Wednesday, October 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHệ thống vệ tinh Bắc Đẩu sắp hoàn thành: TQ sẽ tăng...

Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu sắp hoàn thành: TQ sẽ tăng cường khả năng giám sát Biển Đông

Vệ tinh cuối cùng trong Hệ thống Bắc Đẩu 3 của Trung Quốc đã được vận chuyển đến Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương và sẽ được phóng vào tháng 6/2020.

Phát biểu bên lề cuộc họp Lưỡng hội hàng năm của Trung Quốc, ông Dương Trường Phong, Ủy viên Chính hiệp, Tổng thiết kế sư của Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu cho biết, vệ tinh cuối cùng trong Hệ thống Bắc Đẩu 3 của nước này sẽ được phóng vào tháng 6/2020, là bước cuối cùng trong việc hoàn thiện Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường của nước này; khẳng định, Hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc là hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường có quy mô lớn nhất, phạm vi phủ sóng rộng nhất và nhiều tính năng nhất trong các Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường hiện nay. Hiện dịch vụ của Hệ thống Bắc Đẩu đã có mặt tại 120 quốc gia và khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, thi công số, cảng thông minh… Tại Trung Quốc thì hơn 70% điện thoại thông minh sử dụng các dịch vụ của Bắc Đẩu. Theo vị này, thông qua nhiều giai đoạn tìm tòi nghiên cứu, chúng tôi đã xây dựng được chiến lược phát triển ba bước, phù hợp với điều kiện, tình hình của Trung Quốc, cung cấp phương án Trung Quốc cho dịch vụ vệ tinh định vị toàn cầu.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu phát triển hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường của riêng mình, tuy nhiên phải đến đầu những năm 90, tham vọng này mới bắt đầu được triển khai trên thực tế thông qua chiến lược “3 bước”. Bước 1, từ năm 1994 xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 1 (BDS-1) với 3 vệ tinh Bắc Đẩu- G ở quỹ đạo đĩa tĩnh (GEO) (phóng lên quỹ đạo năm 2000 và 2003). Đây là hệ thống thử nghiệm và đã dừng hoạt động vào năm 2012. Bước 2, từ năm 2004, xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 2 (BDS-2), đến năm 2012 Trung Quốc đã hoàn thiện Hệ thống BDS-2 với 14 vệ tinh (trong đó bao gồm 5 vệ tinh Bắc Đẩu-G ở quỹ đạo địa tĩnh (GEO), 5 vệ tĩnh Bắc đẩu – I ở Quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO) và 4 vệ tinh Bắc Đẩu – M ở Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO).

Hệ thống BDS-2 đã cung cấp dịch vụ định vị và đường truyền tin tức cho các khách hàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bước 3, từ năm 2009, xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 3 (BDS-3), theo kế hoạch đến năm 2020, nước này sẽ phóng đủ 35 vệ tinh BDS-3 và có khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Trong 35 vệ tinh của Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu 3 có 27 vệ tinh Bắc Đẩu – M ở Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO), 5 vệ tinh Bắc Đẩu – G ở quỹ đạo địa tĩnh (GEO) và 3 vệ tinh Bắc Đẩu – I ở Quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO).

Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc cung cấp dịch vụ định vị chuẩn xác trong phạm vi 10m trên toàn thế giới, còn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là trong phạm vi 5m. Để đạt được độ chuẩn xác như vậy, ngoài việc sử dụng Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO) như các hệ thống vệ tinh định vị khác, Bắc Đẩu còn sử dụng Quỹ đạo địa tĩnh (GEO) và Quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO) giúp tăng khả năng các thiết bị thu nhìn thấy vệ tinh. Mặc dù phát triển sau, tuy nhiên Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc được cho là đang cạnh tranh mạnh mẽ với các hệ thống định vị trước đó như GPS của Mỹ, GLONAS của Nga và Galileo của liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc phóng thành công cụm vệ tinh Bắc Đẩu-3 sẽ tăng cường các chức năng tích hợp như truyền tín hiệu giữa các vệ tinh, truyền tín hiệu với mặt đất, bảo đảm kết nối giữa trạm mặt đất với các vệ tinh trên quỹ đạo cao và quỹ đạo thấp. Việc đưa Bắc Đẩu-3 vào quỹ đạo đã mở rộng phạm vi phủ sóng trên toàn cầu của Trung Quốc. Nó góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các mục đích quân sự (kiểm soát đường biên giới, định vị mục tiêu quân sự, hỗ trợ định vị đường bay của tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo…), và kiểm soát thực địa ở Biển Đông (kiểm soát tàu, thuyền các nước ở Biển Đông).

Ngoài Bắc Đẩu -3, thời gian vừa qua, quân đội Trung Quốc đã phóng khá nhiều vệ tinh trinh sát biển với khả năng hỗ trợ tác chiến cho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa phòng không, như các vệ tinh quang – điện tử (EO) cung cấp hình ảnh số; vệ tinh mang rađa mặt mở tổng hợp (SAR) để quan sát ban đêm, cung cấp hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết; vệ tinh tình báo điện tử (ELINT) để xác định vị trí và nhận dạng các tàu bằng phát xạ điện từ. 

Việc Trung Quốc tăng cường sử dụng các hệ thống vệ tinh theo dõi, giám sát biển có tác động lớn đối với hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc triển khai hệ thống vệ tinh giám sát ngày đêm ở Biển Đông chính là nhằm gia tăng sự kiểm soát trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền” phi pháp trong khu vực. Hoạt động này dẫn đến việc Trung Quốc sẽ theo dõi, nắm được hoạt động hàng hải, hàng không hợp pháp của các nước liên quan, gây ra mối đe dọa sâu sắc đối với các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Ngoài ra, một hệ thống định vị toàn cầu độc lập cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng kiểm soát, theo dõi tất cả các mục tiêu từ trên không, nâng cao năng lực phối hợp tác chiến, giành ưu thế trong mọi tình huống…

Ngoài ra, các hệ thống vệ tinh sẽ cho phép quân đội Trung Quốc theo dõi, trinh sát, thông tin liên lạc và chuyển tiếp số liệu cho các hoạt động theo dõi và phát hiện mục tiêu trên biển. Thu thập thành công hình ảnh trung thực và độ phân giải cao, xác định mục tiêu và định vị của vệ tinh sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc ngăn chặn tàu thuyền các nước bằng các loại tên lửa đạn đạo có điều khiển chính xác và tên lửa hạt nhân tầm thấp. Theo Phó Đô đốc David Dorsett, Phó Tư lệnh phụ trách Các Hoạt động của Hải quân Mỹ: “Cách đây 10 năm, Trung Quốc chưa có rađa phát hiện mục tiêu ngoài chân trời và chưa có IRS (tình báo, giám sát và do thám). Các vệ tinh là đường kết nối quan trọng trong cơ cấu ISR mà quân đội Trung Quốc rất cần để phát hiện, theo dõi và tiến công các tàu nổi nước ngoài trong khu vực biển tranh chấp. Hiện nay Trung Quốc vận hành khá nhiều vệ tinh, từ đó có thể cung cấp các số liệu quan trọng về mục tiêu trong khu vực Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới