Monday, January 6, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLịch sử đã từng chỉ ra, TQ chưa từng có chủ quyền...

Lịch sử đã từng chỉ ra, TQ chưa từng có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Sau khi yêu sách “chủ quyền” theo “đường chín khúc” bị Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) bác bỏ do không có cơ sở cả về pháp lý và thực tiễn, Trung Quốc thay đổi thủ đoạn bằng cách chuyển qua đưa ra yêu sách “Tứ Sa” nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với hơn 90% diện tích Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Gần đây, bước đi mới nhất của họ nhằm “hiện thực hóa” yêu sách này là ngang nhiên công bố lập hai quận “Tây Sa” và “Nam Sa” quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Tiếp đó, Bắc Kinh còn “bày” ra chuyện công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể địa lý ở Biển Đông kèm theo kinh độ, vĩ độ của chúng. Điều đáng chú ý là, trong những thực thể mà họ “liều mạng” đặt tên, có những bãi cạn nằm sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển hoặc đường cơ sở của Việt Nam khoảng 50 hải lý. Những hành động trên là sự “leo thang” phi pháp và mù quáng trong mưu đồ “độc chiếm” Biển Đông của Bắc Kinh. Và nó không thể “khoác” cho Bắc Kinh “cái áo” là đang thực hiện “quyền lịch sử” của mình được, bởi trong lịch sử, chính Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Nói về sự phi pháp và mù quáng của Trung Quốc trong tuyên bố đòi hỏi chủ quyền vô lý ở Biển Đông thì có rất nhiều tài liệu, văn bản, tuyên bố… đã vạch ra và đỉnh cao là Phán quyết của PCA năm 2016 liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines và những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Không ai là không biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lâu đời của Việt Nam. Nhưng có lẽ ít người biết được là dưới góc độ lịch sử, chính bản thân chính quyền các triều đại Trung Quốc đã từng tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc và cũng ra sức chối bỏ trách nhiệm thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Xin trích dẫn những chứng cứ lịch sử sau đây để tất cả “bàn dân thiên hạ” được rõ.

Vừa qua, nhà xuất bản Fushosha của Nhật Bản đã phát hành cuốn sách “Những điều người Nhật Bản đang hiểu lầm về lịch sử cận, hiện đại Đông Nam Á” của Phó giáo sư Shin Kawashima, nguyên giảng viên Đại học Tokyo, Nhật Bản. Trong cuốn sách trên, tác giả đã chỉ ra hai tư liệu lịch sử quan trọng, thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông do các nhà hàng hải châu Âu đưa ra từ thế kỷ XVI.

Tư liệu lịch sử thứ nhất là tấm bản đồ “India Orientalis” (Đông Ấn Độ) được nhà hàng hải Hà Lan tên là Jodocus Hondius (1563-1612) lập nên từ thế kỷ XVI, trong đó cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ nối liền với nhau như hình một mũi dao và được đặt tên chung là Paracel. Vùng bờ biển miền Trung Việt Nam đối diện với hai quần đảo này được đặt tên là Costa de Paracel. Điều này chứng tỏ tác giả bản đồ, ông Jodocus Hondius đã ghi nhận sự liên hệ mật thiết giữa lãnh thổ Việt Nam với Paracel.

Tư liệu lịch sử thứ hai được học giả người Nhật Bản đề cập chính là tấm bản đồ “Siam and the Malay Archipelago” do The Times Atlas – Printing House Square xuất bản tại London, Anh vào năm 1896. Trên bản đồ này đã có sự phân biệt rõ ràng giữa các đảo thuộc Paracel (quần đảo Hoàng Sa) với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam với tên gọi rất rõ ràng. Đặc biệt, trong quần đảo Trường Sa có những đảo đã được ghi tên tiếng Việt như đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, chứng tỏ người Việt đã quản lý, đặt tên cho các đảo này và được các nhà bản đồ học châu Âu chấp nhận và ghi tên tiếng Việt lên bản đồ.

