Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTham nhũng: Căn bệnh mãn tính phổ biến hiện nay của giới...

Tham nhũng: Căn bệnh mãn tính phổ biến hiện nay của giới lãnh đạo quân sự TQ

Cuộc chiến chống tham nhũng được coi là một trong những dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi hàng loạt các quan chức từ cấp cao trung ương đến địa phương bị vướng vòng lao lý và kết thúc sự nghiệp chính trị, thậm chí mất mạng. Nạn tham nhũng không có ngoại lệ đối với giới lãnh đạo quân sự Bắc Kinh, khi vừa qua nước này đã bắt giữ Chủ tịch tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC), người chỉ đạo công việc đóng hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của hải quân Trung Quốc (PLAN).

Sự việc Hồ Vấn Minh, Chủ tịch tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC), người chỉ đạo công việc đóng hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của hải quân Trung Quốc (PLAN) bị bắt giữ về tội tham nhũng là một cú sốc đánh vào lực lượng được coi là biểu tượng sức mạnh và lòng tự hào, tự đại của Bắc Kinh. Hồ Vấn Minh trở thành nghi phạm tham nhũng cấp cao nhất trong ngành quốc phòng của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào chương trình hiện đại hóa hải quân với mục tiêu xây dựng một đội hải quân nước xanh. Có vai trò trọng yếu đối với mục tiêu đó là CSIC, doanh nghiệp nhà nước đóng tàu quân sự hàng đầu của Trung Quốc từ năm 1999. Tuy nhiên, vụ bắt giữ cựu Chủ tịch CSIC Hồ Vấn Minh gần đây làm bộc lộ nạn tham nhũng nghiêm trọng tồn tại giữa các công ty đóng tàu quân sự của Trung Quốc, bất chấp các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ. Trước đây, đã có một số nhân vật quan trọng của CSIC đã bị bắt vì tội tham nhũng. Giờ đây, người đàn ông từng đứng ở đỉnh cao của ngành đóng tàu quân sự Trung Quốc cũng bị cáo buộc tội danh tương tự. Diễn tiến này cho thấy hiện đại hóa hải quân Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với việc đơn giản là tăng trưởng. Do vậy, tham nhũng trong giới đóng tàu quân sự Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra hậu quả cho PLAN.

Hồ Vấn Minh đã có nhiều năm làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, kinh qua nhiều doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho lục quân, hải quân và không quân của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA). Hồ giám sát các dự án nhạy cảm như máy bay chiến đấu J-10, máy bay Comac C919, máy bay Xian MA60 và quan trọng nhất là ông đã chỉ huy phát triển tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Trong giai đoạn 2012-2015, Hồ Vấn Minh là Chủ tịch của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), đối thủ cạnh tranh của CSIC quản lý việc đóng tàu ở các tỉnh phía đông và đông nam Trung Quốc. Vào tháng 3/2015, Hồ Vấn Minh được chuyển sang CSIC làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy. Trong nhiệm kỳ của mình, Hồ Vấn Minh đã tổ chức lại các tài sản của CSIC, mở rộng số lượng các công ty con niêm yết công khai, bắt đầu hoán đổi nợ theo định hướng thị trường và tăng cường chứng khoán hóa tài sản của CSIC. Trong những năm qua, Hồ Vấn Minh là người ủng hộ thẳng thắn cho việc sáp nhập CSSC-CSIC, cuối cùng diễn ra vào ngày 26/11/2019. Tuy nhiên, Hồ Vấn Minh đã không chủ trì sự kiện lịch sử này. Vào tháng 8/2019, ông ta đột nhiên rút khỏi vị trí chủ tịch CSIC và biến mất trước con mắt của công chúng cho đến ngày 12/5/2020, khi cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) tuyên bố bắt giữ Hồ vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng (tham nhũng).

