Phó trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á Reed Werner (19/5) cho biết, Mỹ bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc gia tăng “hành vi mạo hiểm” trong nhiều cuộc chạm mặt trên Biển Đông từ giữa Tháng 3 đến nay.
Theo ông Reed Werner, từ giữa tháng 3, thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải về neo đậu ở Guam, các chiến đấu cơ Trung Quốc đã quấy rối trinh sát cơ Mỹ ít nhất 9 lần trên khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc có hành vi “quấy nhiễu” tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin khi nó hoạt động gần một nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua Biển Đông hồi tháng 4. Ông Reed Werner cho biết trong lần chạm mặt này, một tàu hộ tống Trung Quốc di chuyển “theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”; cho biết, Mỹ nhận thấy xu hướng hiện nay là rất đáng lo ngại. Chính phủ Mỹ đã gửi phản đối chính thức qua kênh ngoại giao về những lần chạm mặt không an toàn này và qua “kênh cá nhân” trong một trường hợp.
Phó trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á cáo buộc Trung Quốc thực hiện hành vi “cưỡng ép, gây bất ổn và lợi dụng thương mại” ở khu vực; cho rằng Trung Quốc “tiếp tục chèn ép và bắt nạt các nước khác” và chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại Nhà Trắng năm 2015 rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại Biển Đông; cáo buộc Trung Quốc tiếp tục gây bất ổn tại Biển Đông trong thời gian xảy ra đại dịch virus corona, như việc quấy rối các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, bao gồm các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; cho biết các đội tàu đánh cá của Trung Quốc cũng đang hướng xa hơn về phía Nam từ quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông xuống quần đảo Natuna gần Malaysia và Indonesia, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh về hành vi cưỡng ép, gây bất ổn và khai thác thương mại ở Đông Nam Á.
Không phải đến bây giờ, những vụ đối đầu như vậy mới xảy ra. Kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu triển khai yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, tàu thuyền, máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc liên tục có những lần đụng độ tại vùng biển này. Tháng 4/2001, một máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc đã va vào một máy bay do thám EP-3E của Mỹ tại Biển Đông, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và chiếc J-8 rơi xuống biển. Máy bay Mỹ cũng bị hỏng nặng và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Lầu Năm Góc khẳng định chiếc EP-3E bay trong vùng trời quốc tế.
Tháng 3/2009, lại xảy ra vụ 5 tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu hải quân, áp sát tàu nghiên cứu USNS Impeccable của hải quân Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Tháng 12/2013, tàu đổ bộ của Trung Quốc đã chạy chắn ngang mũi tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens của Mỹ rồi dừng lại, khiến tàu Mỹ buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm. Chiếc USS Cowpens lúc đó đang thực hiện hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Tháng 8/2014, máy bay tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã bay nhào lộn xung quanh một chiếc máy bay tuần biển và săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Chiếc J-11 này có lúc bay cách chiếc P-8 Poseidon chỉ khoảng 9 m. Tháng 5/2015, tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546) của Trung Quốc đã bám theo tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) của Hải quân Mỹ khi tàu này đang tuần tra gần quần đảo Trường Sa.
Gần đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn cho biết Bộ Quốc phòng “lo ngại với các hoạt động mang tính cơ hội và ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc nhằm ép buộc các nước láng giềng và nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền hàng hải trái pháp luật của mình ở Biển Đông, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang tập trung xử lý đại dịch COVID-19”. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng các kẻ thù của Mỹ đang cố gắng lợi dụng tình hình toàn cầu để chiếm lợi thế, nhưng cũng nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ vẫn sẵn sàng đối mặt thách thức và bảo vệ quyền lợi của Mỹ.
Trong một động thái mới nhất, Mỹ vừa công bố báo cáo “Tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, được thực hiện theo Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2019, và vừa gửi đến Quốc hội Hoa Kỳ vào hôm 20/5/2020. Liên quan vấn đề thách thức an ninh của Trung Quốc, báo cáo ghi rõ rằng Bắc Kinh khiêu khích và cưỡng ép quân sự lẫn bán quân sự ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông, eo biển Đài Loan và khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Những động thái này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh như phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, hay giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình. Trong bản báo cáo, Chính quyền Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền di chuyển và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ hợp tác và hỗ trợ các đối tác và đồng minh nhằm chống lại những hành động lấn át của Trung Quốc.
Bất chấp dịch COVID-19 gây một số bất lợi với hải quân Mỹ, thời gian qua Mỹ vẫn tăng cường hiện diện ở Biển Đông và ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những tháng gần đây nhiều tàu hải quân Mỹ được triển khai thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do giao thông hàng hải ở Biển Đông cũng như ở eo biển Đài Loan. Không quân Mỹ cũng triển khai nhiều máy bay ném bom tuần tra khu vực. Từ tháng 3, hải quân Mỹ đã thực hiện ba chiến dịch tuần tra hàng hải ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Nhiều tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu đổ bộ tấn công USS America đã tập trận chung với một số nước. Nhiều máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancers đã thực hiện hai lượt tuần tra chiến lược trên Biển Đông. Điều này cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì, đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.