Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời ý kiến của cử tri kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng và nhất là trên lĩnh vực truyền thông báo chí để nhân dân kịp thời có đầy đủ thông tin chính xác về tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là tình hình tại bãi Tư Chính trong thời gian gần đây. Đồng thời, có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc; xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng nêu rõ trước hết cần khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó có lĩnh vực truyền thông báo chí. Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Hàng năm và trước các sự kiện phức tạp diễn ra ở Biển Đông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, nòng cốt là Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao đã chủ động xây dựng Đề án, Kế hoạch để đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo bám sát thực tiễn tình hình.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền biển, đảo, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 130/2019/TT-BQP quy định tuyên truyền về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 và các vùng biển, đảo khác của Việt Nam (trước đây là Thông tư số 140/2014/TT-BQP). Đồng thời, chỉ đạo Quân chủng Hải quân ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 63/63 tỉnh, thành phố và 15 cơ quan Trung ương và thông tấn báo chí. Chỉ đạo các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tăng cường tuyên truyền cho ngư dân vươn khơi, bám biển, vừa khai thác nguồn lợi kinh tế biển, vừa chủ động đấu tranh với những hành động xâm phạm chủ quyền, an ninh trên biển của các đối tượng từ bên ngoài.
Theo Bộ Quốc phòng, thời gian qua, công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo được tiến hành đồng bộ, bài bản, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực như: Thông tin kịp thời diễn biến tình hình trên biển; hằng năm tổ chức hàng chục đoàn với hàng ngàn lượt người thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương và kiều bào ta ở nước ngoài đi thăm Trường Sa, nhà giàn DK1; biên soạn tài liệu giáo dục, tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh báo chí, phát thanh, truyền hình, internet, hệ thống tuyên truyền miệng, thông tin cơ sở; tổ chức các đợt sáng tác văn học, biểu diễn nghệ thuật; tăng cường công tác thông tin đối ngoại về chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân cả nước, tạo sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, trước sự việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất HD-8 (Hải Dương 8) xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính gần đây, Việt Nam đã kiên trì xử lý bình tĩnh, đồng thời đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa.
Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của ta. Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý trên Biển Đông. Bên cạnh đó, các hoạt động khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực, sự can dự của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Bộ Quốc phòng khẳng định chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.