Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mới‘Lưỡng hội’ phải chăng có biến?

‘Lưỡng hội’ phải chăng có biến?

“Lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị trì hoãn hơn hai tháng do dịch bệnh, hiện đã được khai mạc tại Bắc Kinh. Một video trực tuyến vào ngày 23/5 cho thấy trên chuyến tàu hỏa từ Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc chạy hướng về phía Bắc Kinh chở theo một lượng lớn xe tăng, đại bác và xe quân sự, khiến không ít người suy đoán rằng phải chăng Bắc Kinh sắp có đại biến, và liệu một cuộc đảo chính quân sự có diễn ra?

Theo đài NTD, vào ngày 23/5, tại một vùng ngoại ô của thị trấn Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, người dân địa phương đã quay lại video ngay trước nhà của họ. Video cho thấy trên một chuyến tàu hỏa chạy hướng về phía Bắc Kinh chở theo một lượng lớn xe tăng, đại bác, súng trái phá, tên lửa, xe tiếp tế quân sự, xe cứu thương quân sự, và nhiều vật tư quân sự trên toa xe.

 Một người phụ nữ trong video nói: “Xe quân sự. Thật không thể ngờ! Trời ạ, cảnh này lần đầu tiên mới được nhìn thấy, đây đều là xe quân sự, mới nãy đều là đại bác các loại. Nhìn vào đây, thật là ngoạn mục! Hết rồi, đây là xe cứu thương”.

Bắc Kinh cách Thừa Đức chỉ 220 km, và đoàn tàu có thể đến đó trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, đến sáng ngày 24/5, các quan chức Trung Quốc vẫn không công bố bất kỳ thông tin nào như điều động, thay đổi quân cảnh, hoặc có biến động đặc biệt.

Vì “Hai phiên họp” của ĐCSTQ đang được cử hành tại Bắc Kinh, nhiều người suy đoán: “Bắc Kinh lại xảy ra chuyện ư?”, “Chuẩn bị trước khi triển khai một cuộc đàn áp?”, “Đến Bắc Kinh hộ giá, có gì phải suy đoán chứ!”, “Điều động quân đội đến Bắc Kinh, lẽ nào sắp có động thái lớn? Ai lại tạo phản rồi? “, “Ngoài đấu đá nội bộ, hù dọa lẫn nhau ra còn có thể làm gì khác nữa!”.

Trước mắt ĐCSTQ đang ở trong thời khắc nhạy cảm khi bị vướng vào những khó khăn nghiêm trọng cả trong lẫn ngoài. Đối ngoại, ĐCSTQ phải đối mặt với truy cứu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường từ nhiều quốc gia vì che giấu dịch bệnh. Đối nội, tình hình dịch bệnh không ngừng gia tăng, áp lực kinh tế đè nặng chưa từng có, các cuộc đấu đá quyền lực nội bộ liên tục được đăng tải trên Internet gieo rắc những lời đồn thổi.

Một trận chiến đang được âm thầm triển khai bên ngoài Trung Nam Hải. Nhìn từ việc “Hồng nhị đại” [1] Nhậm Chí Cường bị bắt sau khi đăng tải bài viết phê phán Tập Cận Bình, đến “Hồng nhị đại” Trần Bình đăng tải một bức thư ngỏ kêu gọi Tập từ chức, rồi sau đó lại xuất hiện một bức thư ngỏ ký tên “Đặng Phác Phương” chống lại Tập, thật thật giả giả, tất cả đều có liên quan vấn đề ông Tập có từ chức hay không?

 Đặc biệt là trước thềm “Lưỡng hội”, ông Tôn Lực Quân, thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc ngã ngựa và ông Phó Chính Hoa – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc đã bị cách chức, cùng với tin đồn ông Mạnh Kiến Trụ – cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp ĐCSTQ đã bị bắt giữ. Lượng lớn các quan chức cấp cao trong quân đội ở Bắc Kinh và Thượng Hải bị đưa đi do chịu liên lụy…, tất cả những sự tình này đều được cho rằng có liên quan với âm mưu đảo chính lật đổ Tập của Tôn Lực Quân.

