Monday, January 6, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaÝ kiến chuyên gia: TQ dùng thủ đoạn độc chiếm Biển Đông...

Ý kiến chuyên gia: TQ dùng thủ đoạn độc chiếm Biển Đông và Hoa Đông

Trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, Hoa Đông, các nước cần tăng cường đoàn kết, thống nhất quan điểm, biện pháp để đối phó, ngăn chặn và buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Tháng qua, Trung Quốc liên tục có các hoạt động phi pháp, khiêu khích trên Biển Đông như tổ chức tập trận gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tăng cường quân đội tại bãi cạn Scarborough của Philippines; duy trì hoạt động của tàu Địa chất hải dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia; khiêu khích hải quân Indonesia. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn duy trì một đội quân “ba lớp” trên Biển Đông, bao gồm các đội tàu cá, tàu ngụy trang tàu cá (dân quân biển), tàu nghiên cứu khoa học; Cảnh sát biển và Hải quân, không quân. Hành động trên của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích mạnh mẽ. Bên cạnh đó, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế cũng đưa ra những phân tích, nhận định về âm mưu, ý đồ và thủ đoạn nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Chuyên gia Piotr Tsvetov của Nga nhận định, tình hình ở biển Hoa Đông rất giống với tình hình ở Biển Đông, khi chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra những yêu sách chủ quyền trái phép với hầu hết diện tích vùng biển này, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng trái phép. Các thủ đoạn truy đuổi, vây bắt, đâm chìm tàu cá của các nước hoạt động trên Biển Đông cũng tương tự như Biển Hoa Đông.

Ông Sharman đánh giá Trung Quốc áp đặt luật riêng đối với chuẩn mực chung về hàng hải quốc tế là nhằm thể hiện mức độ kiểm soát hành chính của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông, mở rộng sức ảnh hưởng, thách thức luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và đe dọa quyền đánh bắt của ngư dân các nước láng giềng. Qua đó, Chính quyền Trung Quốc muốn chứng tỏ tất cả thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông đều đang nằm trong sự quản lý, kiểm soát nội bộ và không có tranh chấp. Theo ông Sharman, kể từ đầu năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục có hành động quấy rối tàu cá của các nước láng giềng, ngang ngược đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, dọa dẫm và ngăn chặn láng giềng thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi… nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi pháp nuốt trọn gần cả Biển Đông.

Chuyên gia Lucio III Pitlo thuộc Tổ chức Asia Pacific Pathways to Progress Foundation (Philippines) nhận định, “Lệnh cấm đánh cá” cùng với động thái thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận – huyện bất hợp pháp để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gần đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thể hiện với dư luận trong nước này rằng Trung Quốc vẫn mạnh mẽ bất chấp đại dịch COVID-19; nhấn mạnh hành động của Trung Quốc cũng nhằm gây cản trở hoạt động đánh bắt và thăm dò dầu khí của các nước láng giềng. Thay vì dọa dẫm tàu cá nước ngoài, Bắc Kinh trước mắt nên tìm cách quản lý chính ngư dân của mình vốn tham gia hoạt động đánh bắt không bền vững nhắm vào những sinh vật biển đang có nguy cơ bị đe dọa và cần được bảo vệ như sò tai tượng. Các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nên bàn về hoạt động đánh bắt cá, sau đó yêu cầu Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Sumathy Permal, Giám đốc Trung tâm vì Eo biển Malacca thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải Malaysia, đánh giá với Thanh Niên rằng việc Trung Quốc điều lực lượng tàu chấp pháp xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước khác gần đây giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành cho thấy Bắc Kinh vẫn giữ cách hành xử “bắt nạt” láng giềng, bất kể tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang diễn ra.

Trong khi đó, Giáo sư M.Taylor Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) lại cho rằng không phải đại dịch COVID-19 đang tạo ra cơ hội mới cho Trung Quốc gia tăng hoạt động gần đây tại Biển Đông mà thực chất nước này chỉ tiếp tục thực hiện chiến lược lâu nay của mình. Vì: (i) Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi. Trước khi đại dịch bùng phát, những động thái của Trung Quốc là nhằm tìm cách khẳng định các quyền lịch sử sai trái của nước này tại Biển Đông. Sau khi bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài PCA, Bắc Kinh càng quyết tâm hơn bằng cách đưa ra một tuyên bố hiếm thấy để công khai khẳng định rằng Trung Quốc có các quyền lịch sử ở Biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh vẫn chưa định nghĩa thế nào là nội hàm của những quyền này, song theo một nhà phân tích đáng tin cậy của Trung Quốc, có thể chúng bao gồm quyền đánh bắt cá, quyền đi lại hàng hải và các quyền được ưu tiên khai thác tài nguyên. Để khẳng định cái gọi là quyền lịch sử này, trong những năm qua, Trung Quốc sử dụng ba căn cứ tác chiến tiền phương lớn mà nước này đã tạo ra trên các bãi đá ngầm ở khu vực Quần đảo Trường Sa của Việt Nam thông qua hoạt động cải tạo quy mô lớn trong năm 2014-2015, nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực này.(ii)Những tranh cãi gần đây nhất đã có từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 12/2019, Bắc Kinh và Jakarta đã trực tiếp đối đầu nhau khi một đội tàu cá của Trung Quốc hoạt động gần đảo Natuna của Indonesia ở khu vực cực Tây Nam của Biển Đông. Tình thế đối đầu này kéo dài tới cuối tháng 1/2020, với việc các tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ tống các tàu cá của nước này và các lực lượng vũ trang của Indonesia cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ khu vực của mình. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Indonesia chỉ là ví dụ mới đây nhất cho thấy cạnh tranh kéo dài liên quan tới việc đánh bắt cá ở vùng biển này, vốn bắt đầu gia tăng từ năm 2016. Trung Quốc coi khu vực đó là ngư trường truyền thống của nước này, trong khi Indonesia coi vùng biển này nằm trong EEZ của mình. (iii) Đợt đánh bắt cá mùa Xuân thường châm ngòi những căng thẳng mới. Ngày 2/4, một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động gần đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa thì bị đâm chìm sau khi đụng độ với một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Quần đảo Hoàng Sa – vốn đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ năm 1974. Những diễn biến như vậy thường xảy ra ở khu vực xung quanh quần đảo này, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm của mùa đánh bắt cá mỗi khi vào Xuân. Tháng 3/2019, một tàu cá khác của Việt Nam đã bị đâm chìm vì đụng độ với một tàu chấp pháp của Trung Quốc gần Đá Lồi. Vụ đụng độ mới nhất hồi tháng trước phản ánh những biến động có tính chu kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực này, và quyết tâm đáp trả của Bắc Kinh. (iv) Trung Quốc cũng can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác. Cũng trong tháng 4, tàu Hải dương Địa chất 8 – một tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc – bắt đầu hoạt động trong EEZ của Malaysia với sự bảo vệ của các tàu hải cảnh. Đây không phải là nỗ lực mới của Bắc Kinh có liên quan đến nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc từng gây sức ép liên quan đến các hoạt động khai thác gần Bãi Tư Chính. Năm 2019, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh đi xung quanh và quấy rối các hoạt động khoan thăm dò trong EEZ của Việt Nam và Malaysia. Trên thực tế, chính tàu Hải dương Địa chất 8 này đã từng xâm phạm khi có hoạt động bên trong vùng EEZ của Việt Nam từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10/2019. Bên cạnh đó, Giáo sư M.Taylor Fravel cho rằng, Trung Quốc có thể coi việc gia tăng tranh chấp chủ quyền của họ quan trọng hơn việc tạm dừng lại một thời gian để tập trung vào đối phó với đại dịch COVID-19 hay cải thiện quan hệ với các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, vì cân nhắc sự tương quan giữa bất ổn định ở trong nước với các thách thức ở bên ngoài, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không chấp nhận tạm dừng hành động trên Biển Đông, với lo ngại đây sẽ là tín hiệu về sự yếu đuối hay thay đổi chiến lược của Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp tại Biển Đông.

Không những vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc giỏi nhất là việc lợi dụng khó khăn của nước khác để can thiệp, tạo ảnh hưởng hoặc xâm chiếm biển. Các sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa là những minh chứng sống và đã được chứng minh trái với cam kết của nước này tại Liên hợp quốc. Đại dịch COVID-19 đã làm rõ ràng hơn mưu đồ của Bắc Kinh về Biển Đông. Điều đó khiến các quốc gia, không chỉ có yêu sách ở Biển Đông, mà các đối tác lớn nhất của Trung Quốc như Mỹ, EU, Úc, Ấn Độ phải tìm cách hành động. Theo đó, các nước có thể sử dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó với Trung Quốc. Về kinh tế, giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc, trừng phạt kinh tế khi Bắc Kinh phạm pháp; về pháp lý, từng nước hoặc các nhóm nước cùng xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế; đàm phán hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); về ngoại giao, lên án mạnh mẽ cách hành xử phi pháp của Trung Quốc trên mọi diễn đàn an ninh – chính trị quốc tế để nâng cao nhận thức công luận về “mối đe dọa” Trung Quốc tại Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới