Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 rút khỏi EEZ của...

Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 rút khỏi EEZ của Malaysia

Sau khi tàu khoan West Capella của Malaysia rời khu vực khảo sát, tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc cũng đã rời khu vực căng thẳng với Malaysia.

Theo thông tin trên, tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc hồi tháng 4 tới khu vực phía Nam Biển Đông khảo sát, gần vị trí hoạt động của tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của các nước trong khu vực và một số nước lớn có lợi ích ở Biển Đông. Trong đó, Mỹ, Australia còn điều tàu chiến tuần tra, tập trận ở sát khu vực tàu khoan West Capella đang khảo sát nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Malaysia. Theo đó, Hải quân Mỹ (12/5) thông báo đã triển khai tàu tác chiến ven bờ lớp Independence tuần tra sát tàu khoan dầu khí mang cờ Panama là West Capella ở khu vực Nam Biển Đông, tái khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, đồng thời phản đối các hành động ép buộc và phi pháp của Trung Quốc. Tàu tác chiến ven bờ lớp Independence USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đã triển khai hoạt động ở khu vực Nam Biển Đông – đây là lần thứ hai một tàu tác chiến ven bờ thực hiện tuần tra ở khu vực này kể từ khi tàu USS Montgomery (LCS 8) di chuyển cùng tàu USNS Cesar Chaves (T-AKE 14) vào ngày 7/5 để hỗ trợ tự do hàng hải và hàng không. Chuẩn đô đốc Fred Kacher, Tư lệnh Nhóm tác chiến viễn chinh 7 cho biết, sự đa năng và linh hoạt của các tàu tác chiến ven bờ phiên bản lớp Independence được luân phiên triển khai đến Đông Nam Á thực sự làm thay đổi tình hình. Cũng giống như các hoạt động trước đây của tàu Montgomery, các hoạt động của tàu Gabrielle Giffords gần West Capella thể hiện chiều sâu năng lực mà Hải quân Mỹ sở hữu trong khu vực. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực và kiên trì của Hải quân Mỹ trong khu vực chính là sự thể hiện rõ nét nhất sự ủng hộ của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Bill Merz cũng tái khẳng định rằng Hải quân Mỹ sẽ cho máy bay và tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép; nhấn mạnh các hoạt động hiện diện thường lệ như của tàu Gabrielle Giffords tái khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu thuyền hoạt động tự do trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc hàng hải quốc tế bất chấp những yêu sách quá đà hoặc các sự kiện đang diễn ra. Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong việc theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp của mình.

Đến ngày, 12/5, tàu khoan West Capella rời khu vực khảo sát sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch. Trang web chuyên theo dõi tàu Marine Traffic cho biết, tàu Địa chất Hải dương 8 (15/5) cũng di chuyển khỏi khu vực khảo sát, di chuyển hướng về Trung Quốc và được ít nhất hai tàu của nước này hộ tống. Dữ liệu trong một tháng qua cho thấy con tàu đã di chuyển theo dạng đan chéo, kiểu di chuyển khi thực hiện hoạt động khảo sát, giống lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam Biển Đông năm 2019.

Trong khi đó, tàu hải cảnh Trung Quốc 1106 hiện đã xuất hiện gần bãi Tư Chính của Việt Nam. Phạm vi di chuyển của nó đi vào khu vực lô 6.1 mà giàn khoan Hakuryu 5 từng khoan cho Rosneft trong năm 2019. Các tàu hải cảnh khác từng hộ tống tàu Hải Dương 8 xuống Biển Đông trước đây hiện cũng đã phân tán. Hải cảnh 4203 (và có thể cả 5901) đang từ Đá Chữ Thập trở về Tam Á, Hải cảnh 5403 từ Đá Chữ Thập di chuyển lên hướng Đá Xu Bi.

Hiện Bộ Ngoại giao Malaysia chưa đưa ra bình luận gì trước động thái trên. Trước đó chính quyền Kuala Lumpur đã kêu gọi giải quyết xung đột bằng các biện pháp hoà bình. Trong khi đó Trung Quốc bác bỏ đã xảy ra xung đột, ngang nhiên cho rằng hoạt động của nhóm tàu này là “những hoạt động bình thường”.

Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá…

Trước những hành động ngang ngược, khiêu khích của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam  nhiều lần nêu rõ, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ giữa hai nước, hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như của khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới