Sáng 22/5, Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh đã diễn ra Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) Khóa XIII. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Trung Quốc trong năm nay và được tổ chức trễ khoảng 2 tháng vì bùng phát dịch COVID-19.
Kỳ họp vốn dự kiến diễn ra đầu tháng 3 nhưng đã bị hoãn lại do dịch COVID-19. Do tình hình dịch bệnh, kỳ họp lần này được rút ngắn, chỉ tổ chức trong 7 ngày, giảm 4 ngày so với năm 2019 và sẽ bế mạc vào chiều 28/5. Số lượng phóng viên được tham gia đưa tin trực tiếp cũng rất ít. Các buổi họp báo được cắt giảm và tổ chức qua hình thức trực tuyến.
Theo chương trình, ngoài thảo luận và thông qua báo cáo công tác Chính phủ, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách, kỳ họp lần này còn thảo luận dự thảo Nghị quyết về xây dựng, kiện toàn chế độ pháp lý và cơ chế thực thi duy trì an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính Hong Kong và thảo luận Bộ luật Dân sự.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu thống kê kinh tế theo quý từ năm 1992 đến nay với mức giảm lên tới 6,8% và quá trình phục hồi hiện đang rất chậm. Do đó, các vấn đề kinh tế là trọng tâm của kỳ họp lần này.
Không đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể
Trong bài phát biểu khai mạc Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ không đặt ra bất cứ mục tiêu tăng trưởng cụ thể nào trong năm 2020 do quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và diễn biến khó lường liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng như từ môi trường kinh tế và thương mại toàn cầu bất ổn”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc không đặt mục tiêu GDP kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố những mục tiêu như vậy năm 1990, phần nào cho thấy những tác động to lớn mà COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo ông Lý Khắc Cường, đại dịch vẫn chưa kết thúc và Trung Quốc sẽ phải nỗ lực gấp đôi để giảm thiểu thiệt hại mà COVID-19 gây ra.
Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu bật những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19, khẳng định phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Hầu hết các quyết sách được đưa ra thảo luận tại phiên họp này sẽ tập trung vào việc bảo đảm cuộc sống cho người dân, hoạt động của doanh nghiệp sau khi GDP của Trung Quốc tăng trưởng âm 6,8% trong quý 1.
Đối với các chỉ số kinh tế khác, báo cáo công tác của chính phủ đặt mục tiêu giữ lạm phát năm 2020 ở mức 3,5%, cao hơn mức 3,0% năm trước. Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tạo thêm 9 triệu việc làm, thấp hơn mức 11 triệu việc làm trong năm 2019, với tỉ lệ thất nghiệp tại các khu vực đô thị ở mức 6%; thông báo thâm hụt tài khóa của Trung Quốc dự kiến vượt hơn 3,6% trong GDP năm nay, với mức thâm hụt 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) so với năm ngoái. Một nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ sẽ được phát hành để kiểm soát Covid-19.
Về giải pháp và phương hướng, báo cáo nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung nỗ lực để ổn định việc làm, bảo đảm duy trì mức sống của người dân, xóa nghèo và ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ gây suy giảm kinh tế, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm ổn định tăng trưởng. Chính phủ Trung Quốc sẽ theo đuổi cải cách và mở cửa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tìm ra cách thức mới để ứng phó hiệu quả với các cú sốc, duy trì chu kỳ tăng trưởng dương. Trung Quốc cũng sẽ tập trung nhiều hơn trong lĩnh thương mại, theo hướng tiến đến các mặt hàng xuất khẩu nhập khẩu ổn định hơn, chất lượng cao hơn, duy trì cán cân thanh toán cân bằng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc cho biết, chính quyền các cấp nên “thắt lưng buộc bụng” và tất cả ngân sách dư, chưa sử dụng và chuyển giao sẽ được thu hồi, phân bổ lại để được sử dụng tốt hơn.
Về thương mại quốc tế, ông Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc cần tiếp tục thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký với Mỹ, khẳng định Trung Quốc cam kết theo đuổi hệ thống thương mại đa phương và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong vấn đề này, Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại Nhật-Trung-Hàn.
Liên quan đến đầu tư, Trung Quốc sẽ rút gọn danh sách các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư, tiếp tục mở cửa thị trường, tạo môi trường thuận lợi để tất cả các công ty Trung Quốc và nước ngoài được đối xử bình đẳng, cạnh tranh công bằng.
Vấn đề chủ quyền và ly khai
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết sẽ khuyến khích người dân Đài Loan phản đối việc đòi độc lập và thúc đẩy thống nhất với Trung Quốc, một động thái có thể làm xấu hơn nữa mối quan hệ của Bắc Kinh với Đài Bắc; nhấn mạnh Trung Quốc “kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi hoạt động ly khai, đòi độc lập của Đài Loan”; khẳng định Trung Quốc sẽ cải thiện các chính sách và biện pháp để khuyến khích trao đổi và hợp tác trên eo biển Đài Loan, đồng thời bảo vệ sự thịnh vượng của người dân Đài Loan. Theo ông Lý, “chúng ta sẽ khuyến khích họ cùng tham gia phải đối nền độc lập của Đài Loan và thúc đẩy thống nhất với Trung Quốc. Với những nỗ lực này, chúng ta chắc chắn có thể tạo ra tương lai tươi đẹp cho sự trẻ hóa của Trung Quốc”.
Trung Quốc xem Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm và quan trọng nhất, cũng như chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để giữ hòn đảo này dưới tầm kiểm soát. Trung Quốc đã đề nghị mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” cho Đài Loan, đảm bảo mức độ tự trị cao, cũng như cách Bắc Kinh đã làm với Hong Kong. Tuy nhiên, tất cả các đảng lớn của Đài Loan đều bác bỏ mô hình này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc còn cho biết, Chính phủ sẽ “thiết lập và cải thiện các hệ thống và cơ chế pháp lý để bảo vệ an ninh” tại Hong Kong. Theo đó, Trung Quốc đã đề xuất luật an ninh mới về Hong Kong, trong đó quy định cấm việc xúi giục nổi loạn, ly khai và phản quốc. Động thái này được xem là mâu thuẫn với khái niệm “Một quốc gia, hai chế độ”. Luật mới cũng gây chú ý vì nó cho thấy chính phủ trung ương dường như đã từ bỏ hy vọng rằng chính quyền đặc khu có thể tự thông qua một luật như vậy, trong bối cảnh môi trường chính trị Hong Kong ngày càng gay gắt và xã hội bị chia rẽ sâu sắc.
Tăng chi tiêu quốc phòng
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm nay tăng 6,6%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19 với nền kinh tế. Theo báo cáo tại phiên khai mạc, quân đội Trung Quốc sẽ được phân bổ ngân sách 1.268 tỷ nhân dân tệ (khoảng 178,16 tỷ USD) trong năm 2020.
Người phát ngôn kỳ họp lần thứ 3 Quốc hội khóa 13 của Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho biết, Trung Quốc thực thi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, do đó bất luận là về tổng lượng, bình quân đầu người hay tỷ lệ so với Tổng sản phẩm quốc nội GDP thì kinh phí quốc phòng của nước này đều ở mức độ thích hợp và kiềm chế. Trong nhiều năm qua, kinh phí quốc phòng của Trung Quốc đều rơi vào khoảng 1,3% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,6% của thế giới. Ông Trương Nghiệp Toại cho rằng, từ năm 2007 trở lại đây, hàng năm Trung Quốc đều gửi báo cáo chi tiêu quân sự cho Liên hợp quốc, nguồn tiền cũng như nội dung chi tiêu đều rất rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “giấu diếm” kinh phí.
Mặc dù nhiều cơ quan nghiên cứu độc lập cho rằng kinh phí quốc phòng thực tế của Trung Quốc thường cao hơn nhiều so với số liệu mà chính phủ nước này công bố, tuy nhiên dự toán ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc luôn là số liệu được dư luận nước ngoài quan tâm và chú ý. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nước này, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh ngân sách quốc phòng cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Khó khăn, thách thức kéo dài
Vấn đề thất nghiệp và việc làm: Số liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, Trung Quốc đã mất 27 triệu việc làm trong tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đạt khoảng 6%. Theo CNN, tỷ lệ thất nghiệp ở vùng đô thị Trung Quốc không tính đến những người ở khu vực nông thôn, bao gồm 290 triệu công nhân nhập cư làm việc trong ngành xây dựng, sản xuất và tham gia các hoạt động kinh tế khác có mức lương thấp nhưng thiết yếu. Trong khi đó, chuyên gia Zhang Bin (Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) cho rằng, nếu tính cả lực lượng người lao động nhập cư này, số người thất nghiệp ở Trung Quốc có thể lên đến 80 triệu người vào cuối tháng 3, tức cao gấp 3 lần con số chính thức.
