Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnCảnh giác những "chiêu trò" của TQ để độc chiếm Biển Đông

Cảnh giác những “chiêu trò” của TQ để độc chiếm Biển Đông

Trung Quốc đã tung ra hàng loạt “đòn hiểm” dùng sức mạnh cả quân sự và kinh tế để vừa áp đặt chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông, đồng thời chia rẽ sức mạnh đoàn kết của các quốc gia ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền hợp pháp cũng như tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển có vai trò sống còn với lợi ích lâu dài của hiệp hội cũng như mỗi thành viên.

Bất chấp tất cả để hiện thực hóa tham vọng ở Biển Đông

Trong diễn biến mới nhất, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc vào trung tuần tháng 5 này đã rời vùng biển mà Malaysia tuyên bố thuộc đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, nơi tàu thăm dò dầu khí The West Capella của Malaysia đang hoạt động. Nguy cơ về một cuộc “va chạm” giữa các nhóm tàu của Malaysia và Trung Quốc tại vùng biển sâu về phía Nam Biển Đông tạm thời lắng xuống, song không phải vì thế mà những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên vùng biển này có thể giảm bớt nếu nhìn vào những gì đã diễn ra từ đầu năm 2020 tới nay.

Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) hoành hành tại chính quốc gia “tâm dịch” Trung Quốc rồi lây lan ra khu vực và thế giới, Trung Quốc chưa có bất kỳ khoảng thời gian nào dừng những hành vi đòi chủ quyền trên Biển Đông theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” năm 2009 và thuyết “Tứ Sa” năm 2013.

Yêu sách đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc đã bị Tòa án Trọng tài thường trực căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) bác bỏ trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Nguy hiểm hơn những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền hợp pháp của các quốc gia ASEAN trong năm 2019, những hành vi này của Trung Quốc từ đầu năm 2020 tới nay mở rộng “gây hấn” thêm các thành viên khác của hiệp hội.

Hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất luật pháp quốc tế và chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính trong suốt thời gian gần 3 tháng từ tháng 7 đến gần cuối tháng 10-2019.

Những tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục có những hành vi vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có những bước leo thang mới như thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”; công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam; cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam… Đồng thời, Trung Quốc có những hành gi gây căng thẳng, gây hấn trên các vùng biển mà các thành viên ASEAN là Philippines, Malaysia, Indonesia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Những hành vi của Trung Quốc đã bị chỉ trích, lên án bởi dư luận khu vực và thế giới cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng việc các quốc gia đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 vốn xuất phát từ Trung Quốc để hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

 Nguy hiểm hơn, theo giới phân tích, việc tiếp tục leo thang các hoạt động đòi chủ quyền ở Biển Đông trong bối cảnh đại dịch hoành hành cho thấy Trung Quốc đang bất chấp tất cả, từ luật pháp quốc tế, chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan cho tới dịch dã, thiên tai hòng hiện thực hóa bằng được tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Đoàn kết là sức mạnh của ASEAN đối phó với thách thức chung

Gia tăng các đòi hỏi chủ quyền với thêm nhiều bên liên quan ở Biển Đông, trong đó chủ yếu là các quốc gia thành viên ASEAN, song Trung Quốc cũng kết hợp tung những đòn khác hòng ly tán sự đoàn kết nhất trí của hiệp hội trong ứng phó với những thách thức an ninh chung.

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là cuộc tranh chấp chấp “5 nước, 6 bên” (gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan), Trung Quốc tìm cách lôi kéo, ràng buộc các quốc gia thành viên ASEAN khác không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Bắc Kinh.

Với sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nguồn dự trữ ngoại tệ lớn bậc nhất thế giới, Trung Quốc đã tung lợi ích kinh tế như một “miếng mồi nhử” trong hợp tác với nhiều quốc gia đang phát triển, nước nghèo trên khắp thế giới, trong đó có các quốc gia thành viên ASEAN. Những khoản viện trợ, những dự án đầu tư hay thương vụ làm ăn lớn… khi cần thiết luôn được Bắc Kinh dùng như một công cụ để gây áp lực trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là những vấn đề như lập trường của các quốc gia.

Thực tế thời gian qua cho thấy đã có những lúc ASEAN gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực mà nổi bật là vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thậm chí có lần Hội nghị ASEAN đã không ra được Tuyên bố chung mà giới quan sát đã chỉ ra là có sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề nội bộ của hiệp hội.

Đúng là chỉ có 4 trong tổng số 10 thành viên ASEAN hiện nay có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, song hòa bình, ổn định và an ninh ở vùng biển này lại có ý nghĩa sống còn với sự hợp tác, phát triển và thịnh vượng của tất cả các quốc gia trong hiệp hội. Không chỉ là tuyến vận tải hàng hải, hàng không nhộn nhịp nhất thế giới, là huyết mạch của nền kinh tế khu vực và thế giới, Biển Đông với vị trí địa chính trị trọng yếu toàn cầu của mình còn là không gian sinh tồn của nhiều quốc gia thành viên ASEAN, kể cả các quốc gia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Bằng các mối quan hệ kinh tế, bằng các yêu sách về thương mại, Trung Quốc buộc nhiều nước trong khu vực phải chọn cách ủng hộ họ nếu không muốn phải chịu sự thiệt hại về kinh tế. Đó chẳng khác gì một kiểu đe dọa thâm hiểm. Thái độ và hành động của Trung Quốc đã và đang làm xói mòn an ninh, ổn định và lòng tin tại khu vực.

Để Trung Quốc dùng những “đòn hiểm” chi phối, gây chia rẽ đoàn kết nhất trí, ASEAN sẽ mất đi sức mạnh quan trọng nhất của hiệp hội trong việc ứng phó với những thách thức chung. ASEAN cần cảnh giác với những bước đi khiêu khích cùng những lời lẽ “mật ngọt” kèm với những lợi ích kinh tế, khiến cho các quốc gia trong khu vực mất cảnh giác và đánh mất luôn cả không gian chiến lược của mình nếu bị ru ngủ bởi những thủ đoạn này.

RELATED ARTICLES

Tin mới