Wednesday, October 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới học giả Mỹ: TQ đang gia tăng các hoạt động phi...

Giới học giả Mỹ: TQ đang gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông

Các hành vi của Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia… là điều không thể chấp nhận được. Do đó, các nước trong đó có Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng trong vấn đề Biển Đông, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phát biểu tại Diễn đàn Thái Bình Dương, do Mỹ và Hội đồng Yokosuka chuyên về các vấn đề của châu Á – Thái Bình Dương (YCAPS) tổ chức, Giáo sư James Kraska, Trung tâm luật quốc tế Stockton, Trường Hải chiến Mỹ (22/5) nhận định, Bắc Kinh chưa từ bỏ quan niệm luật là dành cho nước lớn, nên không chấp nhận phán quyết Biển Đông; cho rằng Trung Quốc coi luật là luật là cơ chế chung dành cho tất cả. Theo Giáo sư Kraska, Trung Quốc khá lúng túng sau phán quyết do không quen với khái niệm luật lệ chung. Riêng ở Đông Á, Bắc Kinh từ lâu đã đóng vai trò chi phối, không xử lý quan hệ với các nước trên cơ sở bình đẳng; khẳng định hành động gần đây của Trung Quốc, tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Nam Sa và Tây Sa” thuộc “thành phố Tam Sa” là hành động trái luật. Bên cạnh đó, ông James Kraska cũng cho rằng Trung Quốc nỗ lực kiểm soát Biển Đông vì muốn biến khu vực này thành vùng đệm, giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng ngang với Mỹ và giữ các nước láng giềng trong vòng kiểm soát của mình.

Đáng chú ý, Giáo sư Kraska nêu ba khuyến nghị để buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, theo đó: Thứ nhất, các nước ASEAN có thể tránh bị Bắc Kinh chi phối về kinh tế nếu mở rộng hợp tác với các đối tác ngoài khu vực khác; song các nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cần thận trọng trong quan hệ với Bắc Kinh, vì họ không thể thay đổi vị trí địa lý của mình. Trung Quốc từng dùng chuối của Philippines để giành ảnh hưởng. Năm 2012, Bắc Kinh dừng nhập sản phẩm này sau khi hai bên đụng độ tại bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, khi tình hình ở bãi cạn lắng dịu, Bắc Kinh năm 2018 trở thành nước nhập khẩu chuối nhiều nhất của Manila. Đề xuất thứ hai, trên phạm vi thế giới, các nước nên thúc đẩy xu hướng chuyển nguồn nhập hàng trong chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka có thể trở thành các điểm cung ứng thay thế hiệu quả. Trên thực tế, Nhật Bản hồi đầu tháng 4/2020 tuyên bố sẽ dành 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, do ảnh hưởng của Covid-19. Thứ ba, cộng đồng quốc tế cần xem xét biện pháp trừng phạt khi Trung Quốc không tuân thủ phán quyết Biển Đông. Nhiều nước trên thế giới đã phải chịu trừng phạt khi vi phạm luật pháp quốc tế. Các nước cần để Bắc Kinh thấy họ cũng phải gánh hậu quả tương tự.

Trước đó, Giáo sư  John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland, Mỹ cho rằng các hành vi của Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia… là điều không thể chấp nhận được. Do đó, các nước trong đó có Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng trong vấn đề Biển Đông, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Giáo sư Rennie Short nhấn mạnh, Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ và có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của nước này ra khắp khu vực và trên toàn thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, theo Giáo sư Rennie Short, để làm được điều này, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Bởi Trung Quốc luôn “ỷ vào sức mạnh của mình” để tiếp tục gây sức ép với Việt Nam và các nước trong khu vực trong vấn đề Biển Đông buộc các nước phải chấp thuận các yêu sách phi lý của Trung Quốc.

Theo vị Giáo sư người Mỹ, Trung Quốc được cho là cường quốc “không quan tâm gì đến lý lẽ” khi họ đơn phương thực thi những hành vi sai trái ở Biển Đông, như việc liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines; tự động bồi đắp, xây dựng các căn cứ quân sự phi pháp trên các đảo chìm chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Một thách thức khác được Giáo sư Rennie Short chỉ ra đó là, trong nhiều năm qua, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai cường quốc gia. Việc thế giới ngày càng quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines hay Indonesia, cho thấy vấn đề Biển Đông là vấn đề của khu vực, của quốc tế. Chính vì thế, Giáo sư Short nhắc lại quan điểm rằng, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế.

Bên cạnh đó, không nhiều người Mỹ biết đến quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông so với những gì họ có thể tiếp cận được từ Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, điều này sẽ thay đổi khi mà Việt Nam đang ngày càng chủ động hơn trong việc truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới để nhận được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế. Cũng theo Giáo sư Rennie Short, việc các nước ASEAN phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược nội khối, sẽ giúp đảm bảo an ninh, ổn định khu vực và an toàn trên Biển Đông. Theo vị Giáo sư Mỹ, “việc Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu này. Vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và tôi tin chắc rằng, Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy giải quyết những vấn đề trong khu vực có tác động tới Việt Nam và các quốc gia trong khối vì lợi ích chung. Tôi nghĩ rằng vị thế chủ tịch ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam cần nêu bật được khả năng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Không chỉ riêng lợi ích của Việt Nam đâu mà còn lợi ích chung của nhiều quốc gia khác trong khu vực”.

James Stavridis – Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, từng là Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết ông đã dành phần lớn sự nghiệp đi biển của mình ở Thái Bình Dương, và từng nhiều lần đi qua Biển Biển Đông. Biển Đông là một vùng biển lớn, có diện tích tương đương biển Caribbean và Vịnh Mexico gộp lại. Dưới đáy Biển Đông là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Gần 40% hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế trên biển đi qua khu vực này. Trung Quốc đã có những tuyên bố chủ quyền sai trái đối với phần lớn Biển Đông. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi do hai nước liên tục đổ lỗi cho nhau vì đại dịch Covid-19 và Mỹ sắp bước vào một cuộc bầu cử tổng thống, khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông ngày càng lớn.

Cơ sở lịch sử để Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông xuất phát từ các chuyến hải trình hồi thế kỷ XV của Đô đốc Trịnh Hòa. Các chuyến thám hiểm Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và các vùng biển Arab và châu Phi của Đô đốc Trịnh Hòa đã trở thành huyền thoại tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Stavridis, đây không phải là cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng Biển Đông và coi vùng biển này như “ao nhà” của họ. Lập luận này đã bị tất cả các quốc gia ven Biển Đông và tòa án quốc tế kịch liệt bác bỏ. Để chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc tuần tra trên biển trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải, nhằm thể hiện rằng đây là vùng biển quốc tế – mà theo cách gọi của luật pháp quốc tế là “biển cả”.

Cựu Đô đốc Stavridis cho biết, các tàu chiến của Mỹ hiện đã tìm ra cách để cân bằng giữa việc bị các tàu của Iran đối đầu và quấy nhiễu tại vùng Vịnh, và họ sẽ cần làm điều tương tự ở Biển Đông – nơi lợi ích của Mỹ còn cao hơn. Điều mấu chốt là Mỹ cần dần dần thay đổi cách hành xử của Trung Quốc mà không phá vỡ mối quan hệ quốc tế này theo cách dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh hay một cuộc xung đột vũ trang khác. Cách tốt nhất để làm được điều đó là đưa thêm các đồng minh quốc tế tham gia vào các chiến dịch tự do hàng hải (bao gồm cả các đối tác trong NATO, cùng với Australia và Nhật Bản); tăng cường sự can dự của Mỹ với Đài Loan, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quân đội; kiên quyết thực hiện một cuộc điều tra quốc tế tổng thể về đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán; và xây dựng các quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác ven Biển Đông.

Những biện pháp đối đầu này cần đi kèm với những đề nghị hợp tác với phía Trung Quốc. Những đề nghị này có thể bao gồm các thỏa thuận thương mại và thuế quan tiếp theo để giúp Trung Quốc có thể tiếp cận các thị trường của Mỹ sau thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 được hai nước đàm phán ngay trước khi đại dịch xảy ra; hợp tác về các tuyến đường thương mại ở Bắc Cực và các tiêu chuẩn về môi trường tại khu vực này – vốn là điều Bắc Kinh rất mong muốn; thực hiện các chiến dịch nhân đạo chung; xây dựng “các chuẩn mực hành vi” giữa lực lượng hải quân của hai nước (giống như điều mà Nga và Mỹ đang tiến hành); tìm hiểu khả năng ký kết các thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược và chiến thuật. Cựu Đô đốc Stavridis kết luận rằng, mặc dù thích phép so sánh ẩn dụ dùng hình ảnh núi đồi của ông Kissinger, song theo ông, Mỹ cũng cần nhìn ra biển cả để đánh giá mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở nên căng thẳng tới mức nào. Ông dự báo Biển Đông sẽ thực sự dậy sóng.

Được biết, trước các hoạt động phi pháp của Trung Quôc trong vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại EEZ và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép”.

RELATED ARTICLES

Tin mới