Tuy đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đối với nền kinh tế của Trung Quốc, nhưng để thực hiện mưu đồ bá quyền, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa lực lượng quân đội.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm tài khóa mới sẽ được công bố tại lễ khai mạc kỳ họp thường niên của quốc hội (22/5). Theo nhận định của giới học giả, chi tiêu quân sự năm nay của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng so với năm 2019. Được biết, Trung Quốc đã thiết lập mức tăng 7,5% cho ngân sách quốc phòng vào năm 2019, vượt xa mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm là 6,1%.
Thời gian gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã thu hẹp quy mô 6,8% trong quý đầu năm 2020 so với một năm trước đó, khi coronavirus mới lan ra từ thành phố Vũ Hán, nơi nó xuất hiện vào cuối năm ngoái và chính phủ cho biết điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, bất chấp sự bùng phát của coronavirus, Trung Quốc vẫn phải tăng chi tiêu quốc phòng là do:
Thứ nhất, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Mỹ vẫn hoạt động ở cả Biển Đông và xung quanh Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tạ Dược, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Giao Thông Thượng Hải và là chuyên gia bảo mật, cho rằng khó có thể dự đoán liệu ngân sách quốc phòng sẽ tăng với tốc độ cao hơn hay thấp hơn năm ngoái, nhưng chắc chắn sẽ tăng. Từ góc độ an ninh quốc gia, Trung Quốc cần phải tỏ ra mạnh mẽ đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nước đang gây áp lực lớn hơn cho Trung Quốc trên tất cả các mặt trận, bao gồm cả về quân sự. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Đường Nhân Vũ, trưởng khoa hành chính công của Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng ngay cả khi chính phủ cắt giảm mọi thứ khác, họ sẽ không cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Thứ hai, nguy cơ xung đột tiềm ẩn. Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc cảnh báo trong một báo cáo nội bộ gần đây rằng Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng thù địch đang gia tăng sau sự bùng nổ của coronavirus có thể khiến dẫn đến đối đầu vũ trang, nhất là khả năng xung đột Mỹ – Trung. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc xem mối đe dọa quân sự ngày càng hiện hữu khi mà kể từ đầu năm nay, các oanh tạc cơ Mỹ đã thực hiện khoảng 40 chuyến bay qua Biển Đông và biển Hoa Đông. Con số này nhiều hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Thậm chí, hải quân Mỹ cũng đã thực hiện 4 sứ mệnh “tuần tra đảm bảo tự do hàng hải” ở Biển Đông. Trong cả năm 2019, hải quân Mỹ tiến hành 8 lần tuần tra trên Biển Đông. Do đó, quân đội Trung Quốc muốn tăng nguồn lực hỗ trợ hiện đại hóa quân đội và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Thứ ba, vấn đề Đài Loan chưa được giải quyết. Hồi tháng 7/2019, Sách trắng quốc phòng của quân đội Trung Quốc đã nhận định, hai trong số những mối đe dọa mang tính thách thức nhất là các lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan và các phần tử ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Quân đội Trung Quốc cũng khẳng định “sẽ bảo vệ sự hợp nhất quốc gia bằng mọi giá”. Theo ông Ni Lexiong, một chuyên gia chiến lược hải quân Trung Quốc, dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan bao gồm 66 tiêm kích F-16 Viper là nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ tài chính để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Trong khi đó, Giáo sư Alexander Huang Chieh-cheng tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc nhận định, xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan dường như không thể xảy ra trong hai năm tới và Bắc Kinh cần tập trung vào những nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhưng nguy cơ bùng nổ xung đột vẫn gia tăng. Theo đó, Bắc Kinh được cho sẽ tiếp tục hăm dọa Đài Bắc khi cho tiến hành thêm các cuộc tập trận nhằm đe dọa chính quyền của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn trong nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm nữa.
Thứ tư, hiện đại hóa quân đội theo mục tiêu đề ra. Theo chiến lược cải cách quân sự của nhà lãnh đạo Tâp Cận Bình, quân đội Trung Quốc sẽ trở thành đội quân chiến đấu đứng đầu thế giới vào năm 2050, khi sở hữu ít nhất là 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035, đồng thời đẩy mạnh phát triển và nghiên cứu các loại vũ khí hiện đại cũng như tái cơ cấu bộ máy chỉ huy quân sự. Còn hiện tại, Trung Quốc đang nắm trong tay 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông. Trong đó, Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc và đang trong quá trình chạy thử nghiệm trên biển. Bên cạnh đó, hải quân Trung Quốc cũng đang cho chạy thử hai tàu đổ bộ tấn công chở trực thăng Type 075 có lượng giãn nước toàn tải 40.000 tấn. Quân đội Trung Quốc còn có kế hoạch sở hữu 9 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055. Type 055 hiện được đánh giá là tàu chiến mạnh nhất và hiện đại nhất ở châu Á.
Thứ năm, đầu tư cho quân y. Quân đội Trung Quốc trở thành tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, khi hàng chục ngàn binh sĩ tham gia vào hoạt động tại tâm dịch Vũ Hán hồi tháng Một. Theo đó, quân đội Trung Quốc đã cử bác sĩ quân y đi chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, còn binh sĩ và nhân viên hậu cần đảm bảo lệnh phong tỏa cách ly được thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh chống dịch bệnh, quân đội Trung Quốc còn được cho sẽ hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho nhiều ngành nghề rơi vào cảnh thất nghiệp do dịch bệnh để đẩy mạnh nhanh tiến độ khôi phục nền kinh tế. Theo một quan chức quân sự Trung Quốc giấu tên, dịch Covid-19 đã tạo thêm gánh nặng tài chính ngoài mong muốn cho quân đội Trung Quốc.
Được biết, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2019 là 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 167,5 tỷ USD), bằng một phần tư ngân sách quốc phòng của Mỹ năm ngoái, đứng ở mức 686 tỷ đô la. Tuy nhiên, con số thực của khoản chi quốc phòng Trung Quốc vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Theo một số chuyên gia quân sự Trung Quốc, quân đội nước này muốn có khoản ngân sách quốc phòng tương đương hoặc lớn hơn mức tăng trưởng 7,5% của năm ngoái. Do đó, khả năng ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng lên 9% cho năm nay. Tuy nhiên, khoản ngân sách quốc phòng Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng do kinh tế sụt giảm từ tác động của dịch Covid-19.