Sunday, October 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐài Loan lo ngại về khả năng TQ sẽ sử dụng vũ...

Đài Loan lo ngại về khả năng TQ sẽ sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề giữa hai bờ eo biển

Thời gian gần đây đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không từ bỏ khả năng sử dụng các biện pháp quân sự để thống nhất với Đài Loan. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra, khu vực sẽ trở thành chiến trường mới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Quan hệ căng thẳng chưa từng có

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực eo biển Đài Loan, liên tục điều tàu chiến, máy bay ném bom, máy bay trinh sát di chuyển qua vùng biển này. Trong những tuần gần đây, các quan chức quân đội về hưu của Trung Quốc từng nhiều lần đề cập tới liệu đại dịch COVID-19 có phải là một cơ hội để “thu thập” Đài Bắc hay không. Đầu tháng trước, trong bài viết đăng tải trên một cơ quan truyền thông thuộc sở hữu của Trung Quốc nhưng có trụ sở tại Hong Kong, một cựu quan chức hải quân Trung Quốc cho rằng, hiện đang là thời điểm để thực hiện hành động quân sự chống lại Đài Bắc. Bài báo đã bị gỡ bỏ nhưng các tranh luận vẫn đang tiếp diễn. Tuần trước, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đăng tải, quân đội Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận vào tháng 8 sắp tới, trong đó tình huống giả định là chiến dịch chiếm đóng đảo quần đảo Đông Sa – nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Biển Đông. Cùng lúc, chính phủ Trung Quốc cũng công bố các hoạt động tập trận bắn đạn thật kéo dài 2 tháng gần cảng Đường Sơn. Một số chuyên gia quân sự coi đây là một cuộc tập trận để tấn công Đài Loan.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Đài Loan, những tín hiệu trên và động thái của quân đội Trung Quốc liên quan tới đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan đã làm dấy lên ý kiến rằng, nỗi tức giận trước những thành công của Đài Bắc trong kiềm chế dịch bênh COVID-19 đã khiến Bắc Kinh lựa chọn cách cư xử mang tính khiêu chiến hơn. Bên cạnh đó, Đài Loan được đánh giá là đã ngăn cản được dịch bệnh bùng phát khi chỉ có hơn 440 ca dương tính và 8 ca tử vong vì virus corona mới. Thành tích này đã thu hút sự chú ý của thế giới cũng như gia tăng ủng hộ cho Đài Bắc gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đáng chú ý, phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (20/5) đã tuyên bố không chấp nhận đề nghị “Một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc. Tuy nhiên hòn đảo này sẵn sàng đối thoại với đại lục để tìm giải pháp lâu dài. Bà Thái Anh Văn cho rằng: “Tôi muốn lặp lại các từ ‘hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại’. Chúng ta sẽ không chấp nhận việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng ‘Một quốc gia, hai chế độ’ để hạ thấp Đài Loan và phá hoại hiện trạng ở eo biển (Đài Loan). Chúng ta sẽ kiên quyết với nguyên tắc này. Hai bên có nghĩa vụ tìm ra giải pháp cùng tồn tại về lâu dài và ngăn sự gia tăng đối kháng, khác biệt. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực này và sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc đồng thời củng cố an ninh khu vực”. Đáp trả tuyên bố của bà Thái Anh Văn, Trung Quốc nhấn mạnh sẽ không cho phép hòn đảo này độc lập dưới bất kỳ hình thức nào. Người phát ngôn Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Mã Hiểu Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không cho phép Đài Loan độc lập dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi kiên quyết và có đủ tự tin, khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”; đồng thời cũng chỉ trích sự can thiệp của “các thế lực bên ngoài”, được dùng để ám chỉ Mỹ – một đồng minh quân sự với Đài Loan. Vì vậy, quan hệ giữa hai phía Eo biển Đài Loan giờ đây trở nên rất căng thẳng.

Đài Loan không dễ “ăn”

Theo nhận định của giới chuyên gia, để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất. Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực. Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển. 

Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương. Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân. 

Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc. Trong chiến lược phòng thủ kiểu A2/AD này, Mỹ không cần triển khai tàu sâu bay hay tiêm kích tới eo biển Đài Loan để hỗ trợ đồng minh và hứng chịu rủi ro  lớn về con người và vũ  khí. Quân đội Mỹ có thể sử dụng năng lực trinh sát, do thám và cảnh báo tầm xa của mình để cung cấp thông tin về hoạt động điều chuyển lực lượng của Trung Quốc, cũng như dữ liệu mục tiêu để lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể phong tỏa vùng biển, vùng trời xung quanh hòn đảo. Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dùng các loại máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B2, tiêm kích F-35 hoặc tàu ngầm lớp Ohio để tấn công các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại bờ biển Đài Loan, giúp đồng minh đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn.

Theo hầu hết giới phân tích quân sự, để thành công trong việc thống nhất Đài Loan, Bắc Kinh phải ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ hoặc đánh bại các lực lượng quân sự của Washington xung quanh hòn đảo này, đồng thời phải ngăn cản các lực lượng khác tiến vào khu vực. Reuters nhận định Trung Quốc đại lục vẫn chưa đủ mạnh để làm được điều này, song sự nâng cao về năng lực quân sự có thể vẫn cho phép Bắc Kinh giành được phần thắng. Chắc chắn, những toan tính của quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng tập trung vào kịch bản xung đột quân sự, trong đó Bắc Kinh vừa muốn thống nhất lãnh thổ vừa đẩy lùi các lực lượng của Mỹ trong khu vực.

Giới phân tích nhận định kế hoạch thống nhất Đài Loan là sự tính toán về địa chính trị của chính quyền Trung Quốc. Suốt hơn 50 năm qua, mặc dù không thể cản trở Đài Loan phát triển như một vùng lãnh thổ độc lập, song Bắc Kinh vẫn tìm cách ngăn Đài Bắc đưa ra tuyên bố độc lập chính thức. Xét trên phạm vi nào đó, các động thái của Bắc Kinh, như sự cứng rắn ngày càng tăng về quân sự thông qua việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần Đài Loan, là nhằm nhắc nhở những người cầm quyền tại Đài Bắc rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào giành độc lập trên hòn đảo này cũng sẽ dẫn tới chiến tranh. Hơn nữa, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu. Do vậy Bắc Kinh muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đủ mạnh để thống nhất Đài Loan bất kể khi nào họ muốn.

Được biết, Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ khẳng định điều đó bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh thường hay đẩy mạnh căng thẳng giữa hai bên trong thời điểm diễn ra lễ nhậm chức của người đứng đầu Đài Loan. Mục đích chính là ngăn cản bất kỳ động thái nào nhằm chính thức hóa vị thế độc lập của Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới