những biện pháp đối phó này. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng cần điều tra kỹ lưỡng về những công ty Mỹ có liên quan “để họ có thể cảm thấy nỗi đau” này. Bất kỳ sự trả đũa nào đối với các công ty công nghệ Mỹ sẽ dẫn đến việc những sản phẩm của họ bị cấm tại Trung Quốc, khiến họ chịu một sự mất mát lớn về tài chính. Trong quý tài chính thứ 2, 14,8% doanh thu của Apple đến từ Trung Quốc. Tuy vậy, rất nhiều nhà sản xuất điện thoại nội địa Trung Quốc sử dụng các chipset Snapdragon cũng như chip modem của Qualcomm, thế nên, chính phủ Trung Quốc cần phải rất cẩn thận để không gây ra quá nhiều tác động. Trong khi đó, Gao Lingyun, một chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ trừng phạt các công ty nhỏ của Mỹ đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo ông, đây là cảnh báo “cấp độ đầu tiên” đến Mỹ trước khi áp dụng các hình phạt khác cho những công ty lớn hơn, chẳng hạn như Apple. Bên cạnh đó, các công ty nhỏ sẽ dễ bị tổn hại bởi những biện pháp hạn chế. Một khi chính quyền Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt, họ sẽ không đủ chi phí vận hành. Hầu hết những công ty nhỏ này sẽ bị đẩy đến bờ vực sụp đổ. Cùng quan điểm trên, có ý kiến cho rằng “Trung Quốc sẽ thực hiện những vòng điều tra bất tận về các công ty đó, giống như thanh kiếm đang treo trên đầu họ. Điều này sẽ làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và khiên thu nhập của họ tại thị trường Trung Quốc bị giảm đi”. Việc này cũng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền cho nhiều công ty thượng nguồn và hạ nguồn khác nhau trong ngành sản xuất chip của Mỹ.

Wall Street Journal tiết lộ, lệnh cấm chip Mỹ tại Trung Quốc có thể khiến các công ty công nghệ Mỹ mất 36 tỉ USD doanh thu. Việc xuất khẩu chip Mỹ sang Trung Quốc vẫn tạo ra thặng dư thương mại. Nó là một trong số ít lĩnh vực kinh doanh có thể làm được điều này.

Trước các biện pháp đáp trả dự kiến của Trung Quốc, Apple được cho là đang có những bước chuẩn bị để rút khỏi Trung Quốc. Theo báo Economic Times của Ấn Độ (11/5), Apple muốn chuyển gần 20% sản lượng từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Các lãnh đạo của Apple đã gặp gỡ quan chức chính phủ Ấn Độ trong nhiều tháng để bàn luận về vấn đề này. Nếu kế hoạch thành hiện thực, Apple sẽ trở thành công ty xuất khẩu lớn nhất Ấn Độ, với sản lượng xuất khẩu tới 40 tỷ USD trong 5 năm tới. Đảm nhiệm sản xuất chính cho Apple tại Ấn Độ là hai công ty quen thuộc Wistron và Foxconn. Đây không phải thông tin duy nhất cho thấy Apple ngày càng tập trung cho những địa điểm sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Vào đầu tháng 5, Nikkei Asian Review cũng dẫn nguồn tin cho rằng khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào quý này.

Tuy vậy, chuỗi cung ứng và sản xuất các sản phẩm của Apple được đánh giá là một trong những mô hình phức tạp nhất trên thế giới, thậm chí việc chuyển dịch cơ sở sản xuất nhằm tránh lệ thuộc vào Trung Quốc còn khó khăn hơn trước những vấn đề phát sinh và việc phải từ bỏ cả một hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ hiện đại. Quá trình sản xuất một thiết bị bao gồm rất nhiều bước, trong đó chuỗi cung ứng linh kiện chiếm vị trí quan trọng. Mỗi thiết bị công nghệ hiện đại có hàng trăm loại linh kiện khác nhau. Khiến cho vấn đề chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ không hề dễ dàng. Trong quá trình đó, Trung Quốc vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Được biết, từ năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra và diễn biến căng thẳng khi chính phủ hai nước thay phiên nhau đưa ra những hành động đáp trả, áp các mức thuế nhập khẩu khác nhau đối với sản phẩm hai bên. Đỉnh điểm vào tháng 5/2018, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu 25% lên khối lượng hàng hóa tiêu dùng 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông tin này khiến hàng loạt tập đoàn Mỹ bao gồm Apple, Microsoft, Intel lao đao và phải đệ đơn kiến nghị lên Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để phản đối chính sách.

Nhiều mặt hàng công nghệ như điện thoại, máy tính hay tivi nằm trong danh sách đánh thuế trừng phạt, đe dọa chuỗi cung ứng đã tồn tại hàng chục năm qua của các tập đoàn công nghệ có khả năng rơi vào hỗn loạn. Không nằm ngoài số đó, Apple trở thành nạn nhân khi là công ty có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng sở hữu chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong kiến nghị gửi USTR, Apple nói rằng chính sách thuế sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ. Vào tháng 4/2018, Tim Cook đã tới thăm trực tiếp Nhà Trắng và trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông nói với Tổng thống Donald Trump rằng thuế quan không phải biện pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề về thương mại. Apple ở một vị trí đặc biệt nguy hiểm nếu chiến tranh thương Mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Tuy có được sự đảm bảo của ông Trump về triển vọng của các doanh nghiệp Mỹ bất chấp cuộc xung đột, CEO của Apple Tim Cook vẫn lên tiếng chỉ trích kế hoạch này đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Apple tại thị trường Trung Quốc, cũng như khả năng cung cấp các mặt hàng công nghệ ra toàn thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới