Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLuật An ninh cho Hong Kong: TQ đang “bóp chết” tiếng nói...

Luật An ninh cho Hong Kong: TQ đang “bóp chết” tiếng nói dân chủ trong nước

Việc chính quyền Trung Quốc quyết định sẽ ban hành Luật An ninh đối với Hong Kong đã vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của người dân, cũng như giới chức nhiều nước trên thế giới. Đã có những nhận định cho rằng hành động này của Trung Quốc là nhằm tiêu diệt phòng trào đòi dân chủ, tư do cho Hong Kong.

Luật An ninh của Trung Quốc

Theo dự thảo “quyết định” được đệ trình tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) hôm 22/5, luật mới nhằm ngăn chặn, chấm dứt và trừng phạt các hành vi ở Hong Kong đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm hoạt động ly khai và lật đổ cũng như can thiệp và khủng bố nước ngoài. Quốc hội Trung Quốc cũng nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo Hong Kong trong bảo vệ an ninh quốc gia, bằng cách triển khai các chương trình quảng bá và giáo dục về vấn đề này, ngăn cấm các hành vi đe dọa an ninh quốc gia và thường xuyên gửi báo cáo cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Dự thảo quyết định cho biết, tên đầy đủ là “Quyết định của Nhân Đại về việc xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế chấp hành để bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hong Kong”, nêu rằng giới chức giám sát an ninh quốc gia có liên quan tại Bắc Kinh có thể thành lập các tổ chức ở Hong Kong nếu cần thiết. Quy định này ngụ ý các đặc vụ của Bắc Kinh sẽ có quyền hành pháp tại thành phố. Theo giới phân tích, theo Điều 18 của Luật Cơ bản, văn bản được xem là hiến pháp của Hong Kong, luật quốc gia chỉ có thể được áp dụng tại Hong Kong nếu chúng được liệt kê trong Phụ lục III của Luật Cơ bản và liên quan đến quốc phòng, đối ngoại hoặc “các vấn đề khác ngoài giới hạn” tự trị của thành phố. Luật này sẽ được ban hành chính quyền Trung Quốc ban hành và tự động có hiệu lực. Bên cạnh đó, Trung Quốc xây dựng Luật trên dựa trên Điều 23 Luật Cơ bản. Điều 23 quy định rằng luật an ninh quốc gia phải nghiêm cấm các hành vi “phản quốc, ly khai, nổi loạn, lật đổ chính quyền nhân dân trung ương, hoặc đánh cắp bí mật nhà nước”, cũng như ngăn chặn “các tổ chức hoặc cơ quan chính trị của địa phương thiết lập quan hệ với các tổ chức hoặc cơ quan chính trị nước ngoài”.

Quốc hội Trung Quốc dự kiến bỏ phiếu về dự thảo quyết định nói trên vào cuối kỳ họp thường niên đang diễn ra, có khả năng vào ngày 28/5. Quyết định sau đó sẽ được chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nơi sẽ vạch ra nội dung chi tiết của dự luật an ninh. Dự luật sau đó sẽ được giới thiệu trong cuộc họp hai tháng một lần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, theo Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất của Hong Kong trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, họ thường phải mất một hoặc hai cuộc họp kéo dài cả tuần để thông qua một luật, nghĩa là luật an ninh mới có thể được thông qua vào tháng 6 hoặc tháng 8.

Phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế

Ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thảo luận về việc ban hành Luật An ninh cho Hong Kong, các chính trị gia đối lập cho biết kế hoạch của Bắc Kinh không tạo ra không gian để thảo luận hay đàm phán ở Hong Kong về việc dự luật này nên được soạn thảo ra sao. Họ cảnh báo luật sẽ tương đương với việc chấm dứt mô hình “một quốc gia, hai chế độ” khi cho phép Bắc Kinh thiết lập hệ thống pháp lý mới tại Hong Kong. Nghị viên kỳ cựu của phe dân chủ tại Hong Kong, Lee Cheuk-yan, bày tỏ nỗi lo rằng các tội danh có thể bị cáo buộc một cách tùy tiện. Một số tổ chức kinh doanh nước ngoài – bao gồm Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong – đã cảnh báo luật mới sẽ làm tổn hại đến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của thành phố này. Các nhà hoạt động xã hội tại thành phố tỏ ra bi quan rằng một số tổ chức sẽ không được phép tồn tại theo luật mới, cảnh báo luật cũng có thể được sử dụng để ngăn cản các nhà hoạt động đối lập tranh cử trong các cuộc bầu cử ở địa phương, cho rằng Luật có lẽ cũng sẽ đi ngược lại những người thúc đẩy chủ nghĩa địa phương hoặc ủng hộ độc lập.

Một số học giả cho rằng luật có thể ảnh hưởng đến nhà hoạt động trẻ Hoàng Chi Phong và đảng Demosisto của anh. Trong những năm qua, cả hai đã dẫn dắt các nỗ lực vận động quốc tế của xã hội dân sự Hong Kong. Giáo sư Simon Young Ngai-man, trường luật Đại học Hong Kong, nói việc ban hành luật an ninh quốc gia là đáng báo động, nói rằng việc này làm suy yếu ý tưởng lập pháp rõ ràng rằng “các yêu cầu của Điều 23 phải Hong Kong ‘tự mình’ ban hành và không bị chính quyền trung ương áp đặt từ trên xuống”; cho rằng Luật mà Bắc Kinh đề ra nghiêm cấm các hành vi ly khai, lật đổ, can thiệp nước ngoài và cuối cùng là khủng bố; cảnh báo luật an ninh quốc gia sẽ không cho phép các tổ chức phi chính phủ cũng như các chính phủ nước ngoài tổ chức hoạt động.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett (22/5) tuyên bố, động thái của Bắc Kinh muốn áp dụng một luật an ninh mới tại Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế của Trung Quốc. Cùng ngày, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Mỹ cần phải lãnh đạo thế giới lên án Trung Quốc nếu nước này áp dụng luật an ninh quốc gia mới đối với Đặc khu Hành chính Hong Kong, sau khi Bắc Kinh công bố dự luật có thể làm suy yếu quyền tự chủ của vùng lãnh thổ này; kêu gọi “phần còn lại của thế giới lên án các hành động của Trung Quốc và chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì đã im lặng về các vấn đề nhân quyền”. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc về dự luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh dành cho Hong Kong, xem dự luật này là tùy tiện và thảm họa, đồng thời cho rằng, nó có thể tác động đến cách hành xử và mối quan hệ của Washington với vùng lãnh thổ này.

Anh, Canada và Australia (22/5) đã bày tỏ quan ngại về những đề xuất của Trung Quốc cho dự luật an ninh quốc gia tại Hong Kong. Tuyên bố chung của 3 nước nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những đề xuất cho dự luật liên quan tới an ninh quốc gia tại Hong Kong. Thay mặt Hong Kong ban hành một luật như vậy mà không có sự tham gia trực tiếp của người dân, cơ quan lập pháp và tư pháp của đặc khu này rõ ràng làm suy yếu nguyên tắc ‘Một nước, hai chế độ’ mà theo đó, Hong Kong được đảm bảo một mức độ tự trị cao”. Cùng ngày, EU cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng sự tự do của Đặc khu Hành chính Hong Kong. Sau khi tham vấn với các nước EU, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã ra tuyên bố kêu gọi “duy trì mức độ tự trị cao của Hongkong”; nhấn mạnh “EU có lợi ích to lớn trong sự ổn định và thịnh vượng không ngừng của Hongkong theo nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’. EU coi trọng việc duy trì mức độ tự trị cao của Hong Kong, phù hợp với Luật Cơ bản và những cam kết quốc tế”; đồng thời cho biết EU sẽ “tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến” tại Hong Kong. Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại cũng nhấn mạnh “EU cho rằng các cuộc thảo luận dân chủ, tham vấn của các bên liên quan chủ chốt, sự tôn trọng các quyền được bảo vệ và sự tự do tại Hong Kong sẽ là cách tốt nhất để xúc tiến việc thông qua dự luật an ninh quốc gia”.

Trung Quốc quyết cứng rắn

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày trước Quốc hội Trung Quốc một dự luật an ninh có thể làm suy giảm mạnh mẽ hệ thống pháp lý riêng biệt của Hong Kong. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã gửi công hàm tới Ấn Độ và một số quốc gia để giải thích lý do về quyết định áp dụng luật an ninh mới đối với Hong Kong và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này. Trong công hàm, Trung Quốc cho rằng dự luật hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà không một quốc gia nào có thể can thiệp.

Văn phòng đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong cũng yêu cầu nước khác ngừng can thiệp vấn đề nội bộ; nhấn mạnh “mức độ tự chủ cao của thành phố sẽ không thay đổi và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài ở thành phố sẽ tiếp tục được bảo vệ căn cứ theo pháp luật”; cho rằng “một số quốc gia liên tục cản trở những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh”, gọi đây là hành vi “tiêu chuẩn kép” và “dùng logic côn đồ”. Văn phòng trên khẳng định “cho dù các bạn có bôi nhọ, kích động, ép buộc hay hăm dọa chúng tôi tàn độc như thế nào, người dân Trung Quốc sẽ vẫn vững vàng bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”; kêu gọi các nước liên quan “tôn trọng chủ quyền Trung Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế cùng các quy tắc cơ bản về quan hệ quốc tế và ngừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong, vốn hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”; nhấn mạnh “âm mưu của những kẻ muốn phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc bằng cách lợi dụng những kẻ gây rối ở Hong Kong như những con tốt, biến thành phố thành địa bàn cho hoạt động ly khai, lật đổ, xâm nhập, phá hoại Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại”.

Trong khi đó, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố, việc đưa ra dự luật an ninh quốc gia cho Hong Kong giúp bảo vệ các lợi ích hợp pháp của người dân đặc khu cũng như các nhà đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp tại Hong Kong sẽ được cải thiện khi thành phố này trở nên an toàn hơn sau khi hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi của đặc khu được thiết lập và cải thiện nhằm bảo vệ an ninh quốc gia; nhấn mạnh lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị tổn hại; khẳng định, chính quyền Hong Kong ủng hộ cuộc thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII về dự luật nhằm thiết lập và cải thiện ở cấp quốc gia hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi cho Hong Kong nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Luật mới được đưa ra gần một năm sau bất ổn xã hội chưa từng có – được kích hoạt bởi dự luật dẫn độ nay đã bị rút lại – với các cuộc biểu tình chống chính quyền ngày càng dữ dội nổ ra ở Hong Kong vào tháng 6 năm ngoái. Các chính trị gia và người biểu tình cũng đã vận động sự ủng hộ của quốc tế thông qua các chuyến đi nước ngoài và các chiến dịch trên mạng. Việc này là cái gai trong mắt Bắc Kinh, vốn coi đây là hình thức can thiệp của nước ngoài. Bên cạnh đó, tháng 11/2019, Mỹ đã ban hành Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, cho phép Washington đình chỉ quy chế giao thương đặc biệt mà Hong Kong được hưởng, dựa trên xác nhận hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc liệu thành phố có đang duy trì sự tự trị đúng mức theo thể chế “một quốc gia, hai chế độ” hay không. Chính trong bối cảnh đó, Bắc Kinh quyết định phải can thiệp vì sẽ rất khó khăn để chính quyền địa phương tự mình ban hành luật đã bị trì hoãn lâu nay giữa lúc tình hình “ngày càng xấu đi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới