Sau một loạt các động thái phi pháp trên thực địa và hành chính nhằm củng cố yêu sách “chủ quyền” trên biển, truyền thông Trung Quốc lại tung “bằng chứng” mới để tuyên truyền về “chủ quyền” đối với vùng biển này.
Đảo Phú Lâm của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Theo đó, Thời báo Hoàn Cầu – một trong những cơ quan ngôn luận mang tính hiếu chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa tin cho rằng hải quân nước này đồn trú (trái phép) trên đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã lần đầu thu hoạch 1,5 tấn rau trồng trên bãi cát. Bài báo trên cho biết, Trung Quốc đã trồng thí nghiệm được 7 loại rau xanh trên một cánh đồng “cát với đất” tại đảo “Vĩnh Hưng”. Tuyên truyền việc trông rau trên “áp dụng cộng nghệ mới và sẽ được phát huy trên quy mô lớn, có thể giải quyết vấn đề của lực lượng quân đội và dân thường trên các đảo thiếu rau xanh”.
Tờ báo trên dẫn đánh giá của Chen Xiangmiao, một trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông cho rằng việc trông. được rau xanh trên các đảo, đá ở Biển Đông là sự đột phá mới, có khả năng hỗ trợ và cải thiện cuộc sống của người dân trên các đảo, đá (đang chiếm đóng phi pháp của Việt Nam); cho rằng việc này sẽ cho phép nhiều người ra sinh sống trên các đảo hơn. Sau khi trồng được rau xanh, Trung Quốc sẽ “nghiên cứu chăn nuôi gia súc như lợn, gà nhằm tạo thành một chu kỳ sinh thái, thích hợp cho cuộng sống con người”; đồng thời tuyên truyền rằng “trong tương lai, mỗi hòn đảo có thể tạo thành một cộng đồng độc lập nhỏ”.
Theo nhận định của Zachary Haver, một nhà phân tích tình hình Trung Quốc từ Washington, cho biết “thành phố Tam Sa” – nơi Trung Quốc dựng lên trên đảo Phú Lâm của Việt Nam – vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm từ đảo Hải Nam. Hiện Chính quyền Trung Quốc cũng đã triển khai một loạt các ưu đãi như trợ cấp và các chương trình nhà ở công cộng để thu hút dân thường đến sống trên đảo này. Ông Haver phân tích, dự án này có khả năng còn được Trung Quốc dùng để “củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”. Trung Quốc dựa vào những khái niệm về “quyền lịch sử”, tuy không được luật pháp quốc tế ủng hộ. Ngoài ra, mô hình của đảo Phú Lâm có thể sẽ được (hoặc đã được) mở rộng sang các căn cứ đảo nhân tạo của Trung Quốc khác tại Quần đảo Trường Sa.
Trước đó, trong một động thái tương tự, một số diễn đàn quân sự Trung Quốc (11/7/2019) tán phát tin cho rằng Bắc Kinh đã phát hiện nước ngọt trữ lượng lớn trên đá Chữ Thập (quân đảo Trường Sa của Việt Nam). Theo đó, chất lượng nước ngọt có thể đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi và trồng trọt trên đá Chữ Thập. Các trang mạng trên tuyên truyền rằng việc tìm thấy nước ngọt trên đảo có “ý nghĩa quan trọng”, mang lại nguồn cung nước ngọt dồi dào và lâu dài cho việc “duy trì chiếm giữ đảo”; giúp Chính phủ Trung Quốc tiết kiệm một lượng lớn ngân sách trong việc mua và vận chuyển nước ngoạt, thực phẩm từ đất liền ra đảo; “nâng cao tinh thần và sức chiến đấu của binh lính Trung Quốc đang đóng quân (phi pháp) trên đá Chữ Thập”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Trung Quốc cố tình tung hỏa mù về việc trồng được rau xanh và tìm thấy nước ngọt để thực hiện ý đồ chiến lược ở Biển Đông. Đầu tiên, Bắc Kinh cố tình tuyên truyền vê việc trồng được rau xanh và tìm ra nước ngọt trên đảo Phú Lâm và đá Chữ Thập nhằm phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tìm cách khẳng định đá Chữ Thập là “đảo” theo quy định của UNCLOS. Theo phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), đá Chữ Thập không phải đảo và nó không tạo ra yêu sách “chủ quyền” 200 hải lý cho Trung Quốc; đồng thời Tòa cũng nhấn mạnh rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Theo Điều 121 về “chế độ các đảo” của UNCLOS quy định: “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.
Từ hai khía cạnh trên, Trung Quốc cố tình tuyên truyền việc trông được rau xanh và tìm thấy nước ngọt trên đá Chữ Thập và trữ lượng nước ngọt đủ lớn để cung cấp, phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu và sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi…) nhằm khẳng định “đảo Phú Lâm và đá chữ Thập là đảo thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng nên nó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những lập luận phản bác lại phán quyết của Tòa và đòi hỏi yêu sách “chủ quyền” 200 hải lý đối với đảo Phú Lâm và đá Chữ Thập.
Thứ hai, việc Bắc Kinh tuyên truyền thông tin trên là nhằm định hướng dư luận trọng nước về việc cải thiện đời sống binh lính đang đồn trú phi pháp ở Biển Đông. Đây cũng có thể là bước đầu trong chiến lược động viên, đưa người dân ra sinh sống trái phép trên các đảo và thực thể nhân tạo của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ ba, thông tin tuyên truyền trên cho thấy Trung Quốc cũng muốn thăm dò phản ứng của các nước liên quan. Trước đây, với những thông tin mang tầm “chiến lược” như vậy, hệ thống truyền thông và các quan chức ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc đã tung hô rầm rộ, song lần này Bắc Kinh không dám để các quan chức Chính phủ, các cơ quan thông tấn, truyền thông chính thông đưa tin liên quan.
Thứ tư, sau khi thiết lập trái phép cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”, Trung Quốc cố tình tuyên truyền, định hướng dư luận về “cuộc sống” của người dân sinh sống trên các đảo, đá chiếm đóng trái phép nhằm khẳng định “quyền quản lý thực tế và hữu hiệu” trên khu vực này. Qua đó, tìm cách khích lệ “tinh thần dân tộc và lòng yêu nước” nhằm hạn chế chỉ trích của người dân về sự yếu kém của chính quyền thời gian gần đây
Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trưởng Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.