Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngĐài Loan đặt cược vào tên lửa để răn đe TQ

Đài Loan đặt cược vào tên lửa để răn đe TQ

Đài Loan có thể nâng cấp và mua sắm nhiều tên lửa hiện đại với hy vọng cầm chân được quân đội Trung Quốc nếu xung đột nổ ra.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 20/5 nhậm chức nhiệm kỳ hai, tuyên bố muốn đối thoại với Bắc Kinh nhưng không theo nguyên tắc ‘Một Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà cũng cam kết tăng cường năng lực phòng thủ Đài Loan, nhấn mạnh phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng, dường như dự đoán rằng quan hệ với Trung Quốc đại lục sẽ thêm căng thẳng trong thời gian tới.

Giới phân tích quân sự cho rằng trọng tâm đầu tư nhằm phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng của Đài Loan chính là chương trình tên lửa, vũ khí có thể giúp lực lượng phòng thủ hòn đảo cầm cự trước quân đội Trung Quốc khi xung đột vũ trang bùng phát, trong lúc chờ đợi Mỹ điều quân hỗ trợ.

“Học thuyết tác chiến phi đối xứng tập trung vào tên lửa, ngư lôi, máy bay và tàu xuồng không người lái, cũng như tác chiến mạng. Trong đó, tên lửa là vũ khí hiệu quả nhất để răn đe và tấn công đối phương”, Chieh Chung, nhà nghiên cứu tại Đài Bắc, nhận xét.

Ông cho rằng việc đẩy mạnh phát triển tên lửa của Đài Loan là lựa chọn hợp lý, trong bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng phát triển về mọi mặt, còn Đài Loan không có khả năng chạy đua vũ trang vì ngân sách hạn chế.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định mục tiêu thống nhất Đài Loan khi phát biểu trong phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm 22/5, nhưng không nhắc đến từ “hòa bình” trong cụm từ “thống nhất hòa bình” vốn luôn xuất hiện khi các lãnh đạo Trung Quốc đề cập tới vấn đề Đài Loan tại các kỳ họp quốc hội trong ít nhất 40 năm qua.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, khiến eo biển Đài Loan có nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát xung đột quân sự. Bắc Kinh cũng ngăn cản các nước bán vũ khí cho Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ hòn đảo gặp khó khăn trong nỗ lực hiện đại hóa.

Để khắc phục điều này, Viện Khoa học và Công nghệ Chung-shan, nơi được coi là cái nôi của tên lửa Đài Loan, đã hợp tác với lực lượng phòng vệ hòn đảo từ thập niên 1970 để phát triển nhiều loại vũ khí tầm ngắn và trung.

Lãnh đạo Thái Anh Văn từng tới thăm cơ sở này hồi tháng 1, kêu gọi cơ quan phòng vệ Đài Loan và Viện Chung-shan đẩy nhanh các kế hoạch sản xuất hàng loạt tên lửa phòng không Thiên Cung 3 và tên lửa chống hạm siêu thanh Hùng Phong 3 nhằm nâng cao năng lực phòng thủ.

Viện Chung-shan hồi tháng 4 phóng thử hàng loạt tên lửa, trong đó có mẫu Thiên Cung 3 và tên lửa hành trình siêu thanh Vân Phong. Cơ sở này từ chối bình luận về đợt thử nghiệm, chỉ hé lộ thời điểm bắn thử khi phát cảnh báo nguy hiểm với tàu thuyền và máy bay hoạt động trong khu vực thử nghiệm.

Tên lửa Thiên Cung 3 được hé lộ lần đầu trong buổi đánh giá ngân sách phòng thủ hòn đảo năm 2014, nằm trong danh sách 10 loại vũ khí tự phát triển thuộc dự án hiện đại hóa lực lượng với tổng trị giá 233 triệu USD. Nó dự kiến được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2021.

