Mỹ vừa đưa ra quyết định “khó hiểu” khi tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ va chạm quân sự giữa Nga với các nước đồng minh Mỹ ở phương Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (21/5) xác nhận Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các nước thực hiện những chuyến bay giám sát trong không phận của mình và ngược lại; nhấn mạnh Mỹ rút khỏi Hiệp ước trên là do “Nga đã không tuân thủ Hiệp ước này”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, trong ngày 22/5 Washington sẽ thông báo ý định rút lui tới tất cả 32 nước đã phê chuẩn hiệp ước và chính thức khởi động tiến trình kéo dài 6 tháng. Trước đó, Người phát ngôn Lầu năm Góc Jonathan Hoffman (21/5) cũng tái khẳng định những cáo buộc của Mỹ rằng, Moscow đã áp đặt quy định hạn chế chuyến bay qua những khu vực nhạy cảm như ngoài khơi Kaliningrad, khu vực giữa Ba Lan – Litva. Ngoài ra, Nga đã từ chối các chuyến bay trong phạm vi 10 km từ biên giới Georgia-Nga và từ chối chuyến bay qua các cuộc tập trận lớn trong năm; nhấn mạnh “Nga vi phạm liên tục và trắng trợn nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Bầu trời mở. Việc này đe doạ Mỹ và các đồng minh”.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, giới chức nhiều nước đã thể hiện quan ngại và kêu gọi Mỹ tính toán lại.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephan Dujaric cũng cảnh báo về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó kiểm soát:“Chúng tôi lo ngại về cơ chế kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ đang ngày càng xấu đi. Các cơ chế kiểm soát vũ khí này đã đảm bảo lợi ích an inh cho toàn cầu bằng cách kiểm soát các bên, tránh một cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên chấm dứt các Hiệp ước này mà không có các thỏa thuận mới thay thế có thể tạo ra sự mất ổn định, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm dẫn đến các hậu quả khó lường”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (21/5) đã kêu gọi Mỹ “cân nhắc lại” quyết định rút khỏi Hiệp ước có lịch sử 18 năm này; khằng định Pháp, Ba Lan và Anh đã nhiều lần giải thích với Washington rằng, những vấn đề của Nga trong những năm gần đây “không phải là lý do chính đáng” cho quyết định của Washington rút khỏi hiệp ước trên. Bên cạnh đó, ông Maas bày tỏ “vô cùng lấy làm đáng tiếc về quyết định của Mỹ. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để thúc giục Mỹ xem xét quyết định của mình”; cho biết Đức sẽ tiếp tục thực hiện Hiệp ước và nỗ lực hết sức để bảo vệ hiệp ước.
Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 22/5, Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Italy, Luxembourg, Hà Lan, CH Séc và Thụy Điển đều bày tỏ lấy làm tiếc về thông báo của Chính phủ Mỹ về việc trong 6 tháng tới sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với lý do “Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước”. Ngoại trưởng các nước cam kết sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước này, vốn có giá trị ngày càng tăng đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí thông thường và an ninh chung. Tuyên bố khẳng định Hiệp ước Bầu trời mở vẫn hữu ích và thiết thực. Các nước đồng thời nêu rõ sẽ tiếp tục đối thoại với Nga trên cơ sở những ý kiến đã thống nhất trước đó giữa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác châu Âu khác để cùng tháo gỡ những bất đồng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko lập tức lên tiếng trước động thái của Mỹ và cho rằng người thiệt nhất không phải là Nga mà là các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, những nước thường được chia sẻ các hình ảnh trinh sát ở Nga; cho rằng Nga không vi phạm hiệp ước, và cũng không ngăn cản các cuộc đàm phán tiếp theo về các vấn đề kỹ thuật. Chủ tịch Uỷ ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky cho biết Moscow có kế hoạch đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, mặc dù đây là hiệp ước đa phương. Ông Slutsky khẳng định Nga chưa từng vi phạm Hiệp ước, “không giống như Mỹ, thường im ỉm khi gặp vấn đề trong quá trình thực thi Bầu trời mở.” Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow đang chờ Washington làm rõ về tuyên bố này; khẳng định “Nga không nhận được thông báo chính thức hoặc giải thích từ các đối tác và đồng nghiệp Mỹ. Đây là điều ước quốc tế, đang được thực thi và các bên đều có những nghĩa vụ được quy định. Về vấn đề này, các tuyên bố công khai vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận về ý định của Mỹ”. Bên cạnh đó, bà Zakharova cũng cho biết, ngoài các tranh luận công khai, tuyên bố công khai, còn có một thực tiễn là tuân thủ các thỏa thuận và hiệp ước. Có các cơ chế để thực hiện chúng, cụ thể là có một ủy ban thích hợp để nêu các yêu cầu của mình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hết sức lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, cảnh báo gây hậu quả tiêu cực. Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (22/5) cho biết Bắc Kinh hết sức lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế; cho rằng quyết định của Mỹ là một biểu hiện tiêu cực nữa cho thấy thái độ theo đuổi tư duy thời Chiến tranh Lạnh, theo đuổi quan điểm “nước Mỹ trước tiên” và đơn phương, đồng thời vi phạm những cam kết quốc tế. Hành động của Mỹ không có lợi cho việc duy trì sự tin cậy và tính minh bạch quân sự đa phương giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời cũng sẽ gây hậu quả tiêu cực trong việc kiểm soát vũ khí quốc tế và tiến trình giải trừ quân bị.
Trong khi đó, các quan điểm trái chiều trong nội bộ nước Mỹ đã xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước này. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ George Shultz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Wiliam Perry và Thượng nghị sĩ Dân chủ Sam Nunn, quyết định của Tổng thống Trump không phải là một quyết định sáng suốt, việc rút khỏi một thoả thuận nữa có thể làm sâu sắc thêm sự bất ổn toàn cầu, làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và đồng minh phương Tây của Mỹ do thiếu cơ chế minh bạch về quân sự. Vào thời điểm căng thẳng với Moscow gia tăng, Hiệp ước Bầu trời mở đóng vai trò là công cụ hữu ích để Mỹ và các quốc gia đồng minh theo dõi hoạt động quân sự của Nga. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ làm suy yếu các đồng minh Mỹ ở châu Âu. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho rằng: “Đây lại là một bước đi thiển cận khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận có sự tham gia của rất nhiều đồng minh gần gũi của chúng ta”. Trong khi cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Michael Hayden cũng cho đây là một “hành động mất trí”.
Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ đang sử dụng Hiệp ước Bầu trời mở như một công cụ mới để tiếp tục gia tăng sức ép lên Nga. Tổng thống Mỹ đã khẳng định: “Sẽ có cơ hội để đàm phán lại hiệp ước hoặc đưa ra một hiệp ước mới khác không chừng. Mỹ sẽ rút và tôi cho là Nga sẽ quay lại, nói muốn đàm phán một hiệp ước với chúng tôi”. Daryl Kimball – Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí cho biết: “Những lo ngại về việc Nga không tuân thủ hiệp định, dù nghiêm trọng, nhưng vẫn có thể dàn xếp được, không đến mức Mỹ phải rút khỏi hiệp ước.”
Bình luận viên Steven Pifer thuộc Viện Brookings có trụ sở ở Washington chỉ ra rằng sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước vì hạn chế khoảng cách của các máy bay trinh sát hoạt động trên bầu trời Kaliningrad và cấm mọi chuyến bay giám sát dọc biên giới Nga với Nam Ossetia và Abkhazia, Mỹ đã có động thái đáp trả khi cấm máy bay trinh sát Nga có hoạt động tương tự trên bầu trời Hawaii; cho rằng Nga đúng là có vi phạm hiệp ước, nhưng Mỹ đã đáp trả tương xứng trong phạm vi hiệp ước.
Trong khi đó, Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí tại Đông Á, cho rằng ác cảm của Trump với hiệp ước Bầu trời mở không phải do những hạn chế của nó hay bất cứ hành vi vi phạm nào của Nga, mà đơn thuần mang động cơ chính trị. “Trump phản đối nó chỉ bởi vì nó là một hiệp ước”. Điều này chẳng liên quan gì tới hiệp ước Bầu trời mở, mà thực tế là đảng Cộng hòa hiện nay coi các thỏa thuận quốc tế từng ký kết trước đây là vết nhơ với chủ quyền Mỹ; cảnh báo “nếu Bầu trời mở sụp đổ, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất là đồng minh của Mỹ chứ không phải Nga. Các đồng minh và đối tác của chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc. Nó cho thấy tư duy ‘vắt chanh bỏ vỏ’ của chính quyền Trump khi đối xử với các đồng minh như đối tượng thu tiền thay vì đối tác cùng chung lợi ích”. Chuyên gia hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen cho rằng việc rút khỏi Bầu trời mở có thể phản tác dụng với Mỹ. Nó sẽ khiến việc theo dõi các hoạt động của Nga trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi chính quyền Trump đã từ bỏ một loạt hiệp ước quốc tế. Đây là biểu hiện đáng lo ngại của việc chính quyền Trump làm suy yếu trật tự quốc tế.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào ngày 24 tháng 3 năm 1992 tại Helsinki bởi đại diện của 23 quốc gia thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Nga đã phê chuẩn thỏa thuận vào ngày 26 tháng 5 năm 2001. Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Hiện tại có 34 quốc gia tham gia vào hiệp ước. Thỏa thuận này cho phép các bên tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát phi vũ trang trên lãnh thổ của nhau. Hiệp ước này là nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch của các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và Nga liên tục cáo buộc bên kia vi phạm điều khoản của hiệp ước.