Truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục ca ngợi đội quân ngoại giao “Chiến Lang” của nước này khi đấu tranh chống lại những cáo buộc, chỉ trích từ bên ngoài. Những phát ngôn quyết liệt, hung hăng, khiêu khích ngày càng được giới ngoại giao nước này tung ra. Đây được coi là một phần trong chính sách “ngoại giao nước lớn” của Bắc Kinh dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trái với những gì Trung Quốc mong đợi, nước này đang vấp phải sự chỉ trích của cả thế giới.
Giới lãnh đạo Trung Quốc từng ca ngợi đối ngoại nổi bật kể từ sau Đại hội 18 của nước này nhấn mạnh ba thành tố lớn là: i) chủ động thực hành chính sách “ngoại giao nước lớn” để xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; ii) tích cực thúc đẩy xây dựng “khuôn khổ quan hệ quốc tế kiểu mới” và “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” nhằm nâng tầm uy tín quốc tế của cường quốc mới nổi; iii) nỗ lực triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để tạo tăng trưởng bền vững, hiện thực hóa phương châm “hợp tác cùng thắng”, hoàn thành hai “mục tiêu trăm năm” và giấc mộng “phục hưng dân tộc Trung Hoa”. Tuy nhiên, điều các nước nhận thấy lại hoàn toàn tiêu cực.
Thứ nhất, “lấy thịt đè người” không phải là cách hành xử quân tử. Trung Quốc tính toán kĩ khi sử dụng lực lượng dân sự để thực thi yêu sách ‘đường lưỡi bò’ phi lí vừa là để áp đặt các nước khác nhưng vừa hạn chế xung đột quy mô lớn nổ ra. Lực lượng chấp pháp có thể sử dụng biện pháp cứng rắn trong khi ‘lực lượng dân quân biển’ được triển khai ồ ạt trong chiến thuật “lấy thịt đè người”. Chuyến thăm đến làng Đàm Môn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây lo ngại cho các nước láng giềng do ngư dân Hải Nam, vốn được coi là ‘dân quân biển’, có thể sử dụng “danh nghĩa dân sự nhằm phổ biến tư duy, tạo sự quan tâm xã hội với việc bảo vệ quyền lợi hàng hải, cũng như thể hiện sự tự tin, thống nhất của toàn thể dân chúng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải”. Chung quy, các lực lượng này có sự phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp qua các tổ chức nghề nghiệp hoặc chịu sự kiểm soát của Cục Hải dương Quốc gia. Do đó, sự hiện diện của các lực lượng bán quân sự trong lĩnh vực biển một cách đầy quy củ giúp Bắc Kinh dễ khuyến khích ngư dân tiến vào các vùng lãnh thổ tại Biển Đông hơn bằng hoạt động đánh cá, qua đó thực hiện yêu sách chủ quyền.
Thứ hai, nước lớn phải hành động có trách nhiệm. Trung Quốc ra sức thanh minh rằng căn cứ quân sự ở Djibouti chỉ được dùng cho các sứ mệnh nhân đạo, chẳng hạn như nỗ lực chống hải tặc ngoài khơi Somalia và Yemen. Không khó để nhận thấy đây vẫn là một thông điệp của Bắc Kinh tới giới lãnh đạo, nhân dân và quân đội các nước rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp đủ nguồn lực hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang của họ để bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài, ở khu vực biển sâu và cả các vùng xa xôi. Như Chủ tịch Tập đã nói trong Đại hội đảng thứ 19, giấc mơ xây dựng quân đội hùng mạnh là “điểm tựa chiến lược thực hiện hai mục tiêu ‘100 năm’, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Bắc Kinh đang tỏ rõ quyết tâm bảo vệ hoạt động khai thác dầu ngoài khơi, và tiếp tục thiết lập mạng lưới các trạm cung ứng quân sự ngoài khơi tại những khu cảng chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia, dần dần hợp pháp hóa sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc ở các vùng biển. Qua đó, Bắc Kinh đã linh hoạt điều chỉnh các bước đi trên cơ sở, đa dạng trong công cụ, cách thức, đối tượng và thời điểm triển khai để tăng cường ảnh hưởng chính trị, khẳng định vai trò “cường quốc biển”, phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Thứ ba, nước lớn phải chính trực và thực tâm. Bắc Kinh có xu hướng sử dụng lợi ích kinh tế để mặc cả với các nước có tranh chấp trực tiếp trong khi dùng các can dự chính trị ngoại giao vận động các nước không có tranh chấp đứng về phía Trung Quốc. Người dẫn chương trình nhiều lần đề cập đến việc mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đang trở nên ổn định, cởi mở và ngày càng phồn vinh, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho nhân dân các nước. Điều này chứng tỏ mối tương quan trực tiếp giữa chính sách ngoại giao và dòng chảy thương mại của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có xu hướng vận động các quốc gia nói tốt về họ thông qua các gói hợp tác kinh tế, theo đó có tổng cộng hơn 80 nước và gần 200 tổ chức và cá nhân thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông. Những điểm này sau đó cũng được lặp lại trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại đại hội đảng thứ 19. Qua đó, Trung Quốc “sẽ kiên trì giải quyết tranh chấp qua đối thoại, giải quyết bất đồng thông qua hiệp thương.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, giới ngoại giao Trung Quốc liên tục sử dụng các tuyên bố, phát biểu gay gắt, hùng hổ nhằm vào các nước khi có những cáo buộc về nguồn gốc của dịch bệnh. Không chỉ còn là những phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các đại sứ Trung Quốc ở các nước đang là lực lượng tiên phong, không ngại va chạm và chủ động trong phát ngôn của nước này. Và như là kết quả tất yếu, các nước đều quay mặt lại với Trung Quốc. Hàng loạt nước đã triệu đại diện ngoại giao Trung Quốc để phản đối. Tại châu Phi, khu vực vốn được đánh giá là có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc cũng liên tục phàn nàn về thái độ, hành xử của Bắc Kinh.
Tại Venezuela, nơi nhận viện trợ lớn từ Bắc Kinh, đại sứ quán Trung Quốc đã chỉ trích những nhà lập pháp địa phương, người từng gọi nCoV là “virus Trung Quốc”. Trong một tuyên bố trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc hồi tháng 3, cơ quan này cho rằng những nhà lập pháp kia đang nhiễm một loại “virus chính trị”. “Hãy nhanh chóng tìm kiếm phương pháp điều trị thích hợp bởi bạn đã nhiễm loại virus này. Bước đầu tiên có thể là đeo khẩu trang và im lặng”, tuyên bố của đại sứ quán có đoạn. Một trong những nhà ngoại giao “chiến lang” quyết liệt nhất của Bắc Kinh là Lô Sa Dã, đại sứ Trung Quốc tại Paris, Pháp. “Mỗi khi người Mỹ đưa ra một cáo buộc, truyền thông Pháp luôn đăng tải thông tin này sau một, hai ngày. Họ vào hùa để khiến những lời nói dối và tin đồn về Trung Quốc trở nên ầm ĩ”, ông Lô tháng trước nói với tờ L’Opinion.
Nhìn chung, khi Trung Quốc nỗ lực khẳng định tầm ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế, các nhà ngoại giao nước này trên khắp thế giới đối đầu với nhiều cuộc chiến lớn nhỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Họ công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các đối thủ trên mọi mặt trận, từ mạng xã hội, báo chí, truyền hình cho tới các bàn đàm phán, đánh dấu bước ngoặt lớn cho đội quân ngoại giao từng được cho là bảo thủ, kín tiếng.Làn sóng thù địch Trung Quốc ngày càng leo thang khi Bộ Ngoại giao nước này nỗ lực viết lại câu chuyện về đại dịch Covid-19, đấu khẩu với các quốc gia phương Tây và thậm chí với một số quốc gia thân thiện.