Dư luận đặc biệt quan tâm
Theo báo The Straits Times, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể trong năm nay vì kinh tế còn nhiều bất ổn và nỗi lo về làn sóng Covid-19 thứ hai. Trong bối cảnh các nước trên toàn thế giới đang đối mặt với những thách thức tương tự, Trung Quốc khó có thể dự đoán chính xác mức tăng trưởng GDP của mình. Chuyên gia kinh tế Iris Pang của Ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định, để làm được điều này, sẽ cần những dự đoán chính xác về sự hiệu quả chính sách của mọi nền kinh tế lớn. Vì thế, sẽ phi thực tế để chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Họ cũng khó đặt ra mục tiêu tỉ lệ thất nghiệp như năm ngoái.
Ngoài mục tiêu vực dậy kinh tế, theo giới chuyên gia, các nhà lập pháp Trung Quốc cũng sẽ thảo luận các biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai và vai trò trên thế giới của Bắc Kinh thời hậu Covid-19. Theo báo South China Morning Post, giới chức Trung Quốc đang tranh luận gay gắt về giải pháp chống lại sức ép ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế liên quan đến Covid-19. Một số nhà ngoại giao theo đường lối cứng rắn ủng hộ việc công kích lại những người chỉ trích Bắc Kinh. Dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng phản ứng như thế không đủ để thay đổi lập trường chống Trung Quốc từ bên ngoài. Ông Shi Yinhong, chuyên gia tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhận định nhu cầu về sự cân bằng kinh tế trong nước và sức ép gia tăng của cộng đồng quốc tế có thể buộc Bắc Kinh thay đổi các mục tiêu chiến lược.
Theo Reuters, Bắc Kinh cũng sẽ công bố ngân sách quốc phòng trong ngày khai mạc phiên họp của NPC. Trong những ngày qua, các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã yêu cầu gia tăng chi tiêu quân sự lên ít nhất 7,5% để đối phó với những thách thức trong và ngoài nước, đặc biệt là khi căng thẳng Bắc Kinh – Washington leo thang vì nhiều vấn đề. Dù vậy, một quan chức giấu tên thông tin ngân sách dành cho quân đội Trung Quốc chỉ được “tăng nhẹ” bởi “khôi phục kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu”. Năm ngoái, Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự thêm 7,5% lên 167,5 tỉ USD, giảm nhẹ so với mức tăng 8,1% của năm 2018.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc chuyển hướng không đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP – đánh dấu sự thay đổi quan trọng về tư duy của lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau nhiều thập kỷ. Trung Quốc hiện tập trung mọi nguồn lực vào vấn đề việc làm và duy trì sự ổn định bên trong.
Liên quan vấn đề Đài Loan, dư luận cho rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không sử dụng từ”hòa bình” khi đề cập đến mong muốn “thống nhất” Đài Loan của Bắc Kinh, khác với ngôn từ tiêu chuẩn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng ít nhất 4 thập kỷ qua khi nói trước quốc hội và đề cập đến Đài Loan. Một quan chức cấp cao của Đài Loan nói với Reuters rằng việc thiếu vắng từ “hòa bình” không báo hiệu thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với hòn đảo này. Trước đó, phát biểu tại Đài Bắc hôm 20/5 khi nhậm chức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói Đài Loan không thể chấp nhận việc trở thành một phần của Trung Quốc theo đề nghị “Một quốc gia, hai chế độ” và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Hội đồng Đại lục Sự vụ của Đài Loan (22/5) cũng cho biết người dân Đài Loan kiên quyết phản đối đề xuất “Một quốc gia, hai chế độ” vì việc này “làm giảm giá trị của Đài Loan và làm tổn hại nguyên trạng ở eo biển Đài Loan”.