Hôm 9/5, khoảng 150 binh sĩ của hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia vụ hỗn chiến ác liệt tại đèo Naku La ở Sikkim, khiến hơn chục binh sĩ cả hai phía bị thương. Trong những ngày gần đây, lực lượng quân đội của hai nước lại đối đầu tại bờ hồ Pangong trên cao nguyên Ladakh không có người sinh sống. Tình trạng trên tiếp tục khiến quan hệ hai nước láng giềng này trở nên thêm phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đụng độ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ khu vực biên giới hôm 9/5. (Nguồn: India Today)
Phản ứng của TQ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 21/5 đã nói: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ là nhất quán và rõ ràng. Lực lượng phòng thủ biên giới Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh lãnh thổ quốc gia, kiên quyết giáng trả các hoạt động vượt biên xâm phạm của phía Ấn Độ, kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ cùng với Trung Quốc song hành với nhau, tuân thủ sự đồng thuận quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai nước, tuân thủ các thỏa thuận và hiệp định mà hai bên đã ký kết, kiềm chế mọi hành động đơn phương làm phức tạp tình hình biên giới, giữ gìn an ninh ở khu vực biên giới hai nước.
Phản ứng của Ấn Độ
Đáp lại sự chỉ trích của Trung Quốc, Ấn Độ đã phủ nhận việc họ tiến hành các hành vi khiêu khích và cáo buộc quân đội Trung Quốc đã cản trở việc tuần tra của binh sĩ Ấn Độ; khẳng định: “Tất cả các hoạt động của Ấn Độ đều diễn ra bên trong lãnh thổ Ấn Độ và quân đội Ấn Độ không hề vượt qua đường kiểm soát thực tế”. Ông Anurag Srivastava, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ngày 21/5 tuyên bố rằng: “Trên thực tế, chính những hành động gần đây của Trung Quốc đã cản trở các hoạt động tuần tra bình thường của quân đội Ấn Độ”.
Ông Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách (Centre for Policy Research) ở New Delhi cho rằng các hành động mạnh mẽ của Trung Quốc ở Ladakh và khu vực rộng lớn hơn có liên quan đến việc Bắc Kinh đang cố gắng củng cố vị trí của họ ở các khu vực tranh chấp khác như Biển Đông. Ông nói: “Những gì đang xảy ra ở dãy Hymalaya hiện nay là một phần của các hành động mạnh mẽ rộng lớn hơn này”.
Phức tạp mới giữa Ấn Độ – TQ – Nepal
Nepal là quốc gia bị kẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Vụ việc gây chú ý khi vừa qua Nepal đã phát hành một bản đồ chính thức mới, trong đó thể hiện một khu vực biên giới miền núi giữa ba quốc gia và nói rằng Ấn Độ gần đây đã xây dựng một con đường mới gây tranh cãi nằm ở bên trong lãnh thổ Nepal. Động thái này đã gây ra phản ứng giận dữ từ New Delhi. Phía Ấn Độ gọi bản đồ này là “yêu sách bản đồ bất hợp lý”. Ông Anurag Srivastava, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố rằng hành động đơn phương này của Nepal “không có sự thật và chứng cứ lịch sử” và cảnh báo rằng “kiểu yêu sách mở rộng lãnh thổ nhân tạo này sẽ không được chấp nhận”.
New Delhi tuyên bố rằng con đường này nằm ở bên trong lãnh thổ Ấn Độ và đây chỉ là hoạt động nâng cấp một tuyến đường hành hương nổi tiếng để giúp những người hành hương đến núi thiêng Mount Kailash ở Tây Tạng có thể tránh được việc leo trèo khó khăn. Các cơ quan truyền thông của Ấn Độ như New Delhi TV, The Times of India đã chỉ ra rằng, tướng MM Naravane, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ đã có bài phát biểu, nói rằng Nepal đang “hành động theo mong muốn của quốc gia khác”. Các tạp chí Swarajya, báo Deccan Herald của Ấn Độ đã đăng bình luận cho rằng “không loại trừ khả năng Trung Quốc đã gây áp lực lên Nepal” để họ quay sang cùng với Bắc Kinh chống New Delhi.
Thủ tướng Nepal Sharma Oli nói rằng các đại diện của Trung Quốc và Nepal đang đối thoại để giải quyết các tranh chấp biên giới. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nepal Shankar Das Bairagi nhiều lần gặp Đại sứ Trung Quốc tại Nepal Hầu Diễm Kỳ. Vì vậy, cuộc xung đột khu vực trong bối cảnh tranh chấp Trung – Ấn này có ý nghĩa đặc biệt. Không thể phủ nhận rằng vấn đề quy thuộc của vùng Karapani, bao gồm cả Lipulekh Pass (hay Đèo Gora), dẫn trực tiếp đến Mount Kailash ở Tây Tạng không liên quan Trung Quốc. Khu vực này là điểm cuối của khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như khu vực tranh chấp truyền thống giữa Ấn Độ và Nepal. Kể từ năm 1816, các vương quốc Ấn Độ và Nepal thuộc Anh lúc đó đã luôn tranh chấp về khu vực có diện tích 75 km2 này.Hôm 19/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng, nói rằng, đây là vấn đề liên quan giữa hai nước Ấn Độ và Nepal, Trung Quốc hy vọng hai nước giải quyết bất đồng thông qua hiệp thương hữu nghị, không nên có những hành động đơn phương làm phức tạp hơn tình hình.
Nhìn chung, vấn đề tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ và các nước như Nepal sẽ còn diễn biến phức tạp và khó có thể giải quyết khi các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc theo đuổi chính sách mở rộng ảnh hưởng và thường đưa ra các yêu sách chủ quyền của mình.