Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những phản ứng của TQ và Mỹ trong vấn đề...

Nhìn lại những phản ứng của TQ và Mỹ trong vấn đề Đài Loan, Hồng Kông hiện nay

Bên cạnh những căng thẳng liên quan thương mại và dịch Covid-19, mức độ quan hệ đối đầu Mỹ – Trung đang gia tăng trong vấn đề Đài Loan và Hồng Kông những ngày gần đây, với việc hai bên liên tục có động thái đáp trả nhau.

Động thái của Mỹ

(1) Chính phủ Mỹ thông báo cho quốc hội khả năng bán số ngư lôi MK-48 Mod 6 trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thông báo hôm 20/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán cho Đài Loan 18 quả Ngư lôi Hạng nặng Công nghệ Tiên tiến MK-48 Mod 6 và các thiết bị liên quan, nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, an ninh và kinh tế Mỹ thông qua việc ủng hộ Đài Loan “tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì năng lực phòng thủ đáng tin cậy”. Mỹ không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng thường xuyên bán vũ khí cho hòn đảo để nâng cao năng lực phòng thủ. Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt hợp đồng bán 66 tiêm kích F-16V, 75 động cơ và trang thiết bị trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Mỹ bán tiêm kích hiện đại cho Đài Loan kể từ sau hợp đồng 150 máy bay F-16 được cựu tổng thống George H.W. Bush thông qua hồi năm 1992, đánh dấu sự chuyển dịch chiến lược đáng kể của Washington trong khu vực.

(2) Ngày 01/5, Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng dòng hashtag “Tweet vì Đài Loan” trên Twitter, kêu gọi phục hồi vị trí quan sát viên tại WHO cho hòn đảo. Đài Loan từng là quan sát viên WHO từ năm 2009 tới 2016 nhưng sau đó được cho là đã bị loại bỏ vì áp lực từ phía Bắc Kinh. Mỹ cho rằng vùng lãnh thổ Đài Loan phù hợp để tham gia trong bối cảnh thế giới đang thảo luận về Covid-19 và các mối đe dọa y tế khác và thế giới cần chuyên môn của Đài Loan. “Liệu có là quá nhiều khi yêu cầu Đài Loan được phép chia sẻ kinh nghiệm, sự cam kết của họ với toàn thế giới? Liệu thế giới có bị khuất phục trước áp lực từ Trung Quốc?”, thông điệp viết. Australia tuyên bố họ sẽ ủng hộ vùng lãnh thổ Đài Loan quay trở lại WHO làm quan sát viên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh đang leo thang. Trước đó, một nhà ngoại giao Trung Quốc từng dọa sẽ “tẩy chay” hàng hóa Australia sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của Covid-19.

(3) Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Mỹ nhiều lần cử tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Ngoài ra, cũng có thông tin về việc máy bay trinh sát Lockheed EP-3 của hải quân Mỹ xuất hiện gần không phận Đài Loan ở Cao Hùng. Hôm 23/4, một tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong tháng 4 và chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc lợi dụng khi thế giới tập trung vào đại dịch Covid-19 để thúc đẩy các tham vọng trên Biển Đông.

Động thái của TQ

(1) Bộ Ngoại giao Trung Quốc “giao thiệp chính thức” với Mỹ, phản đối kế hoạch bán ngư lôi hạng nặng cho Đài Loan. “Trung Quốc phản đối các thương vụ vũ khí giữa Mỹ với Đài Loan và đã có giao thiệp chính thức với phía Mỹ. Phía Trung Quốc rất không hài lòng và phản đối mạnh mẽ những hành động như vậy”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo hôm nay ở Bắc Kinh. Trung Quốc thường xuyên lên án các thương vụ vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan. Trung Quốc gọi việc Mỹ bán 66 tiêm kích cho Đài Loan là thành động “can thiệp nghiêm trọng vào tình hình nội bộ, phá hoại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.

(2) Trung Quốc tuyên bố kiên định mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” và không bao giờ tha thứ cho các “phần tử ly khai” ở Đài Loan. Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đại lục, hôm nay nói rằng mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” là nguyên lý trung tâm trong chính sách Đài Loan của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc sẽ kiên định mô hình này. “Thống nhất là điều không thể tránh khỏi trong lịch sử phát triển vĩ đại của đất nước Trung Quốc”, ông Mã nói. “Chúng tôi có ý chí kiên cường, tràn đầy tự tin và năng lực sung mãn để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bất kỳ phần tử hoạt động ly khai hay các lực lượng bên ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Quốc”. “Độc lập Đài Loan” đi ngược lại trào lưu thời đại và là con đường không dẫn tới đâu, ông Mã cho hay. “Chúng tôi duy trì phương châm cơ bản là thống nhất hòa bình và một quốc gia, hai chế độ. Chúng tôi sẵn sàng tạo không gian rộng lớn cho thống nhất hòa bình nhưng chắc chắn không chừa khoảng trống nào cho các hoạt động ly khai độc lập Đài Loan’ dưới mọi hình thức”.

(3) Tại Kỳ họp thứ 3, khóa 13 của Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) khai mạc vào ngày 22/5, dự kiến thảo luận và thông qua Luật cơ bản với tiêu đề “Thiết lập, cải thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi của Hồng Công”, bộ luật được xem như hiến pháp thu nhỏ của Hồng Công, yêu cầu chính quyền thành phố phải đưa ra đạo luật an ninh, nhưng việc này vẫn chưa thể thực hiện được do vấp phải phản đối. Người phát ngôn của NPC, ông Trương Nghiệp Toại, ngày 21/5 cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch cải thiện chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Công. “An ninh quốc gia là nền tảng cho sự ổn định của đất nước. Bảo vệ an ninh quốc gia phục vụ lợi ích cơ bản của tất cả người Trung Quốc, bao gồm cả đồng bào Hồng Công của chúng tôi”, ông Trương tuyên bố.

(4) Ngày 2/5, Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ cố gắng “tìm cách đổ lỗi” liên quan tới đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ khởi động một chiến dịch trên mạng xã hội Twitter kêu gọi cho vùng lãnh thổ Đài Loan tham gia Hội nghị Y tế Thế giới (WHA). Bắc Kinh đã cáo buộc Washington “can thiệp vào tình hình nội bộ” trong bối cảnh Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh và tuyên bố sẵn sàng dùng mọi cách đưa hòn đảo về trở lại đại lục, kể cả dùng vũ lực. Trung Quốc cảnh báo việc Mỹ công khai ủng hộ vùng lãnh thổ Đài Loan có thể làm ảnh hưởng tới “bầu không khí hợp tác” trong thời điểm các bên cần sự đoàn kết.

RELATED ARTICLES

Tin mới