Một số nguồn tin tiết lộ chính phủ Mỹ đang xem xét thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vốn đã không được tiến hành kể từ năm 1992như một lời cảnh báo tiềm năng đối với Nga và Trung Quốc.
Theo thông tin trên, các quan chức cấp cao nước này vừa thảo luận về các chương trình an ninh quốc gia hôm 15/5. Tại cuộc họp, vấn đề tái khởi động thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã được đưa ra, song không đi đến kết luận về khả năng tái thử hạt nhân do có nhiều bất đồng sâu sắc đối với ý tưởng này được đưa ra, trong đó có ý kiến từ Cơ quan Quản lý an ninh hạt nhân quốc gia (NNSA). Tuy vậy, một quan chức cấp cao khẳng định đề xuất này “là vấn đề đang được thảo luận”, cho rằng việc chứng minh khả năng “thử nghiệm nhanh” của Washington sẽ là một chiến thuật đàm phán hữu ích khi Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc về vũ khí hạt nhân.
Nội dung này được đưa ra bàn bạc sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ ngầm dưới đất. Theo Đặc phái viên của ông Trump phụ trách đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân Marshall Billingslea cảnh báo Trung Quốc “có ý định phát triển lực lượng hạt nhân và dùng lực lượng đó để đe dọa Mỹ cùng đồng minh”. Cả Moscow và Bắc Kinh đều đã phủ nhận thông tin này.
Theo Washington Post, một mục tiêu chính của vụ thử hạt nhân mà Washington đang tính tới là để kiểm tra độ tin cậy của kho vũ khí hiện có hoặc thử các thiết kế vũ khí mới. Hàng năm, các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ, bao gồm cả người đứng đầu các phòng thí nghiệm hạt nhân quốc gia và chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ, phải chứng nhận sự an toàn và độ tin cậy của kho dự trữ mà không cần kiểm tra. Chính quyền Trump đã nói rằng, không giống như Nga và Trung Quốc, họ không theo đuổi vũ khí hạt nhân mới nhưng có quyền làm như vậy nếu hai nước từ chối đàm phán về các chương trình của họ.
Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, động thái trên của Mỹ có thể gửi tín hiệu tiêu cực tới những quốc gia như Triều Tiên và dấy lên sự hoài nghi về tính cần thiết phải tuân thủ các lệnh cấm thử vũ khí nguyên tử. Trong khi đó, các nhà hoạt động không phổ biến hạt nhân đã nhanh chóng lên án ý tưởng này. Giám đốc điều hành của Hiệp hội kiểm soát vũ khí Daryl Kimball nhận định, hành động trên “sẽ là phát súng mở màn cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân chưa từng có”; nhấn mạnh một cuộc thử nghiệm như vậy cũng có khả năng sẽ phá vỡ các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un – người có thể không còn cảm thấy bị ép buộc phải tôn trong cam kết của ông về thử nghiệm hạt nhân.
Các cuộc thảo luận về thử nghiệm hạt nhân được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Trump chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở có hiệu lực từ năm 2002. Đây là hiệp ước giúp giảm khả năng xảy ra chiến tranh tình cờ bằng cách cho phép 34 nước thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát lẫn nhau. Theo nhận định của Washington Post, đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí thứ 3 mà ông Trump đã bãi bỏ kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ. Vào năm 2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung năm 1987 vì cho rằng Nga vi phạm hiệp ước. Trước đó 1 năm, Washington tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đã ký với Iran hồi tháng 7/2015. Trụ cột chính còn lại của kế hoạch kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga là Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Ông Trump đang nỗ lực thúc đẩy một cuộc đàm phán mới với sự tham gia của Trung Quốc ngoài Nga nhưng Bắc Kinh đã từ chối.
Mỹ chấm dứt thử nghiệm nổ hạt nhân từ tháng 9/1992. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, ít nhất 8 quốc gia đã tiến hành tổng cộng hơn 2.000 vụ thử hạt nhân. Trong đó, Mỹ là nước thử nghiệm hạt nhân nhiều nhất với hơn 1.000 vụ. Năm 1996, Hiệp định Cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân toàn diện ra đời với sự tham gia của 184 quốc gia. Tuy nhiên, hiệp định chưa đi vào hiệu lực do chưa được một số quốc gia chủ chốt phê chuẩn, trong đó có Mỹ.