Chang Cheng, kỹ sư từng tham gia phát triển tên lửa Hùng Phong 3, cho biết biến thể Thiên Cung 3 có tầm bắn 70 km, tăng đáng kể so với tầm bắn 45 km của những phiên bản cũ, cho phép nó bắn hạ nhiều loại tên lửa dẫn đường của Trung Quốc. “Tuy nhiên, thật sai lầm nếu nghĩ rằng Thiên Cung 3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Đông Phong của đại lục”, ông nói.

Trong khi đó, giới phân tích nhận định Vân Phong có tốc độ siêu thanh và tầm bắn khoảng 1.500 km, đủ sức tấn công mục tiêu trọng yếu ở sâu trong lãnh thổ Trung Quốc đại lục như thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân, Nam Kinh, Thượng Hải và đập Tam Hiệp.

Tên lửa Vân Phong được trang bị động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) và đầu đạn bán xuyên giáp kết hợp nổ mảnh, phù hợp để tiến công nhiều loại mục tiêu khác nhau trên mặt đất và trong hầm ngầm. Loại vũ khí này dự kiến được chế tạo với số lượng lớn vào cuối năm nay.

Viện Chung-shan từ chối bình luận về Vân Phong, nó được hé lộ lần đầu vào tháng 12/2012 nhưng dường như quá trình phát triển đã khởi động từ sau khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, thời điểm Trung Quốc thử nghiệm tên lửa gần hòn đảo để cảnh báo lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy. Dự án này đã trải qua 4 đời lãnh đạo Đài Loan và được giữ bí mật vì Washington và Đài Bắc lo ngại phản ứng mạnh từ Bắc Kinh.

Tàu chiến Đài Loan bắn thử tên lửa Hùng Phong 3 hồi năm 2019. Ảnh: Taiwan News.

Tàu chiến Đài Loan bắn thử tên lửa Hùng Phong 3 hồi năm 2019. Ảnh: Taiwan News.

Su Tzu-yun, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ Đài Loan (INDSR), cho biết tên lửa Vân Phong có thể hạn chế đáng kể năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc. “Nó có thể tập kích những mục tiêu chiến lược như sân bay, cảng biển và căn cứ quân sự ở miền trung Trung Quốc. Đây là thành phần quan trọng trong học thuyết tác chiến phi đối xứng của Đài Loan”, ông nói.

Không quân Trung Quốc được coi là mối đe dọa lớn nhất với đảo Đài Loan, điều này khiến các sân bay quân sự ở đại lục sẽ là mục tiêu tấn công trọng điểm của tên lửa Đài Loan khi bùng phát xung đột.

Tung Li-wen, nhà nghiên cứu thuộc INDSR, khẳng định biến thể nâng cấp 2E của dòng tên lửa hành trình cận âm Hùng Phong có tầm bắn 1.000 km, đủ sức đe dọa vùng đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang. “Đó là hai vùng kinh tế lớn của Trung Quốc đại lục, mọi cuộc tấn công sẽ làm tê liệt hoạt động tại đây”, Tung nói.

Ngoài những dự án tên lửa tầm xa, Đài Loan cũng đang phát triển và nâng cấp nhiều vũ khí tầm trung và tầm ngắn như tên lửa không đối không Thiên Kiếm có tầm bắn 120 km, tên lửa chống hạm Hùng Phong và tên lửa hành trình không đối đất Vạn Kiếm có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 240 km.

Trung Quốc gần đây gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải “trả giá” nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Quân đội Trung Quốc cũng nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của những khí tài hiện đại nhất trong biên chế.

Giới chức Đài Loan ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm “xóa nhòa ranh giới” với hòn đảo sau khi kiểm soát được Covid-19. Các hoạt động áp sát của không quân Trung Quốc sẽ dưới ngưỡng châm ngòi chiến tranh, nhưng sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng kiểm soát ở khu vực về mặt quân sự, tương tự những gì nước này đã làm ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới