Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐàm luậnMỹ đùa với lửa ?

Mỹ đùa với lửa ?

TQ khỏe thì Mỹ mạnh. Trừ dân số, còn tiền của, súng đạn, tên lửa, máy bay…đều trên cơ. Thế nên, dù đang là ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ vẫn tăng cường áp lực quân sự với TQ. Nhất là những ngày gần đây, khi Bắc Kinh cậy mình cơ bản đã khống chế được dịch, “thò lưỡi bò” tham lam ra biển Đông bắt nạt láng giềng.    

Biển Đông: TQ khỏe thì Mỹ mạnh

Trung Quốc đương nhiên là gã khổng lồ hiện nay trên thế giới, xét về mọi phương diện. Này nhé: dân số hiển nhiên số 1 với hơn 1,4 tỷ người; nền kinh tế có quy mô tới 15 nghìn tỷ – xếp thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Còn súng đạn, máy bay, tàu ngầm tên lửa các loại, kể cả tên lửa đạn đạo các loại: nhiều vô biên. Cứ xem những loại khí tài tối tân xuất hiện trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước tại Bắc Kinh năm ngoái – một cuộc diễu binh, phô trương lực lượng khiến cả thế giới phải tròn mắt kinh ngạc và sửng sốt, thì đủ biết.

Một khi đã khỏe, người ta có thể làm mọi việc, kể cả những việc bất lương ? Người đứng đắn không thể nghĩ thế. Nhưng với TQ: không gì là không thể ! Chẳng thế mà, vừa ra khỏi giai đoạn khốc liệt nhất của dịch Covid-19, Bắc kinh nghĩ ngay đến biển Đông.

Mà đúng hơn, ngay khi đang là “ổ dịch” lớn nhất thế giới hồi tháng 1, tháng 2 với số người chết, người nhiễm bệnh tăng ở mức độ khủng khiếp hằng ngày, phải căng mình, tập trung lực lượng chống dịch, Bắc Kinh nào quên biển Đông, vẫn âm thầm xây dựng cực nhanh và đưa vào hoạt động 2 “trạm nghiên cứu môi trường” trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của VN.

Trước sự hoài nghi của dư luận và cộng đồng quốc tế, TQ giải thích rằng: hai trạm này chỉ phục vụ việc nghiên cứu, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), và chỉ “bao gồm nhiều labo về sinh thái học, địa chất học và môi trường”… – nghĩa là, chẳng liên quan gì tới quân sự (?).

Dư luận nghi ngờ lời giải thích của TQ là đương nhiên. Tuy nhiên trong vụ này, nếu thực sự hai trạm trên chẳng nghiên cứu gì về môi trường, thì ít nhất, TQ cũng còn nghĩ tới sự xấu hổ mà nói tránh đi. Chỉ có điều, có những cái phơi bày lồ lộ, TQ chẳng thể tránh, hoặc cũng không muốn tránh. Thí du:

Ngày 2/4, Bắc Kinh cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi họ đang hành nghề trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của VN. Ngày 18/4/2020, một thông tin khiến dư luận choáng váng: Bắc Kinh phê chuẩn thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” trực thuộc tỉnh Hải Nam. Cùng thời gian này, TQ cho tàu Hải Dương 8 “khảo sát địa chất tại vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Trong vụ “khảo sát” này, nếu không có sự “hiện diện bất thường” của chiến hạm Mỹ, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Chưa hết, bắt đầu từ ngày 1-5, Bắc Kinh ngang nhiên đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư nước này.

TQ – gã côn đồ to khỏe, lợi dụng dịch Covid-19 thực hiện các hành vi nhằm chiếm lợi thế trên biển Đông và mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực ? Điều đó thì đã hẳn. Dư luận, cộng đồng quốc tế đã chỉ đích danh. Bên cạnh đó, phải chăng, TQ cũng đang nhân mùa Covid-19 để phô rằng, Covid-19 dẫu nguy hiểm, nhưng họ dư lực để chống đỡ; càng không thể có chuyện vì đấu với covid-19 mà họ buông biển Đông. Thiên hạ đừng tưởng bở.

Chỉ có điều, TQ khỏe thì Mỹ lại mạnh. Trừ dân số, còn tiền của, súng đạn, tên lửa, máy bay…đều trên cơ. Thế nên, dù đang là ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ vẫn tăng cường áp lực quân sự với TQ. Nhất là những ngày gần đây, khi Bắc Kinh cậy thời Covid mà mình gặp nạn trước, nhưng cũng “về trước”, cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch, nên rảnh, “thò lưỡi bò” tham lam ra biển Đông bắt nạt láng giềng.

Không thế mà hãng CNN, ngày 16-5 đã đưa tin rằng: vài tuần qua các tàu chiến Hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ đã triển khai các hoạt động trong khu vực để phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, quân đội Mỹ quyết tâm duy trì sự hiện diện tại biển Đông.

Thông điệp này đồng thời còn thể hiện sự cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương.

Một ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc là đưa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt từng ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong thủy thủ đoàn, trở lại hoạt động trên biển trước cuối tháng này, bất luận TQ đả kích, cho rằng các hoạt động quân sự của Mỹ là có tính “khiêu khích”, hay quá hơn, là “đùa với lửa” !

RELATED ARTICLES

Tin mới