Trong năm 2019, Trung Quốc đã đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trong nước, với 23 cán bộ diện trung ương quản lý bị đưa ra xét xử. Trong số này có các cán bộ lãnh đạo của các bộ và ủy ban ở trung ương, cũng có các “quan đầu” của các tỉnh, thành và khu tự trị, hoặc người phụ trách các doanh nghiệp nhà nước quan trọng. Điều này đã kế tiếp những đặc điểm “sâu rộng và không có vùng cấm” của cuộc chiến “đả Hổ” ở Trung Quốc những năm gần đây. Điều đáng chú ý là, trong số 23 “Hổ” bị đưa ra xét xử có 8 Phó tỉnh trưởng hoặc Phó chủ tịch Khu tự trị. Trong đó 7 người, gồm Lưu Cường, Phó tỉnh trưởng Liêu Ninh; Phùng Tân Trụ, Phó tỉnh trưởng Thiểm Tây; Quý Tương Kỳ, Phó tỉnh trưởng Sơn Đông; Lý Di Hoàng, Phó tỉnh trưởng Giang Tây; Bạch Hướng Quần, Phó chủ tịch Khu tự trị Nội Mông; Bồ Ba, Phó tỉnh trưởng Quý Châu và Miêu Thụy Lâm, Phó tỉnh trưởng Giang Tô, đều bị quật ngã khi đang trong nhiệm kỳ giữ chức; 4 người thuộc hệ thống Hội nghị Chính trị Hiệp thương, gồm Cận Tuy Đông, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Hà Nam; Lý Sĩ Tường, nguyên Ủy viên Dự khuyết Trung ương khóa 18, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương thành phố Bắc Kinh. Đáng chú ý, trong số các quan chức bị xử lý năm 2019, có Trương Hóa Vi là một cán bộ lâu năm trong hệ thống kiểm tra kỷ luật. Ông từng là Trưởng phòng Phòng 5 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Phó trưởng Đoàn Kiểm tra Tài chính Doanh nghiệp đầu tiên của Ban Tổ chức Trung ương. Ông là người lãnh đạo Đoàn Kiểm tra đầu tiên của Trung ương bị ngã ngựa.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng đã công bố báo cáo Tổng kết cho biết, trong 6 năm qua, các cơ quan kiểm tra giám sát kỷ luật Trung Quốc đã thụ lý 2.674.000 hồ sơ, lập án 1.545.000 trường hợp, xử lý 1.537.000 trường hợp quan chức các cấp vi phạm kỷ luật. Trong đó có 43 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Khóa XVIII đã bị bắt giữ hoặc cho thôi chức vì tội tham nhũng và mắc những sai phạm nghiêm trọng khác; 9 người thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương; hơn 8.900 cán bộ cấp Cục, Sở; 63.000 cán bộ cấp Huyện, Phòng; hơn 250 quan chức cao cấp, gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp và tướng lĩnh quân đội bị bắt giữ; 648.000 quan chức ở cấp xã vi phạm kỷ luật và tham nhũng quy mô nhỏ. Trung Quốc đồng thời phối hợp với cảnh sát quốc tế để truy lùng tội phạm tham nhũng qua khuôn khổ các chiến dịch “Lưới trời” và “Săn cáo”. Tính tới cuối tháng 8/2017, đã có 3.453 đối tượng trốn chạy ra nước ngoài bị bắt giữ, trong đó có 628 là cựu quan chức; đã tịch thu được 1,41 tỷ USD. Trong số 100 nghi phạm thuộc diện bị truy nã gắt gao theo danh sách của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), 46 đối tượng đã bị bắt. Đáng chú ý, CCDI cho biết, năm 2017, trong số 122.100 vụ việc liên quan đến 159.100 người, 48.700 vụ liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo. Trung Quốc nhiều năm qua thực hiện chiến dịch chống tham nhũng lớn, trong đó cơ quan chống tham nhũng bắt quả tang nhiều quan chức hàng đầu có hành vi sai trái.

RELATED ARTICLES

Tin mới