Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ gia tăng trừng phạt kinh tế nhằm vào TQ với lý...

Mỹ gia tăng trừng phạt kinh tế nhằm vào TQ với lý do nhân quyền và vũ khí hủy diệt hàng loạt

Sau hàng loạt tuyên bố chỉ trích về nhân quyền, Chính phủ Mỹ hôm 22/5 thông báo sẽ bổ sung 33 công ty, tổ chức Trung Quốc vào “Danh sách đen kinh tế”, với lý do những công ty, tổ chức trên đã giúp Bắc Kinh theo dõi người Duy Ngô Nhĩ hoặc liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc. Vụ việc khiến căng thẳng quan hệ hai bên tiếp tục leo thang.

Theo thông báo của Chính phủ Mỹ đưa ra hôm 22/5, những công ty bị bổ sung vào danh sách đen đều hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận biết khuôn mặt. Đây là những lĩnh vực đang được các hãng chip Mỹ, như Nvidia Corp và Intel Corp, đầu tư mạnh mẽ. Bộ Thương mại Mỹ cho biết động thái trên còn nhằm hạn chế việc bán hàng hóa Mỹ và một số sản phẩm được làm ở nước ngoài bằng công nghệ Mỹ cho các công ty có tên trong danh sách đen.

Cùng ngày, Bộ Giao thông Mỹ cáo buộc Bắc Kinh ngăn không cho các hãng hàng không Mỹ nối lại hoạt động tại Trung Quốc. Để đáp trả, Washington yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc nộp lịch trình các chuyến bay cho chính phủ Mỹ trước ngày 27/5. Chính quyền Tổng thống Trump hiện chưa áp dụng những hạn chế nhằm vào các hãng hàng không Trung Quốc nhưng cho biết vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Bộ Giao thông Mỹ gọi đây là tình huống “nghiêm trọng” vì hai hãng Delta Air Lines và United Airlines muốn nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào tháng 6. Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn được thực hiện các chuyến bay đến Mỹ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.

Trước đó, Bộ thương mại Mỹ cũng có quyết định tương tự khi thêm một số công ty an ninh công cộng Trung Quốc, trong đó có cả một số công ty khởi nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, vào danh sách đen kinh tế. Ngoài ra, Washington còn có những bước đi nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Tập đoàn Công nghệ Huawei vì lý do an ninh quốc gia. Các động thái mới trên của Bộ Thương mại Mỹ đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc trừng phạt những công ty có thể hỗ trợ hoạt động quân sự của Trung Quốc và gây sức ép lên Bắc Kinh trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu sống ở khu tự trị Tân Cương. Từ trước đến nay, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp, gây sức ép với TQ về nhân quyền, bao gồm:

Thứ nhất, Mỹ công bố các tài liệu, thông tin cho rằng TQ đàn áp nhân quyền. Tháng 11/2019, truyền thông Mỹ đã cho đăng tải toàn bộ 403 trang tài liệu bằng tiếng Hoa về chủ trương, chính sách và hoạt động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc. Theo đó, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh hành động “không thương tiếc” chống ly khai và cực đoan. Trong bài diễn văn năm 2014, sau khi xảy ra vụ một nhóm người Duy Ngô Nhĩ giết chết 31 người tại một nhà ga ở Tây Nam Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi “đấu tranh chống khủng bố, chống xâm nhập và ly khai” bằng cách sử dụng “những biện pháp độc tài” và “không thương tiếc”. Ngoài ra, còn có một tập hướng dẫn sinh viên Duy Ngô Nhĩ, bị “mất tích” hoặc bị đưa vào trại tập trung, trả lời những câu hỏi của gia đình khi về nhà. Phía nhà chức trách nhận được chỉ thị giải thích cho gia đình các sinh viên bị đưa đi cải tạo là người thân của họ bị nhiễm “virus” tư tưởng cực đoan và cần được điều trị trước khi “căn bệnh trở nên trầm trọng”.

Thứ hai, Quốc hội Mỹ thông qua các đạo luật lên án nhân quyền TQ. Tháng 10/2019, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, nhằm khẳng định sự ủng hộ đối với người biểu tình tại Hồng Kông trong bối cảnh chính phủ thân Bắc Kinh của Carrie Lam đẩy mạnh trấn áp phong trào đòi dân chủ tại trung tâm tài chính tối quan trọng này. Quốc hội Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng tới những người Hồng Kông đang đấu tranh vì nền tự do của họ và tuyên bố sẽ không đứng im khi Bắc Kinh phá hoại nền tự trị của Hồng Kông. Việc thông qua dự luật này là một bước quan trọng nhằm buộc những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông phải chịu trách nhiệm khi làm xói mòn quyền tự trị và xâm phạm nhân quyền ở Hồng Kông. Đạo luật này yêu cầu hàng năm phải rà soát, để chứng thực về quyền tự trị của Hồng Kông với đại lục và từ đó, điều chỉnh các chính sách thương mại của Mỹ.Đạo luật cũng viết rằng, Mỹ nên chấp thuận thị thực cho cư dân Hồng Kông sang Mỹ, ngay cả khi họ đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phi bạo động. Đạo luật cũng khẳng định, bất cứ ai “chịu trách nhiệm trong việc bắt cóc và tra tấn người dân, những người đang thực thi các quyền con người cơ bản, được quốc tế công nhận” cần bị cấm đến Mỹ, cũng như bị áp dụng các biện pháp trừng phạt.Đến ngày 2/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải quyết định có phê quyệt dự luật này hay không, bởi động thái được cho có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại của ông Trump với Bắc Kinh. Tháng 9/2019, Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành các lệnh trừng phạt hoặc lên án Bắc Kinh. Dự luật được coi là sản phẩm thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tiến bộ tại Quốc hội Mỹ về việc phản đối Trung Quốc về vấn đề nhân nhân quyền.

Thứ ba, Mỹ chỉ trích lên án nhân quyền Trung Quốc tại các diễn đàn của Liên hợp quốc. Hơn 30 nước dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã lên án Trung Quốc “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương trong một sự kiện bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2019. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi chấm dứt đàn áp tự do tôn giáo trong một sự kiện khác bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Trump sau đó nhắc lại điều này trong bài phát biểu có phần chỉ trích Trung Quốc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. “Người Mỹ sẽ không bao giờ mệt mỏi trong nỗ lực thúc đẩy tự do thờ cúng và tôn giáo. Chúng tôi muốn và ủng hộ tự do tôn giáo cho tất cả mọi người”, ông Trump nhấn mạnh trước Liên hợp quốc. “Chúng tôi đã mời những người khác tham gia nỗ lực quốc tế để yêu cầu và buộc chấm dứt ngay lập tức chiến dịch đàn áp của Trung Quốc”, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ John Sullivan khẳng định động thái của Mỹ nhận được sự ủng hộ của hơn 30 nước, bao gồm Canada, Đức, Hà Lan và Anh.

RELATED ARTICLES

Tin mới