Truyền thông Trung Quốc cho biết, nước này lần đầu thử nghiệm thành công máy bay trực thăng không người lái AR500C tại tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc. Việc này đánh dấu bước tiến mới của Trung Quốc trong việc chế tạo trang thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo thông tin trên, Viện nghiên cứu trực thăng ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc là đơn vị chế tạo trực thăng AR500C. Trong quá trình thử nghiệm trực thăng AR500C đã bay được khoảng 20 phút. Được phát triển trên cơ sở trực thăng không người lái AR500B, chiếc AR500C có trọng tải tối đa 5 tấn, có khả năng cất cánh ở độ cao 5.000 mét và bay ở độ cao tối đa 6.700 mét. Trực thăng này có thể hoạt động 5 giờ sau một lần nạp đầy năng lượng, với vận tốc tối đa 170 km/giờ và tốc độ tuần tra 165 km/giờ. Truyền thông Trung Quốc cho rằng AR500C có thể được sử dụng cho các hoạt động như hỗ trợ tìm kiếm, kiểm soát an ninh, cứu hỏa, kiểm soát trên biển, vận tải…
Trung Quốc hiện được đánh giá là nước có công nghệ chế tạo may bay không người lái (UAV) đứng hàng đầu thế giới. Nước này đã có bước nhảy vọt về chất trong 10-15 năm qua trong xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ UAV. Các loại UAV mới của Trung Quốc hiện có tính năng ngang bằng, thậm chí ở một số khía cạnh còn ưu việt hơn các loại tương đương của Mỹ. Các loại UAV này có giá cạnh tranh và do đó, có tiềm năng xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, UAV của quân đội Trung Quốc có các nhiệm vụ giống như các UAV của quân đội Mỹ như trinh sát; chỉ thị mục tiêu; tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa; tác chiến điện tử. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc đang tích cực sử dụng UAV để giám sát biển và biên giới trên bộ, và chống cướp biển.
Trước đây, Bộ Tài nguyên Trung Quốc triển khai kế hoạch xây dựng mạng các máy bay không người lái (drone) để giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm, 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông và một mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông.
Với trực thăng AR500C, sau khi hoàn thành thử nghiệm, Trung Quốc sẽ triển khai chế tạo hàng loạt nhằm phục vụ các mục đích dân sự và quân sự. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ đưa AR500C vào biên chế của các lực lượng hải quân, nhất là cho các tàu sân bay và tàu khu trục của nước này hoạt động ở Biển Đông và Hoa Đông. Mục đích của Trung Quốc được cho là để vận chuyển hàng hóa ra các đảo nhân tạo và tiếp tế cho tàu chiến; hỗ trợ đổ bộ đánh chiếm đảo; tấn công từ xa…
Nhiều ý kiến cho rằng, một khi máy bay này triển khai sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp; đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; góp phần gia tăng cơ sở vật chất – kỹ thuật để khẳng định “chủ quyền” phi pháp trong khu vực; đẩy mạnh khả năng thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông đê phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc triển khai máy bay trực thăm giám sát khu vực Biển Đông còn khiến Trung Quốc nắm bắt, kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu Trung Quốc triển khai máy bay trực thăng không người lái AR500C ra Biển Đông mà chưa được Việt Nam đồng ý là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Ngoài ra, hành động này cũng sẽ đi ngược lại Điều 2 và Điều 3 của Tuyên bố về ứng xử của các các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 2 quy định: “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Trong khi đó, Điều 3 ghi rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982”.
Nhìn chung, nếu triển khai trái phép trên Biển Đông, hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông mà sẽ còn vi phạm luật pháp quốc tế liên quan.