Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTiếp tục điều tàu di chuyển qua eo biển Đài Loan: Mỹ...

Tiếp tục điều tàu di chuyển qua eo biển Đài Loan: Mỹ gia tăng sức ép đối với TQ

Hải quân Mỹ (13/5) đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell đã đi qua eo biển Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong khu vực bất chấp dịch Covid-19 hoành hành.

Theo thông tin trên, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell (13/5) đã di chuyển qua eo biển Đài Loan. Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết con tàu đã đi về phía Nam với “nhiệm vụ thông thường” và đang tiếp tục di chuyển theo hướng đó. USS McCampbell là một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, mẫu tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ cũng như trên thế giới. Tàu được đặt tên vinh danh người phi công anh hùng David S. McCampbell thời Thế chiến 2. Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke là xương sống của lực lượng tác chiến trên biển của Mỹ trong nhiều năm qua và được biên chế cho tất cả các hạm đội của Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell di chuyển qua eo biển Đài Loan, trước thềm lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Theo đó, bà Thái Anh Văn sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 20.5 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1.

Hãng Thông tấn Đài Loan – CNA cho biết, đây là lần thứ 6 trong năm nay tàu chiến Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan. Trong năm 2019, hải quân Mỹ đã tổng cộng điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan 9 lần. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan trong những tháng gần đây. Theo đó, Mỹ liên tục có các hoạt động quân sự tại Biển Đông nhằm phản ứng “yêu sách biển phi pháp” và “hành động cưỡng ép” của Trung Quốc. Hải quân Mỹ thông báo tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords thực hiện hoạt động hiện diện ở phía Nam Biển Đông vào ngày 12/5, gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do Công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Trước đó, tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery cùng tàu tiếp tế USNS Cesar Chavez có hoạt động tương tự vào ngày 7/5. Trong thông cáo, Chỉ huy Hạm đội 7 Bill Merz tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động vào bất cứ lúc nào và tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ở Biển Đông, khẳng định “Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác về việc theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp”. Không những vậy, các máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ hoạt động hai lần tại Biển Đông vào các ngày 29/4 và 8/5. Trong 2 ngày 28 – 29.4, hai tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Chuẩn đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7, hoạt động của tàu chiến cho thấy chiều sâu năng lực của hải quân Mỹ trong khu vực và là tín hiệu của sự ủng hộ của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan trong những tháng gần đây, bao gồm không quân Trung Quốc tập trận thường xuyên gần vùng lãnh thổ này. Mới đây nhất, hôm 8/5, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc đại lục đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Lực lượng phòng vệ Đài Loan điều động các chiến đấu cơ để cảnh báo máy bay Y-8 phải rời khỏi ADIZ. Trung Quốc vận hành chiếc Y-8 dưới dạng máy bay vận tải lẫn cảnh báo sớm và chiến tranh điện tử. Trong khi đó, Chính quyền Đài Loan nhiều lần cáo buộc các cuộc tập trận của Trung Quốc đại lục là nhằm mục đích dọa dẫm, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh nên tập trung chống lại đại dịch Covid-19.

Giới chuyên gia nhận định Mỹ gần đây đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Washington luôn cảnh giác trước khả năng Trung Quốc đại lục lợi dụng đại dịch Covid-19 để hợp nhất Đài Loan. Các nhà phân tích khác cho rằng Bắc Kinh lo ngại Đài Loan xem đại dịch là thời cơ để giành độc lập khỏi Trung Quốc. Vừa qua, không quân Trung Quốc tiến hành một số cuộc tập trận gần Đài Loan, buộc Đài Loan phải điều động chiến đấu cơ để bay chặn và cảnh báo máy bay Trung Quốc. Đài Loan cũng đã tiến hành tập trận quy mô lớn trong tuần này nhằm kiểm tra năng lực sẵn sàng chiến đấu và phản ứng trước cuộc xâm lược toàn diện. Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định: “Bắc Kinh tăng cường tập trận là nhằm ngăn chặn nguy cơ Đài Loan xem đại dịch Covid-19 là cơ hội để độc lập khỏi Trung Quốc, đồng thời chống lại việc Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan”.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai. Bắc Kinh cũng nhiều lần nhấn mạnh, Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung”. Ngoài ra, kể từ năm 2016, thời điểm bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã liên tục tăng cường sự hiện diện gần đảo Đài Loan, cũng như tổ chức các cuộc tập trận “bao vây” quy mô lớn và huấn luyện dàn oanh tạc cơ. Dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Mỹ lại là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế, cũng như trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới