Nam Cực, Bắc Cực hiện là miếng bánh ngon giữa các cường quốc bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga. Giữa đại dịch Covid-19, trong khi Mỹ cắt giảm hay trì hoãn các hoạt động ở Nam Cực, Trung Quốc lại âm thầm mở rộng hoạt động. Nhiều giả thiết được đưa trong đó có ý kiến cho rằng có thể đến một lúc nào đó, Bắc Kinh cũng sẽ tuyên bố hai khu vực trên là “lợi ích cốt lõi” của nước này, như những “yêu sách” chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Peter Jennings, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), cho rằng mối quan tâm của Trung Quốc đối với Nam Cực không mang tính ngắn hạn. Nam Cực vốn được bảo vệ bởi Hiệp ước Nam Cực ký kết năm 1959 mà Trung Quốc là một trong 52 nước tham gia. Hiệp ước cấm các hoạt động quân sự, khai thác khoáng sản, xử lý chất thải hạt nhân; khuyến khích việc tự do trao đổi thông tin về các nghiên cứu khoa học ở Nam Cực; cấm các quốc gia đưa ra các yêu sách lãnh thổ mới đối với châu lục này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngoài Nga thì Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài nghiên cứu khoa học để đưa ra yêu sách lãnh thổ. Ông Jennings nhận thấy không giống các quốc gia khác, ý định của Trung Quốc là nhắm vào lợi thế về khoáng sản và quân sự của Nam Cực.
Trong bối cảnh nền kinh tế các nước bị tổn thương do dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia bao gồm Australia đã bắt đầu hạn chế hoạt động tại Nam Cực. Theo trang tin EurAsian Times (Ấn Độ), Australia chi 190 triệu USD cho chương trình phát triển tại Nam Cực năm 2010-2021.
Nam Cực được đánh giá là khu vực có nhiều tài nguyên thiên nhiên, dầu mỏ, giàu các loài sinh vật biển và nguồn nước ngọt khổng lồ từ các tảng băng. Giữa lúc các nước “đóng băng”, Công ty Shanghai Chonghe Marine Industry (Trung Quốc) đã đặt hàng một tàu mới để đánh bắt các loài nhuyễn thể ở Nam Cực, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Chủ quyền tại Nam Cực vẫn còn mơ hồ nên hầu hết các nước đều tranh thủ củng cố sự hiện diện bằng nhiều trạm nghiên cứu và đặt tên cho các điểm tại đây. Những nhà khoa học Trung Quốc đang chạy đua để thu thập lõi băng giúp tìm hiểu bầu khí quyển của Trái đất cách đây hơn 1,5 triệu năm, điều mà phương Tây chưa làm được.
Để đẩy mạnh hoạt động, Trung Quốc đang đóng chiếc tàu phá băng trị giá 300 triệu USD dự kiến được đưa vào sử dụng trong vài năm tới. Những động thái này của Trung Quốc khiến không ít nhà khoa học lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái nơi đây. Việc Bắc Kinh đẩy mạnh những hoạt động tại Nam Cực thời gian qua gây nhiều thắc mắc cho các nước như Australia và Mỹ. Không chỉ nhìn thấy những cơ hội về tài nguyên trong thềm băng Bắc Cực, Trung Quốc muốn góp mặt ở Nam Cực để giành lấy các lợi ích chiến lược quốc gia. Sự tích cực của Trung Quốc trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực gần như tương phản với Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ từng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự, bao gồm triển khai tàu ngầm, tại vùng Bắc Cực.
Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây ưu tiên hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Tạp chí Nikkei Asian Review cho biết từ “Bắc Cực” đã được nhắc đến 35 lần, bên cạnh những chủ đề nóng khác như Trung Quốc, Nga (đề cập 22 lần) và Triều Tiên (6 lần) tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ở Washington ngày 7/5. Khi đề cập đến Bắc Cực, tân Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite nói: “Người Trung Quốc và người Nga ở khắp mọi nơi”. Ông Braithwaite lưu ý cần cảnh giác khi hoạt động của Trung Quốc ngoài khơi Na Uy ở vùng High North gia tăng.