Hải quân Philippines được biết tới là lực lượng lạc hậu nhất khu vực Đông Nam Á với đội tàu già nua, cổ lỗ, nhiều chiếc có tuổi đời lên tới 70 năm. Tuy nhiên, sau khi mua 2 tàu chiến Jose Rizal và Antonio Luna do Hàn Quốc đóng, năng lực tác chiến của hải quân Philippines đã được cải thiện rõ rệt.
Philippines là một quốc gia nằm ở Đông Nam Á có lợi ích trực tiếp rất lớn đối với Biển Đông, đất nước này sở hữu đến 7.641 hòn đảo với lãnh hải rộng lớn, bao trùm hoàn toàn bởi biển cả mà người Philippines vẫn gọi là biển đông Philippines và biển tây Philippines (tức Biển Đông). Tuy nhiên hải quân Philippines vẫn chưa thực đầu tư một cách xứng đáng với trọng trách nặng nề mà họ phải thực hiện. Các tàu chiến của hải quân Philippines đa phần đều là tàu cũ, có cả những tàu từ thời thế chiến 2 hay chiến tranh Việt Nam. Những soái hạm lớn nhất của hải quân Philippines là những tàu Hamilton mua từ Mỹ – loại tàu mà Mỹ chỉ dùng làm tàu tuần duyên và hỏa lực chỉ ngang ngửa tàu pháo 400 tấn TT-400TP do Việt Nam tự đóng.
Tính đến năm 2017, hải quân Philippines có khoảng 100 tàu, trong đó số tàu chiến chủ lực chỉ 15 chiếc, gồm 3 chiếc lớp Hamilton (tàu tuần tra cũ do Tuần duyên Mỹ bàn giao), 1 tàu hộ tống lớp Cannon, 2 tàu lớp Rizal, 3 tàu lớp Jacinto (Hồng Kông bàn giao từ năm 1997), 5 tàu lớp Malvar, và 1 tàu lớp Cyclone. Chiếc tàu hộ tống lớp Cannon duy nhất là BRP Rajah Humabon (FF-11) có từ thời thế chiến 2, hiện dùng để huấn luyện và tuần tra biển chủ yếu trong khu vực Manila-Subic. Các tàu chiến của Philippines đa số cũ kỹ, 3 chiếc được xem lớn nhất là 3 tàu lớp Hamilton do Tuần duyên Mỹ bàn giao cũng đã trên 50 năm, vũ khí cũng chỉ có pháo 76 mm và pháo 20, 30 mm và nay được chuyển thành tàu tuần tra. Không có tàu nào được trang bị tên lửa diệt hạm. Năm 2017, Philippines được Hàn Quốc viện trợ 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang đã loại biên, và dự kiến nhận vào giữa năm 2019.
Năm 2016, Manila đặt Hàn Quốc đóng mới 2 tàu chiến Jose Rizal (HDF-2600) và Antonio Luna (FF-150) với tổng kinh phí 16 tỉ peso (355 triệu USD), cùng hợp đồng cung cấp vũ khí cho 2 tàu trị giá 2 tỉ peso (46 triệu USD). Chiến hạm BRP Jose Rizal dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2020, còn chiếc Antonio Luna là vào năm 2021.
Tàu chiến Jose Rizal thiết kế dựa trên khinh hạm lớp Incheon của hải quân Hàn Quốc, tàu có lượng giãn nước đầy tải 2.870 tấn, dài 107.5m, rộng 13.8m. Tàu được trang bị 4 động cơ diesel MTU STX 650kW cho phép nó có thể đạt vận tốc tối đa khoảng 26 hải lý/h và tầm hoạt động 4.500 hải lý. Vũ khí trang bị của tàu chiến Jose Rizal khá mạnh mẽ khi sử dụng một pháo hạm Otto Melara Super Rapid 76mm, 1 hệ thống SMASH-30 RCWS sử dụng pháo bắn nhanh 30mm, 2×3 ngư lôi chống ngầm cỡ 324mm, 4 tên lửa chống hạm SSM-700K (C-STAR) tầm bắn tối đa 150km, 8 bệ phóng thẳng đứng đa nhiệm (VLS), 2 hệ thống phòng không Simbad-RC sử dụng tên lửa Mistral tâm bắn 6km. Tàu trang bị các loại thiết bị điện tử hiện đại như radar dò tìm và khóa mục tiêu trên không và trên biển, các thiết bị quang điện tử và thiết bị chiến tranh điện tử khác. Tàu còn có sân đáp trực thăng với tải trọng tối đa 12 tấn, 2 xuồng cao su để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Loại trực thăng trang bị cho tàu lớp Rizal sẽ là AgustaWestland AW-159 vừa trang bị cho hải quân, có khả năng săn ngầm. Tàu có thể hoạt động trong điều kiện sóng cấp 7, tức sóng cao 6-9 m. Tàu có tốc độ tối đa 46 km/giờ, hành trình tối đa 4.500 hải lý (8.300 km), hoạt động liên tục 30 ngày, với thủy thủ đoàn và sĩ quan là hơn 100 người.
Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad cho biết đây sẽ là chiến hạm hùng mạnh nhất của hải quân Philippines khi trang bị các cảm biến cùng vũ khí có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa từ trên không, trên mặt biển đến dưới lòng biển cũng như khả năng tác chiến điện tử. Theo đó, chiến hạm này được trang bị hệ thống điều hành tác chiến Naval Shield của tập đoàn Hanwha Systems (Hàn Quốc), hệ thống này tích hợp các cảm biến và vũ khí trên tàu để phân tích và đưa ra quyết định về việc đối phó các mối đe dọa nhắm đến con tàu. Hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi khoảng 4.000 mục tiêu cùng lúc, được sử dụng trong Hải quân Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia.
Bên cạnh việc mua 02 tàu chiến mới do Hàn Quốc đóng, Philippines gần đây cũng nỗ lực hiện đại hóa hải quân để đối phó các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, Philippines đã đặt mua tàu chiến, máy bay, vũ khí… để nâng cấp lực lượng hải quân và lực lượng tuần duyên. Philippines cũng đặt Indonesia đóng 2 tàu vận tải quân sự cỡ lớn lớp Tarlac, bàn giao vào các năm 2016 và 2017. Trong 5 năm tới, Philippines sẽ chi tiêu 2,4 tỉ USD mua sắm tàu ngầm, đóng thêm 4 tàu hộ tống và 6 tàu tuần tra đa năng, mua máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV, radar… Vừa qua, Nga lên tiếng chào hàng với Philippines loại tàu ngầm Kilo 636 tương tự loại đã cung cấp cho Hải quân Việt Nam.
Việc đưa vào biên chế 2 khinh hạm mới mua từ Hàn Quốc sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh của hải quân Philippines, là mẫu tàu chiến hiện đại nhất của nước này và cũng là mẫu tàu đầu tiên của hải quân nước này có thể mang theo tên lửa chống hạm.