Với hai tư liệu lịch sử quan trọng nêu trên, Phó giáo sư Kawashima khẳng định, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ, bởi khi mà hai triều đại nhà Minh, nhà Thanh của Trung Quốc thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” và cấm người dân nước mình đi thuyền ra nước ngoài nên họ không hề có tuyên bố chủ quyền nào về Paracel hay Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, cũng trong thời kỳ này, các nhà hàng hải châu Âu đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đưa cả tên tiếng Việt lên bản đồ.

Trước đây, một số học giả Nga cũng đã đưa ra bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo giáo sư, tiến sỹ Dimitry Valetinovich Mosyakov – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, Trưởng ban nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, trong bài viết “Chính sách của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á và ảnh hưởng của nó tới an ninh và cân bằng lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương”, đăng trên tạp chí “Bình luận phương Đông mới”, đã đưa ra bằng chứng, cứ liệu lịch sử chứng minh, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã từng tự phủ nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đó là, vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XIX, chiếc tàu vận tải của Đức có tên “Bellona” và tàu vận tải “Imega Maru” của Nhật Bản chở hàng hóa cho Vương quốc Anh, trong đó chủ yếu là đồng kim loại làm nguyên liệu, nhưng bị chìm tại vùng nước nông gần cụm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau vụ đắm tàu này, số đồng chở trên hai chiếc tàu bị chìm lại được phát hiện thấy ở đảo Hải Nam của Trung Quốc chứ không nằm dưới hai con tàu. Sở dĩ như vậy là do dân Trung Quốc trên lục địa khi biết hai con tàu trên “bị chìm” đã ra “trấn lột” hàng hóa và “hôi của”. Theo luật hàng hải quốc tế, số đồng nguyên liệu này mặc dù bị chìm nhưng vẫn thuộc sở hữu của nước Anh. Do đó, Công sứ Anh nhầm tưởng nơi tàu chìm là vùng lãnh hải của Trung Quốc nên đã gửi công hàm chính thức phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc khi đó về việc cướp bóc hàng hóa của Anh trên hai con tàu bị chìm. Đáp lại công hàm chính thức cáo buộc trên của Công sứ Anh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó chính thức ra tuyên bố: “Trung Quốc không chịu trách nhiệm về việc cướp bóc hàng hóa trên hai con tàu bị đắm vì quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Đấy là hai trong số nhiều tài liệu, chứng cứ của các chuyên gia nước ngoài vạch ra sự phủ định về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đáng nói hơn, khả tín hơn là chính tư liệu lịch sử của Trung Quốc cũng đã đề cập đến hai vụ tàu đắm mà giáo sư, tiến sỹ Dimitry Valetinovich Mosyakov nói đến trong bài viết trên, nhưng nội dung còn cụ thể, rõ ràng hơn, mang tính pháp lý hơn. Đó là:

Trong khoảng thời gian hai năm 1895 – 1896, tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa liên tục xảy ra hai vụ đắm tàu. Một vụ là tàu của Đức, con tàu mang tên Bellona và một vụ là tàu của Nhật Bản, tàu Imegi Maru. Cả hai con tàu này đều mua bảo hiểm của Anh nên khi nghe tin dân đánh cá Trung Quốc thừa cơ tàu bị nạn đã ra cướp bóc, “hôi của” trên tàu, công ty bảo hiểm và đại diện chính phủ Anh ở Trung Quốc đã yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc phải có trách nhiệm, nhưng họ đã từ chối với lý do: “…các đảo Paracel … không thuộc Trung Quốc… chúng không được sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam …”. Như vậy là nhà đương cục Hải Nam vô can với hậu quả của vụ cướp bóc, nhưng đồng thời sự kiện này cũng cho thấy, cho đến tận cuối thế kỷ XIX, nhà chức trách ở vùng đất cực nam của Trung Quốc hoàn toàn chưa có ý tưởng gì về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, gần Trung Quốc hơn, chứ chưa nói đến quần đảo Trường Sa ở rất xa Trung Quốc.

Tư liệu lịch sử trên của Trung Quốc là công khai, đầy đủ và không giấu diếm được. Tất cả các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đều biết, Vì thế, liên quan đến sự kiện này, một học giả Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, đã đưa ra nhận xét rất xác đáng trong tham luận đọc tại một cuộc hội thảo khoa học của chính Trung Quốc, xin lược trích như sau: “Nói đến quyền lợi ở Nam Hải, chúng ta (Trung Quốc) thường thích nói một câu là từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn đưa vào hai chữ thiêng liêng… Nhưng chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế. Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa (tức Trường Sa), chúng ta đã không có được điều đó… Vào thời nhà Thanh, đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị, có một chiếc tàu của Đức chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa (tức Hoàng Sa) thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng cứ để khi về báo cáo lại với chủ hàng và đòi hãng bảo hiểm bồi thường. Viên thuyền trưởng đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với quan tri phủ địa phương. Nhưng viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng rằng, nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Khu vực ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản. Thế rồi, viên quan địa phương nói trên tống cổ vị thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn. Nhưng sự kiện đó cần phải có cái kết, nếu không về nước biết ăn nói ra sao đây với chủ hàng? Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó rất tốt, họ không chỉ xác nhận cho ông ta, mà còn cho tàu ra chạy mấy vòng, coi như đã truy bắt cướp.

Đó là chứng cứ gì? Đó chính là chứng cứ về sự kiểm soát và quản lý thực tế của Việt Nam. Chứng cứ này nói lên rằng, chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận Tây Sa là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng Tây Sa là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng phải đã chứng minh Tây Sa từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao? Nếu bạn là đại biểu đàm phán của Trung Quốc, được huấn luyện đầy đủ về luật biển và luật quốc tế, trước những chứng cứ như thế thì phải làm thế nào? Chắc chắn bạn sẽ muốn có cỗ máy thời gian để quay trở lại thời đó để bóp chết viên tri phủ kia!…”.

Lập luận rõ ràng như thế, khúc triết và công minh như thế của nhà khoa học Trung Quốc Lý Lệnh Hoa đã cho thấy, chứng cứ của chuyên gia Nga Dimitry Valetinovich Mosyakov đưa ra không hề có gì là bịa đặt.

Không những thế, việc Trung Quốc tự phủ nhận chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được ghi nhận và công bố năm 1905 trong tập bản đồ mang tên “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, trên đó chỉ rõ phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc tại Biển Đông là đảo Hải Nam. Rồi trong cuốn “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư” xuất bản năm 1906 cũng xác định, điểm cực nam của Trung Quốc là mũi Châu Nhai thuộc Hải Nam tại vĩ tuyến 18o13’. Thêm một bằng chứng lịch sử nữa là, vào giữa những năm 1930, khi Chính phủ Pháp công bố sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Đông Dương, phía Trung Quốc cũng không có bất kỳ sự phản đối chính thức nào.

Trên đây chỉ là một vài chứng cứ lịch sử cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Và chính vì thừa nhận không có chủ quyền với hai quần đảo này nên các triều đại ở Trung Quốc đâu có nghĩ đến chuyện “đặt tên” cho các đảo, đá, bãi ngầm nằm ngoài sự cai quản của họ. Logic đó là tất yếu và quá đúng. Do đó, hành động vừa qua của chính quyền Trung Quốc là hoàn toàn sai trái. Việc nước này đặt “danh xưng” cho các chủ thể địa lý trên Biển Đông chẳng qua là bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách “Tứ Sa”, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của nước khác ở Biển Đông.

Ở tầm sâu xa hơn, cần phải chỉ ra rằng giới cầm quyền ở Bắc Kinh hiện đang cố tình không thừa nhận lịch sử và hành động đi ngược với lịch sử. Chắc chắn là thâm tâm họ đang “oán trách” các thế hệ “tiền nhân” nhà họ trong quá trình cai quản đất nước đã không “cố mà giành lấy” chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ trước, đặt tên cho nó, để cho con cháu bây giờ vì tham vọng “bành trướng” mà phải khổ công “cãi lấy được” và ra sức “viết lại” lịch sử bằng cách đặt tên cho những thực thể địa lý không được thừa nhận đó. Nhưng họ đâu có biết, lịch sử là lịch sử, không thể “viết lại” được và nếu làm như vậy là đem “đại bác bắn vào lịch sử”. Một ngày nào đó, “tên lửa sẽ bắn vào chính họ”. Điều đó sẽ thật là tai họa cho nước Trung Hoa.

RELATED ARTICLES

Tin mới