Đặc biệt, quan chức cao tầng trong quân đội quốc phòng Bắc Kinh cũng đã xuất hiện những thay đổi liên tục. Vương Xuân Ninh – Tư lệnh Cảnh vệ Bắc Kinh, đã bị cách chức chỉ sau 4 tháng bước chân vào Thường vụ Thành ủy Thành phố Bắc Kinh, có thể dính líu đến đấu đá quyền lực nội bộ cấp cao ĐCSTQ; chức vụ này do Trương Phàm Địch, Chính trị viên Cảnh vệ khu Bắc Kinh tiếp quản. Điều đáng chú ý là Trung tướng Vương Thành Nam, nguyên Bí thư Ủy ban Kỷ luật Không quân kiêm Giám đốc Ủy ban Giám sát, được xác nhận vào ngày 15/5 rằng ông đã nhậm chức phó Chính ủy Chiến khu Trung ương, kiêm Ủy viên Chính trị Không quân Chiến khu Trung ương. Chiến khu Trung ương có trách nhiệm bảo vệ Bắc Kinh, sự thay đổi này cũng đã thu hút sự chú ý của giới quan sát bên ngoài.

Cộng thêm vào trung tuần của tháng 5, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc tập trận quân sự trên bộ, trên không và trên biển quy mô lớn trên biển Bột Hải. Ngay thời điểm dịch bệnh hoành hành, đang khiến kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề, lãnh đạo ĐCSTQ vì sao lại hao phí lượng lớn nhân lực, vật lực, tài lực, tinh lực để thực hiện các cuộc tập trận quân sự quy mô như vậy? Về điểm này, ông Trần Phá Không, một chuyên gia phân tích về các vấn đề thời sự chính trị của Trung Quốc, cho biết Tập Cận Bình huy động cuộc tập trận quân sự có bốn mục đích: đe dọa Đài Loan; khiêu khích Mỹ; phòng bị Nga, Triều Tiên và răn đe các đối thủ chính trị trong đảng. Ông Trần tin rằng Tập Cận Bình mượn dùng cuộc tập trận quân sự lần này, mục đích chính là răn đe và đối phó kẻ thù chính trị trong nội bộ đảng.

Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra “Hai phiên họp”, bầu không khí chính trị ở Trung Nam Hải ngày càng trở nên rất kỳ lạ. Bà Vương Thụy Cầm, cựu Ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Thanh Hải, đã gửi thư ngỏ công khai đến Lưỡng hội ĐCSTQ trên Internet, kêu gọi tất cả đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cùng đứng lên bãi miễn Tập Cận Bình, ký tên buộc Tập Cận Bình phải từ chức.

Nguồn tin từ đài Á Châu Tự do cho biết, ông Thành Danh, phó giáo sư Khoa học Xã hội tại trường đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho rằng, việc kêu gọi ký tên phế truất Tập Cận Bình cơ bản là điều không thể. Điều này tương đương với việc thực hiện một cuộc cách mạng trong giai tầng lãnh đạo ĐCSTQ, nhưng sự việc này phản ánh thái độ bất mãn của các quan chức trong nội bộ đảng đối với ông Tập.

 Ông Thành chia sẻ, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, một tay đã viện đến thủ đoạn đàn áp, một tay lấy phát triển kinh tế để trấn an lòng người, nhưng trong tình hình dịch bệnh, người dân thất nghiệp trầm trọng, dưới sự đàn áp chính trị và thiệt hại nặng về kinh tế, người dân tự nhiên sẽ đứng lên phản kháng. Nếu nền kinh tế không thực thi tốt, sự phẫn nộ của người dân sẽ ngày càng lớn hơn, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị.
RELATED ARTICLES

Tin mới