Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTrung Quốc dần chấp nhận bị cộng đồng quốc tế chỉ trích,...

Trung Quốc dần chấp nhận bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, lên án và cô lập về cách ứng phó virus corona

Trong báo cáo trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII hôm 22/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận nhiều mắt xích yếu đã bộc lộ trong quá trình đối phó với tình huống khẩn cấp về sức khỏe của nước này trong mùa dịch.

COVID-19 theo ông Lý mô tả là dịch bệnh lây lan nhanh nhất, khẩn cấp nhất và đặt ra nhiều thách thức nhất mà Trung Quốc phải đối mặt kể từ khi Trung Quốc được thành lập năm 1949.  Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc “phải cố gắng cải thiện công việc, thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và làm hết sức mình để đáp ứng mong mỏi của người dân”, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tuân theo nguyên tắc “sinh mạng con người là quan trọng nhất” và củng cố hệ thống y tế công cộng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc cũng cam kết cải cách hệ thống phòng chống dịch bệnh, cải thiện hệ thống báo cáo và cảnh báo bệnh truyền nhiễm cũng như đảm bảo thông tin được công bố kịp thời, công khai và minh bạch; hứa hẹn sẽ tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vaccine, phương pháp điều trị và xây dựng thêm các cơ sở y tế. 

Trong khi đó, Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho rằng với dịch quy mô lớn tại Trung Quốc và trên thế giới, việc đón nhận chỉ trích từ công chúng là điều bình thường. Ông Cao cho biết CDC Trung Quốc sau đợt bùng phát virus corona nhận thấy cần cải thiện cơ chế báo cáo dịch bệnh và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài. Dù tồn tại những bất cập trong CDC Trung Quốc thể hiện qua đại dịch, vị giám đốc vẫn cho rằng Trung Quốc đã ứng phó tốt so với một số nước khác. Ông còn ví von việc ứng phó dịch bệnh giống như “một bài kiểm tra không được giở tài liệu”. Ngoài ra, lãnh đạo CDC Trung Quốc cho biết giới khoa học nước này vẫn chưa thể xác định cách thức virus truyền sang người. Ông hy vọng công chúng “có thể cho các nhà khoa học thêm thời gian để hiểu thêm về virus”. Trước đó, ông Quách Vệ Dân, phát ngôn viên CPPCC, cho rằng những cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin về Covid-19 và khiến nó lây lan sang các nước khác là hoàn toàn vô lý. Ông Quách cũng bác bỏ nhận định Bắc Kinh đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo toàn cầu thông qua hỗ trợ các nước khác đối phó dịch Covid-19.

Liu Guoen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế y tế thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng vấn đề nên được xem xét hiện nay là cách quản lý hệ thống thay vì cải tiến công nghệ, nhấn mạnh cần phải thiết lập hệ thống để mỗi cấp chính quyền nhận thức được trách nhiệm của họ và báo cáo về các đợt bùng phát mà không bị chính quyền cấp trên can thiệp hay khiển trách.

Trong khi đó, South China Morning Post cho rằng, giới chức Trung Quốc đang tranh luận gay gắt về giải pháp chống lại sức ép ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế liên quan đến Covid-19. Một số nhà ngoại giao theo đường lối cứng rắn ủng hộ việc công kích lại những người chỉ trích Bắc Kinh. Dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng phản ứng như thế không đủ để thay đổi lập trường chống Trung Quốc từ bên ngoài. Ông Shi Yinhong, chuyên gia tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định nhu cầu về sự cân bằng kinh tế trong nước và sức ép gia tăng của cộng đồng quốc tế có thể buộc Bắc Kinh thay đổi các mục tiêu chiến lược.

Trung Quốc thời gian qua đang đối mặt với làn sóng chỉ trích trong và ngoài nước về phản ứng giai đoạn đầu dịch. Nhiều bác sỹ ở Vũ Hán cảnh báo về một loại virus corona mới từ cuối tháng 12, nhưng tới tận 20/1, giới chức Trung Quốc mới xác nhận COVID-19 lây truyền từ người sang người. Dịch bệnh khởi phát từ Vũ Hán cuối năm 2019 cho tới nay lây nhiễm cho hơn 82.000 người Trung Quốc và khiến hơn 4.600 người thiệt mạng. 

Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt qua cột mốc 5 triệu hôm 20/5. Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới cho biết nhận được báo cáo về 106.000 ca Covid-19 mới trong 24 giờ trước đó. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm ngoái. Theo WHO, 4 nước hiện có số ca Covid-19 nhiều nhất là Mỹ, Nga, Brazil và Anh.

RELATED ARTICLES

Tin mới